Chuyện công đức ở ngôi chùa “ba không“

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Đó là một ngôi chùa thiêng hơn nghìn năm tuổi không có hòm công đức, không cúng vàng mã, không dâng đồ mặn. Ai tới đây cũng được sư cụ trụ trì dặn rằng: "Đi chùa phải tĩnh tâm".

    Chùa “ba không”

    Xuôi Hà Nội 20km, chúng tôi có mặt tại ngôi chùa thiêng hơn nghìn tuổi ở đất Kinh Bắc - chùa Tiêu (xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Thấy có khách tới, sư trụ trì có tên là Thích Đàm Chính 84 tuổi, lưng còng song song với mặt đất đon đả mời vào.

    Theo lời kể của sư trụ trì, cách đây gần 50 năm, cụ về làm trụ trì chùa. Lúc đó chùa hoang sơ bởi sự tàn phá của chiến tranh. Lịch sử chùa Tiêu có niên đại hơn ngàn năm và gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc. Chùa Tiêu còn được biết đến là chốn tu thiền huyền bí của người xưa và là một trung tâm Phật giáo cổ xưa của Việt Nam.

    Và nói tới chùa Tiêu là nói đến Thiền sư Vạn Hạnh. Bởi lẽ chùa Tiêu là chốn tu thiền giảng đạo của nhiều bậc cao tăng trong đó sư Vạn Hạnh là trụ trì - người có công nuôi dạy Lý Công Uẩn tức Vua Lý Thái Tổ thời nhỏ. Điều thú vị hơn là chùa Tiêu hiện nay vẫn đang lưu giữ, thờ phụng và bảo quản được nhục thân thiền sư Như Trí với dáng vẻ “ngồi kiết già” trong nhà thờ Tổ. Pho tượng táng tại tháp cổ chùa Tiêu đã gần 300 năm...

    Ngoài những độc đáo về nguồn gốc, chùa Tiêu còn được biết tới là ngôi chùa “có một không hai”… ngôi chùa không có hòm công đức. Nếu như ở các đình, chùa, đền, miếu ở các địa phương khác, hòm công đức được bày như “ma trận” thì ở đây tuyệt nhiên không. Hoàn toàn không có chuyện chen lấn đặt lễ, thả tiền công đức một cách xô bồ như thường thấy tại các điểm di tích và tôn giáo khác. Tất cả gian chính điện, tam bảo, nhà thờ tổ…. đều không có lấy một chiếc hòm công đức.

    Ngoài không có hòm công đức, chùa cũng không nhận lễ vật, không dùng tiền giả, tiền giấy dâng lên cửa Phật. Nhà chùa khuyến cáo cùng tăng ni, phật tử trên mỗi bát hương chỉ nên thỉnh một nén, cúng hoa quả tinh khiết.

    [​IMG]
    Sư trụ trì Thích Đàm Chính
    Chỉ phát tâm khi cần tu bổ chùa

    Khi biết nhà chùa không có hòm công đức, nhiều người cho rằng sư cụ “gàn dở”, không nhạy bén thời cuộc. Trước sự lạ thường này, sư trụ trì móm mém cười nói: “Gần 50 năm về trước, tôi về đây trông coi, tôi đã nguyện không lập hòm công đức. Cuộc sống tu hành đâu cần nhiều vật chất. Tôi ở một mình, nếu có hòm công đức lại phải trông coi, nơm nớp lo lắng, đêm ngủ không yên. Biết tôi không có tiền thế này, trộm nào muốn vào quấy quả nữa”.

    Ngoài ra, việc để nhiều hòm công đức tại những chốn linh thiêng như vậy là điều không nên. Bởi vô hình trung, nó tạo ra cảm giác “thương mại hóa” trong khu di tích, đình chùa, nơi biểu hiện những đặc trưng của văn hóa cũng như là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, theo sư cụ.
    Sư cụ Thích Đàm Chính cũng cho rằng chuyện đốt vàng mã, rải tiền thật khắp nơi ở cửa Phật để cầu xin tiền tài là chuyện hoàn toàn không có trong đạo Phật. Nếu đến chùa dâng tiền, cầu xin tài, cầu lộc mà Phật có thể ban cho được thì phải chăng Phật biết nhận hối lộ? Hoàn toàn sai lầm và mê tín khi nghĩ như vậy. Đến với đạo Phật là để học phương pháp để sống an lành và hạnh phúc cho mình chứ không phải để cầu xin và nuôi tham vọng.

    “Điều đáng buồn là hiện nay vấn nạn hòm công đức đã trở nên quá phổ biến và nặng nề. Xung quanh câu chuyện hòm công đức là những ái, ố, hỷ, nộ bàn tán khắp nơi. Ban quản lý các di tích, tín ngưỡng, tôn giáo cũng tranh thủ dịp này tận dụng cả các loại xô, chậu, đĩa khác nhau nhằm tận thu những đồng tiền công đức từ khách thập phương. Ở nhiều nơi khách thập phương tới, vừa lo lễ bái, vừa lo rút tiền bỏ vào hòm công đức. Mỗi lần rút ví, lại là cơ hội cho kẻ cắp. Khổ cho người bị móc ví và chốn linh thiêng bị vẩn đục” - sư cụ ngậm ngùi.

    Trước sự khang trang của gian chính điện, tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà khách cũng như hàng chục bậc thang lên chùa được lát bằng đá, rất nhiều khách thập phương tò mò không lấy tiền công đức thì nhà chùa lấy đâu ra tiền tỉ để tu bổ, xây dựng chùa?

    Sư cụ điềm tĩnh: “Chùa không có hòm công đức nên chẳng có tiền. Khi cần tu bổ, xây dựng chùa, tôi lên kế hoạch rồi báo cáo chính quyền, sau đó là phát tâm. Tôi nhờ người dự trù kinh phí xây dựng và chỉ nhận đủ số tiền những khách thập phương phát tâm. Các hạng mục sửa chữa đã hoàn thành thì cũng là lúc tôi dừng việc công đức này. Số tiền ấy được thể hiện minh bạch, rõ ràng qua sổ sách, chứng từ”.

    Còn nhớ, một đại gia kinh doanh thủy sản ở tận Cà Mau, khi biết chuyện nhà chùa đang phát tâm để tu bổ những bậc thang được lát bằng đá. Sau khi thu xếp việc kinh doanh, nữ đại gia ấy đã bay ra Hà Nội, tới chùa để ngỏ lời xin phát tâm, công đức 50 triệu đồng. Nhưng điều làm nữ đại gia ấy bất ngờ là, sư cụ từ chối vì lý do… nhà chùa đã đủ tiền nên dừng việc phát tâm trước đó một ngày.

    Sư cụ nhẹ nhàng nói: “Số tiền này rất đáng quý và đáng quý hơn nếu con mang tới trại trẻ mồ côi, trung tâm dưỡng lão để công đức”. Và nữ đại gia đã nghe theo lời của sư cụ.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người