Ngày xưa, có một cô gái mồ côi cha mẹ, không ai nuôi. Cô phải đi ăn xin ngoài chợ. Tối lấy chiếu quấn nằm ngủ. Nghe nói Rằm tháng Bảy cúng dường Tam bảo có phước lắm, cô tự nghĩ mình cần tạo phước để thoát khỏi nghèo khổ. Hôm đó xin được có hai xu, cô muốn cúng cái gì mà chư tăng trong chùa đều hưởng được hết. Nghĩ vậy cô mua hai xu muối, đem vào chùa năn nỉ vị nấu cơm: “Con xin được có hai xu để mua muối, xin được cúng hết chư Tăng trong chùa, mong người giúp cho”. Vị ấy liền bỏ nắm muối của cô vào nồi canh to, thế là chư Tăng đều được hưởng đầy đủ. Bẵng đi một thời gian, cô cũng không còn nhớ chuyện cúng muối ấy nữa. Lần lần lớn khôn, cô càng xinh đẹp lạ thường. Khi đó, trong triều đình nhà vua muốn chọn người cưới cho Thái tử làm vợ. Thấy mỹ nhân nào Thái tử cũng từ chối. Vua mới ra lệnh cho các quan tìm người nào Thái tử vừa ý sẽ được trọng thưởng. Bấy giờ một ông quan đi ngang vùng đó, thấy trên trời có vầng mây đỏ, ông nghĩ nơi đây chắc có dị nhân phước lớn. Giờ trưa, trên đường trở về, ông thấy cô bé mười sáu, mười bảy tuổi đang trùm chiếu ngủ. Ông đến gần nhìn, bất chợt cô bé thức dậy tốc chiếu ra. Thấy người con gái đẹp đẽ phi thường lại sống đầu đường xó chợ như vầy, ông động lòng thương, đem về nuôi ăn học, dạy dỗ đàng hoàng. Năm cô mười tám tuổi, ông dẫn đến trình nhà Vua. Vua gọi Thái tử lại, vừa thấy cô gái, Thái tử đẹp lòng ngay và cưới làm vợ. Thời gian sau, nhà Vua mất, Thái tử lên ngôi vua và cô bé trở thành Hoàng hậu. Khi làm Hoàng hậu, cô cứ nghĩ, không biết mình đã làm phước gì mà được hưởng vinh hoa thế này. Rồi Hoàng hậu chợt nhớ đến việc cúng muối năm xưa, và cho rằng phúc báo từ đó mà ra. Một hôm Hoàng hậu sắm đủ thứ vật dụng sang trọng truyền chở vô ngôi chùa ngày xưa. Nhưng lúc trước chỉ với hai xu muối của cô bé ăn xin, mà thầy Trụ trì nói bữa nay có đại thí chủ đến cúng dường, bảo chư Tăng đánh chuông trống đón. Bây giờ Hoàng hậu đem rất nhiều tài vật đến nhưng thầy Trụ trì không đánh chuông trống đón. Lấy làm lạ, Hoàng hậu gặp thầy Trụ trì hỏi: - Thưa thầy ngày xưa con là đứa ăn mày, chỉ cúng dường có hai xu muối mà nghe chuông trống đánh rình rang. Ngày nay con là Hoàng hậu, cúng cả xe trân bảo mà sao không nghe chuông trống gì hết? Thầy Trụ trì nói: - Ngày xưa hai đồng xu quí vì đó là mạng sống của con. Muốn cúng chùa con phải nhịn đói, nên hai xu ấy lớn vô cùng. Ngày nay con là Hoàng hậu, của cải đầy xe nhưng đó là của dân chớ đâu phải của con. Lấy của người làm phước cho mình thì đâu có gì quan trọng. Nghe vậy Hoàng hậu giật mình, thức tỉnh. Qua câu chuyện trên chúng ta thấy không phải cúng nhiều tiền, nhiều của mới có phước mà một vật nhỏ nhoi nhưng với tâm rộng lớn, hy sinh tánh mạng của mình, phước ấy mới lớn. Thế nên chúng ta tu đừng đợi có tiền nhiều cúng chùa mới có phước. Mà chính lòng thành, tâm tốt dù ít dù nhiều cũng đều có phước lớn. Công đức đó không ai thấy, không ai biết, chỉ những bậc giác ngộ mới thấy biết được. Do đó ai cũng có thể làm việc phước hết. Phước đức do chính chúng ta gây tạo mới thật là sản nghiệp của mình, còn tất cả những tài sản thế gian sẽ mất hết, chúng không bền. Chúng ta lâu nay có gom nhóp tài sản công đức đó không, hay chỉ gom nhóp tiền bạc để dành hoặc gởi ngân hàng? Cái có thể mất mà chúng ta cứ lo, cứ giành giựt. Còn cái không mất thì ngó lơ, bỏ quên. Đó là người chưa biết tu. Người biết tu phải nhìn thấy được cái gì thật cố gắng làm, cái gì tạm bợ thì đừng quan tâm. Đây là vấn đề hết sức thiết yếu. Hai thứ tài sản bên ngoài và công đức bên trong, chúng ta nên chọn cái nào? Đa số chọn tài sản, vì công đức không thấy được. Đâu ngờ chính cái không thấy được mới không bị lấy mất, còn tài sản thấy được sẽ bị người ta chia sớt, lấy bớt. (Trích bài giảng của HT. Thích Thanh Từ) Tĩnh Tâm