Chùa Huyền Thiên

Thảo luận trong 'Đền chùa Hà Nội'

Tags: Add Tags
  1. HueNhan

    HueNhan Member

    Chùa Huyền Thiên

    [​IMG]

    Cổng tam quan chùa Huyền Thiên, Hoàn Kiếm, Hà Nội
    Địa Điểm: Chùa Huyền Thiên tọa lạc ở số 54 phố Hàng Khoai, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

    Ngày Lễ Chính: Vào ngày 3/3 và 9/9 âm lịch được tổ chức 5 năm 1 lần

    Quán Huyền Thiên, tên chữ là “Huyền Thiên cổ quán”, thường gọi là chùa Huyền Thiên hay đền Huyền Thiên. Thuộc địa phận khu phố cổ Hà Nội, quán Huyền Thiên nằm giữa phố Hàng Khoai, phường Đồng Xuân. Thời Lê là đất thôn Huyền Thiên, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương. Phố này trước đây là nơi tập trung bán các loại khoai. Tên phố thời Pháp thuộc là “Rue des Tubercules” (phố Các Củ). Sau cách mạng tháng 8 gọi là phố Hàng Khoai.

    Lịch Sử: Chùa được khởi dựng vào thời Lý. Kiến trúc được tu bổ, sửa chữa nhiều lần, định hình vào thời Nguyễn. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

    [​IMG]

    Tương truyền, Vào thời Tuỳ Khai Hoàng (617). Sau khi tu luyện đắc đạo tại núi Vũ Đương, Huyền Thiên Thượng Đế thường đi du ngoại khắp nơi để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. Ngài rất nhiều lần xuất hiện ở trần gian để tiễu trừ yêu ma cứu giúp dân lành. Ngài đến hồ Linh Động bên sông Nhĩ, hương Long Đỗ để diệt trừ yêu quái. Sau đó thần tiếp tục ngồi trên gò Kim Qui. Về sau nhân dân vùng này tưởng nhớ công ơn của Thần nên xây dựng Quán để phụng thờ…”

    [​IMG]

    Cũng theo sử sách đã ghi thì tục thờ Huyền Thiên Trấn Vũ đã xuất hiện ở nước ta từ rất sớm. Thần vốn là Thánh của Đạo giáo, lại là thần của người Việt nên nơi thờ đúng là Huyền Thiên quan. Sau này khi đạo Phật được mở rộng, dân trong thôn đưa Phật vào thờ chung trong quán, cũng quen gọi là chùa Huyền Thiên hay đền Huyền Thiên từ đấy.

    Kiến Trúc: Huyền Thiên cổ quán có bố cục kiểu “Nội công ngoại quốc”, các dấu tích kiến trúc, mỹ thuật hiện còn, đều mang dấu ấn của những lần tu sửa năm 1930, 1948. Mặt trước quán trông ra phố Hàng Khoai, tường sau áp sát phố Gầm Cầu, hai hồi quán là hai ngõ nhỏ. Nghi môn - gác chuông 2 tầng là một kiến trúc gạch nổi bật nhất trong toàn bộ các công trình của quán, mang dấu ấn đậm nết của lối kết cấu cổ truyền. Tiếp theo là phần nội công vãn còn nguyên vẹn với nhà bái đường 7 gian, có kiến trúc theo kiểu vọng lâu hai tầng, tám mái, đây cũng là nơi đặt pho tượng Thần Huyền Thiên.

    [​IMG]
    Tượng đức Huyền Thiên trấn vũ

    Bên cạnh ý nghĩa của một di sản kiến trúc tôn giáo, giá trị tiềm ẩn trong quán Huyền Thiên còn là các văn bia cổ, hàng loạt các pho tượng Phật, tượng Thánh, tượng mẫu và các pho tượng Lão giáo, cùng nhiều hiện vật phong phú khác.

    [​IMG]
    Lầu chuông

    Chánh điện được bài trí trang nghiêm. Chùa có nhiều pho tượng gỗ có giá trị nghệ thuật, như tượng các vị Bồ-tát Quan Âm, Thế Chí, Văn-thù, Phổ Hiền, tượng hai vị Hộ Pháp (mỗi tượng cao 3m) v.v... Chùa có điện thờ tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ. Chùa có tấm bia đá dựng vào năm 1668.

    Ngoài ra hàng năm, tại quán Huyền Thiên có hai ngày lễ lớn 3/3 và 9/9 âm lịch. Lễ rước tiến hành trong ba ngày kết hợp với nhiều sinh hoạt văn hoá đặc sắc. Tuy lễ hội mở định kỳ 5 năm một lần, nhưng qua hội lễ đã toát lên những nét đẹp truyền thống, qua đó những người dân ngày một thắt chặt thêm mối quan hệ xóm làng thân thuộc.

    [​IMG]

    Với tính chất của một ngôi quán thờ Thánh (theo quan niệm Lão giáo) lại vừa là một ngôi chùa thờ Phật, ngôi đền thờ Mẫu (theo tín ngưỡng dân gian), sự kết hợp hài hoà trong kiến trúc và tôn giáo đã làm Huyền Thiên cổ quán trở thành môt điểm văn hoá cảnh quan độc đáo trong quần thể các di tích nổi tiếng của khu phố cổ và thủ đô Hà Nội.

    Xem bản đồ đường đi:
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người