Từ việc nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn về đường con cái đến chùa hành lễ, ăn chay niệm phật thời gian sau sinh được con, đến những đồ vật trong chùa bị mất cắp nhưng sau đó đều được hoàn trả lại vị trí cũ. Tất cả những điều đó đã tạo cho ngôi chùa những điều linh thiêng hiếm có. Uống nước xong kéo nhau về Thầy Thích Đàm Hưng, trụ trì chùa Đô Mỹ (Hà Tân, Hà Trung, Thanh Hóa) cho biết: "Tôi được nghe các cụ trong làng kể lại năm 1973 trận hồng thủy đã cuốn trôi những tài liệu trong chùa, sau mưa lũ mọi người chỉ nhặt lại được hai pho tượng. Vì thế, kể cả các cụ cao niên trong làng cũng không biết được đình và chùa có từ lúc nào. Những cây cột đình bằng gỗ lim, sến hai người ôm không xuể, không biết được dựng bằng cách nào. Nhưng căn cứ vào thượng lương (dòng chữ Hán trên xà nhà) còn lại đã được Viện Hán nôm dịch, chùa được xây dựng từ thời Khải Định. Vào năm 1972, chùa là nơi căn cứ cách mạng, kho lương thực và đạn dược. Nhiều cụ cao niên trong làng nói rằng chùa rất linh thiêng". "Năm 1983 chính quyền có chủ trương phá dỡ các ngôi đình chùa trong vùng. Chùa Đô Mỹ cũng nằm trong diện phải phá dỡ. Khi đó ngôi chùa Tam Quy ở xóm trên đã được người ta thuê người san phẳng từ mấy hôm trước. Vài ngày sau những người đó lại được chính quyền thuê xuống chùa Đô Mỹ để tháo dỡ. Trước khi dỡ chùa họ tranh thủ ngồi ngoài hè làm ngụm nước. Nhưng lạ kỳ thay không biết lí do gì, nhóm người uống nước xong, không ai bảo ai lần lượt đứng lên ra về. Từ đó không ai nói đến chuyện phá chùa nữa", thầy Hưng kể. Chùa Đô Mỹ (Hà Tân, Hà Trung, Thanh Hóa). Phật ban cho mẹ tròn con vuông Thầy Hưng bảo, nói ra thì khó tin nhưng chùa chúng tôi nhiều người hiếm muộn con cái đến làm lễ cầu, thời gian sau sinh được con. Nhiều người khó lấy vợ chồng đến cầu về gặp được ý trung nhân. Các cây lộc vừng trồng trước cửa chùa được các Phật tử khắp nơi cung tiến. "Cách đây mấy năm có một người phụ nữ khóc than từ cổng chùa, đòi được gặp tôi. Hỏi ra mới biết cô ta ở xã bên. Cô khóc nức nở nói không nên lời: Thầy ơi cứu con với, con lấy chồng 10 năm, 5 lần mang thai và đều sinh con trai. Nhưng cứ sinh ra được mấy ngày, không hiểu sao các cháu đều chết. Trước khi sinh con đều khám thai định kỳ và thai nhi phát triển tốt. Giờ mộ 5 người con của con chôn dài dằng dặc. Đau xót lắm thầy ạ. Gia đình nhà chồng còn đến nhà bố mẹ đẻ người phụ nữ đó để chửi bới, phỉ báng. Họ cho rằng bên gia đình nhà vợ ăn ở không tốt nên con cháu họ gặp họa", thầy Hưng kể. Người phụ nữ đó bảo rằng: Nếu lần này không được làm mẹ thì cô cũng không muốn sống nữa, sẽ đi tìm các con của mình để được nằm bên cạnh các cháu. Thầy Hưng cho hay: "Lúc đó cô ấy đã mang thai đến tháng thứ 6, lần này cũng là con trai. Tôi hỏi cô ấy là từ khi cưới nhau đến giờ gia đình có xảy ra chuyện gì không. Cô ấy kể lại rằng, trước ngày cưới mọi người trong gia đình đã mua lợn về thịt làm cỗ mời dân làng. Mổ lợn ra mọi người mới biết là chú lợn đó đang mang thai, trong dạ con có 7 chú lợn con. Hôm sau cô ta mang mấy bò gạo, gói bánh nải chuối vào chùa để làm lễ, cầu cho việc sinh nở được thuận lợi. Tôi cũng không biết được việc sinh nở của cô ta lần này lành hay dữ mà chỉ khuyên nhủ, để an lòng cô ấy và mọi người trong gia đình". Sau lần làm lễ ở chùa Đô Mỹ thầy Hưng dặn dò người phụ nữ đó cứ yên tâm về nói với mọi người trong gia đình lần này việc sinh nở sẽ được thuận lợi. Khi mẹ tròn con vuông thì xuống tạ lễ với nhà