Chùa Đậu Tam quan chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội Địa Điểm: Chùa Đậu tọa lạc tại thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Trụ Trì: Đại đức Thích Thanh Nhung. Ngày Lễ Chính: Vào mồng 8, 9, 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Trong quần thể các ngôi chùa ở Hà Nội, ngoài những ngôi chùa nổi tiếng ở khu vực trung tâm như Trấn Quốc, Quán Sứ, Quan Thánh, phủ Tây Hồ, ... Hà Nội còn có nhiều ngôi chùa cổ, đều là nơi lưu giữ chứng tích của sự phát triển Phật Giáo ở Việt Nam, như: chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy và Chùa Đậu. Tuy nhiên, với chùa Đậu thì có lẽ nhiều người còn chưa biết tới. Chùa Đậu có tên chữ là Thành Đạo tự.Chùa thờ Bà Đậu hay nữ thần Pháp Vũ trong hệ thống tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) nên còn được gọi là Pháp Vũ điện. Sử sách ghi lại, các bậc vua chúa khi đến đây lễ bái, cầu an đều rất linh ứng nên ngày xưa, chùa Đậu được phong tặng là "Đệ nhất đại danh lam". Lịch Sử: Tương truyền, chùa được dựng dưới thời Bắc thuộc lần thứ hai (602 - 939), nhưng theo văn bia, chùa được xây dựng từ thời triều nhà Lý. Kiến Trúc: Chùa Đậu được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc". Tam quan chùa là một gác chuông đẹp, hai tầng tám mái với các đầu đao cong vút. Nhiều bộ phận gỗ được chạm khắc hình rồng, phượng và hoa lá. Tầng trên treo quả chuông đúc năm 1801 thời Tây Sơn. Đi qua tam quan là một sân gạch rộng, hai bên có hai tòa giải vũ làm nơi nghỉ ngơi cho khách hành hương. Tiền đường phía trước, nối liền với hai dãy hành lang hai bên và nhà tổ ở phía sau làm thành một khung vuông bao bọc lấy tòa thiêu hương và điện thờ Bà Đậu. Ngoài những giá trị kiến trúc, chùa Đậu còn bảo lưu được nhiều di vật quý như: 2 con chồn đá ở thềm Tam Quan có niên hiệu thời Trần, đôi rồng đá ở thềm bậc Tiền Đường, đến nay đã có hơn 500 năm tuổi; các phù điêu trạm hình tiên nữ đầu người, mình chim, những chàng trai cưỡi rồng đánh hổ, các loại gạch đất nung có hoa văn thời Mạc, thời Lê, hai bộ sách đồng… Đặc biệt, chùa còn lưu giữ hai pho tượng ướp xác, còn gọi là xá lỵ, hay tượng táng hai vị tổ thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường quý hiếm, làm nên một chùa Đậu bí ẩn và độc đáo. Hai pho tượng táng độc đáo của chú cháu thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường Đầu năm 1993, Bảo tàng lịch sử Việt Nam đã được giao nhiệm vụ lập phương án thiết kế và thi công trùng tu hai pho tượng này. Khi chiếu tia X-quang, các nhà nghiên cứu còn thấy rõ xương cốt bên trong thi hài và kết luận rằng : không có vết đục đẽo, không có hiện tượng hút ruột, hút óc và các khớp xương dính chặt với nhau như thể tự nhiên. Đây là hai vị Thiền sư đắc đạo tại chùa, để lại toàn thân xá lợi. Xá lợi đốt không cháy, ngâm trong nước không tan. Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh đã được tu bổ với các kĩ thuật: bó, hom, lót, thí, mài và thếp với các nguyên liệu như sơn ta, vải màn, giấy dó, mạt cưa và đất. Tổng số lớp sơn và thếp vàng là 14 lớp. Trước khi tu bổ, tượng nặng 7 kg, sau khi tu bổ, tượng nặng 7,5 kg. Pho tượng Vũ Khắc Trường đã bị hỏng nặng vào khoảng năm 1983 do am đặt tượng bị ngập sau trận lụt lớn. Tượng hồi đó đã được ông Vũ Văn Tuyền, cháu của thiền sư Vũ Khắc Trường đắp lại bằng đất và sơn ta. Tượng đã được các nhà nghiên cứu sắp xếp lại những xương bị gãy, xông thuốc 2 lần và phủ xương bằng dung dịch PVC và đưa lại xương vào trong tượng và bao kín toàn tượng bằng sơn ta, giấy bản, vải màn, mạt cưa, đất và thếp bạc, chỗ dày nhất tới 22 lớp. Toàn bộ pho tượng sau khi tu bổ nặng 31 kg. Hai pho tượng được coi là quốc bảo thiêng liêng và nhận được sự cung kính như Đức phật sống. Trải qua hàng trăm năm hai pho tượng đã có những dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 5.2003 Sở Văn hoá thông tin Hà Tây, Hội Phật giáo, UBND tỉnh Hà Tây… thực thi Dự án Tu bổ và bảo quản hai pho tượng. Phật tử 4 phương về hành lễ Chùa Đậu vốn đã huyền bí và mang trong mình những giá trị tâm linh lớn lao từ hai vị thiền sư đắc đạo, nay càng trở nên hấp dẫn hơn, bởi kỳ tích khôi phục tượng táng của các nhà khoa học Việt Nam. (TinhTam.vn)