Chùa Trung Hành Lối vào chùa Trung Hành, Hải An, Hải Phòng Địa Điểm: Chùa Trung Hành thuộc địa bàn phường Đằng Lâm, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Trụ Trì: Sư Phúc Ngày Lễ Chính: Vào ngày 17-1 âm lịch hàng năm. Chùa Trung Hành có tên chữ là Hưng Khánh Tự. Chùa Trung Hành thuộc phường Đằng Lâm, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Chùa được xây dựng khá lâu, quy mô bề thế, phong cảnh thanh u, cổ kính. Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1993. Trung Hành vốn nổi tiếng là vùng đất địa linh, nhân kiệt - nhiều người đỗ đạt, nhiều văn quan, võ tướng có tài, hiện còn được ghi lại trên văn bia, gia phả các dòng họ. Theo lịch sử ghi chép lại thì chùa được khởi dựng từ khá sớm khoảng thời Lý - Trần. Song dấu vết vật chất còn để lại có niên đại sớm nhất là thời nhà Mạc (thế kỷ 16). Chùa có quy mô khá lớn, có bố cục kiến trúc hình chữ 工 - Công: tam quan - gác chuông, tòa Phật điện, nhà thờ tổ, vườn bia, mộ tháp. Có thể nói chùa Trung Hành còn bảo lưu khá hoàn chỉnh về bố cục các công trình kiến trúc và quy hoạch không gian của một ngôi chùa làng thời Mạc điển hình ở Hải Phòng. Pho tượng hoàng đế nhà Mạc trong chùa Dưới mái chùa cổ kính này, đang bảo lưu nhiều pho tượng Phật quý bằng gỗ, mang đậm phong cách dân gian với các đồ án trang trí nghệ thuật được thờ tại tòa phật điện như các pho tượng phật : Tam Thế, A Di Đà, Văn Thù, Phổ Hiền, Hộ Pháp,… Đặc biệt tại đây còn lưu giữ pho tượng vị hoàng đế nhà Mạc. Tượng hoàng đế tạc bằng đá, pho tượng được đặt ở cuối Phật điện, toàn thân phủ một lớp sơn dày, trông thoáng qua giống như tượng gỗ. Lễ hội ở chùa Trung Hành diễn ra từ ngày 16 - 18 tháng giêng âm lịch. Xưa có tục múa roi diễn lại khí thế xung quân, diệt giặc của quân đội thời Ngô Quyền. Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến dự lễ và thưởng thức các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Xem bản đồ đường đi: (TinhTam.vn)