chùa. Mấy tháng sau cô gái đó mừng mừng tủi tủi xuống chùa thông báo đã sinh được một bé trai bụ bẫm. Và nhờ thầy Hưng đặt tên cho cháu bé là Nguyên Thành. Thầy Hưng bảo, nhiều trường hợp đến chùa làm lễ cầu về đường con cái, vợ chồng khoẻ mạnh, không hiểu vì sao không sinh được con. Như trường hợp chị Lê Thị Mai (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) lấy chồng 14 năm, hai vợ chồng đều khoẻ mạnh bình thường nhưng không hiểu sao vẫn không có con. Chị Mai đã đi thụ tinh nhân tạo mà vẫn không được. Nhờ người giới thiệu họ đã về chùa làm lễ cầu có con. "Vợ chồng họ về chùa tụng kinh ăn chay niệm Phật một tuần, thật bất ngờ 3 tháng sau, người vợ đến thông báo với nhà chùa rằng chị ta đã mang thai". "Người dân đi chùa thì cũng có nhiều tầng lớp. Tầng lớp trí thức đến chùa tìm hiểu đạo pháp, người dân nghe thấy linh thiêng thì đến cầu. Họ không hiểu giáo lý xa xôi mà chỉ cầu bằng cái tâm của mình cầu cho gia đình được bình an, ấm no hạnh phúc. Những điều linh thiêng đó có được một phần do "phúc chủ, lộc thầy. Vì có người cầu được có người không cầu được, có thể họ có duyên với chùa nên cầu được", thầy Hưng giải thích vì sự linh ứng của những người đến chùa cầu được. Đồ vật mất cắp đều được hoàn trả Ông Nguyễn Văn Sơn, công an viên xã Hà Tân kể: "Trước đây khi chùa chưa có ai quản lý, một số người đi qua thấy máng nước bằng đá rất đẹp, họ đã mang về làm máng cho lợn ăn. Có người lấy gạch của chùa về lát sân. Nghe đâu những gia đình đó làm ăn không được, gia đình gặp nhiều chuyện tai ương. Họ cho rằng một phần là do trước đây họ đã lấy cắp đồ vật trong chùa, nên đã bị thánh thần quở trách. Vì thế, họ đã mang đồ vật đó đến chùa làm lễ để trả lại". "Có chú gà trống trong chùa phóng sinh ra ngoài được một năm giờ nặng mấy cân, lông mượt mà. Gà không bao giờ về chùa nhưng cũng không ai dám bắt. Chú gà xem nhà nào cũng là nhà của mình, gia đình nào trong xóm nhiều gà mái thì chú đến ngủ. Khi biết gà đến thì mọi người cho ăn chứ không ai dám bắt. Bất cứ tài sản gì là của chùa không ai dám đụng đến" - thầy Hưng cho hay. Những năm 1972 chùa là nơi tập kết lương thực của bộ đội. Người dân ở đây khi đó rất đói, nhưng chỉ khi người quản lý lương thực cho thì mọi người mới ăn. Tuyệt nhiên không có chuyện người dân đến trộm cắp lương thực về ăn. Đó là một phần ý thức của người dân, một phần do lương thực đó để trong chùa, dù không ai trông coi nhưng mọi người không dám tự tiện lấy về ăn. Điều đó nó thể hiện sự tôn nghiêm và linh thiêng của ngôi chùa. Ông Sơn bên chiếc máng lợn được người dân trả lại chùa. - Thầy Thích Đàm Hưng cho biết: “Chùa Đô Mỹ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1996. Tuy nhiên, hiện nay ngôi chùa đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều bức tường đã bị nứt toác, mái nhà dột nát. Vì vậy, chúng tôi rất mong được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc tôn tạo lại chùa”. - Ông Nguyễn Thanh Truyền, Chủ tịch UBND xã Hà Tân cho biết: Trước đây, tôi nghe ông bà nói rằng đất làng trước đây là bãi bồi bên sông, dân chúng tôi có thể từ nơi khác đến nên mọi người không biết về lịch sử của đình chùa, nếu là người gốc thì phải biết hay có tài liệu gì đó. Trước làng có tên là Bái Đô, sau này gọi là Đô Thành và bây giờ gọi là Đô Mỹ. Việc một số người trả lại đồ vật đã lấy cắp trong chùa nhiều người dân trong làng đều biết. Nhiều người cũng không biết vì sao chùa lại có được nhiều sự linh thiêng huyền bí đó.