Chùa Thiên Quang Chùa Thiên Quang, Việt Trì, Phú Thọ Địa Điểm: Chùa Thiên Quang tọa lạc tại Núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Chùa Thiên Quang nằm trong khu di tích lịch sử Đền Hùng, trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Được xây kề bên đền Hạ, ở độ cao 80m. Sử sách ghi chép lại thì trước đây chùa có tên là Từ Sơn Thừa Long, có nghĩa là trước thời Hậu Lê chùa có tên chữ là “Từ Sơn thừa long ” sau đổi thành “ Viễn Sơn Cổ tự”, nay gọi là “Thiên Quang Thiền tự”. Đây là nơi hội tụ của khí thiêng trời đất, phát tâm khai sáng cho dân lành. Chùa Thiên Quang thờ Phật theo phái Đại Thừa. Trong chùa có đủ các loại tượng: Thích Ca, Cửu Long, Phạm Thiên, Đế Thích, Thiên Thủ Thiên Nhỡn, Di Đà, Văn Thù, Phổ Hiền, Tam Tôn, Tam Thế, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Quan Âm Thị Kính, các vị Bồ Tát, Khuyến Thiện, Trừng ác, Thánh Tăng Thổ Địa, Gia Lam chân tể; tượng Hậu và các thị giả... Trước cửa chùa có cây vạn tuế (Cycas revoluta Thumb) 3 ngọn, sống gần 800 năm tuổi. Ngày 19 tháng 9 năm 1954 khi về thăm Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngồi dưới gốc cây này nghe đồng chí Thanh Quảng - Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương và đồng chí Song Hào - Chính ủy Đại đoàn quân tiên phong báo cáo về tình hình của Đại đoàn và kế hoạch đưa bộ đội về tiếp quản Thủ đô Hà Nội và thống nhất chương trình gặp mặt với cán bộ chủ chốt của Đại đoàn quân tiên phong ngày 19/9/1954 tại Đền Giếng. Trước sân chùa có 2 tháp sư hình trụ, 4 tầng. Lòng tháp xây rồng, đỉnh đắp hoa sen. Trong tháp có bát hương và một tấm bia đá (0,3m x 0,5m) nội dung ghi về các vị Hoà thượng đã tu hành và viên tịch tại đây. Gác chuông còn được gọi là Tam quan (cổng chùa) nằm thẳng trước cổng chùa. Được xây dựng vào thế kỷ XVII, gồm 3 gian, 2 tầng mái, 4 vì kèo cột kiểu chồng gường kết hợp với bẩy kẻ. Đây là công trình kiến trúc cổ duy nhất còn tồn tại trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Trên gác chuông có treo một quả chuông lớn, không khắc ghi niên đại đúc chuông mà chỉ khắc dòng chữ “Đại Việt quốc, Sơn Tây đạo, Lâm Thao phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng”. Các nhà “Đền Hùng học” đoán định niên đại quả chuông này được đúc vào thời Hậu Lê vì Quốc hiệu Đại Việt chỉ có từ thời Lý đến hết thời Lê; nhưng phủ Lâm Thao tới hết thời Lê sơ (đến thế kỷ XV) mới được thành lập. Bài minh chuông ghi lại việc hai thôn của huyện Yên Lạc, phủ Vĩnh Tường quyên góp tiền để đúc chuông. Chùa Thiên Quang nằm xen giữa các ngôi đền thờ Tổ trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Hàng năm nhân dân ở khắp mọi miền đất nước về với Đền Hùng dâng hương viếng Tổ đều không quên cắm hoa lễ Phật. (TinhTam.vn)