Tối nọ, có một người đàn ông trung niên tìm tới một ngôi chùa để cầu Đức Phật mở lối cho anh về chuyện tình yêu. Đang loay hoay khấn vái thì có một vị thầy bước đến gần, thể hiện sự quan tâm anh và hỏi: - Anh có nỗi khổ gì mà cầu nguyện khẩn thiết với đức Phật vậy? - Thưa thầy, là một người đã có vợ nhưng lại đang yêu say đắm một người phụ nữ khác, con thật không biết nên làm thế nào? Người đàn ông thưa. - Con có thể xác định người phụ nữ con đang yêu hiện nay là người phụ nữ cuối cùng và duy nhất trong cuộc đời con không? – vị thầy hỏi. - Thưa vâng! Con sẽ ly hôn, sau đó lấy cô ấy? Nhưng vợ con hiện nay dịu dàng, lương thiện, thảo hiền. Con bỏ cô ấy liệu có phần tàn nhẫn không, có mất đạo đức không, thưa thầy? - Trong hôn nhân không có tình yêu chân thật mới là tàn nhẫn và mất đạo đức. Khi không yêu mà gắng gượng, giả tạo là một thứ tàn nhẫn nhất. - Nhưng, vợ con yêu con lắm, thưa thầy? - Vậy thì vợ con đang rất hạnh phúc. - Sau khi con chia tay vợ để lấy người khác, vợ con sẽ rất đau khổ, tại sao lại hạnh phúc, thưa thầy? - Trong hôn nhân, vợ con vẫn có tình yêu đối với con, còn con đã mất đi một tình yêu đối với vợ, vì con đã yêu người khác. Chính vì có hạnh phúc mà tự đánh mất đi thì mới đau khổ, cho nên người đau khổ là con. - Sau khi cắt đứt vợ, con cưới người khác, vậy con mới là người hạnh phúc còn cô ấy đã mất con, cô ấy mãi là người đau khổ? - Con nhầm rồi, con chỉ là người được vợ con yêu thật sự. Khi một người như con không tồn tại, thì tình yêu thật sự của vợ con sẽ tiếp nối sang một người xứng đáng khác. Bởi tình yêu thực sự của vợ con xưa nay chưa từng mất, cho nên vợ con sẽ tìm được hạnh phúc mới một cách chân thật, con là người bị mất (cái đang được đó) nên sẽ rất hối hận và đau khổ. - Vợ con từng nói kiếp này chỉ yêu mình con thôi, (cô ấy) sẽ không yêu ai khác. - Con cũng từng nói thế phải không? Đừng quá chủ quan theo cách ích kỹ và hẹp hòi như thế! - Người đàn ông im lặng! - Bây giờ, hãy nhìn ba ngọn nến trong lư hương trước mặt, con xem ngọn nào sáng nhất? - Quả thật con không biết, hình như đều sáng giống nhau. - Ba ngọn nến ví như ba người phụ nữ. Một ngọn trong đó là người phụ nữ hiện giờ con đang yêu. Đông đảo chúng sinh, phụ nữ đâu chỉ là mười triệu, trăm triệu… Ngay đến một trong ba ngọn nến, ngọn nào sáng nhất con cũng không biết, cũng không tìm được người con hiện đang yêu, thì làm sao con xác định được người phụ nữ hiện nay là người phụ nữ cuối cùng và duy nhất trong cuộc đời con? - Con…không ... biết ... - Bây giờ con cầm một cây nến đặt trước mắt để tâm nhìn xem ngọn nào sáng nhất? - Đương nhiên ngọn trước mặt sáng nhất. - Bây giờ con đặt nó vào chỗ cũ, lại xem xem ngọn nào sáng nhất. - Quả thật con vẫn không nhìn ra ngọn nào sáng nhất. - Thật ra cây nến con vừa cầm giống như người phụ nữ cuối cùng con đang yêu hiện nay, tình yêu nảy sinh từ trái tim, khi con cảm thấy yêu nó, để tâm ngắm nghía, con sẽ thấy nó sáng nhất. Khi để nó vào chỗ cũ, con lại không tìm được một chút cảm giác sáng nhất. Thứ gọi là tình yêu cuối cùng và duy nhất của con chỉ là "hoa trong gương, trăng dưới nước", suy cho cùng chỉ là con số không, một cuộc tình trống rỗng. - Con hiểu rồi, không phải thầy bảo con phải ly hôn mà là đang niệm chú để cho con ngộ đạo. Bây giờ con đã biết thật sự con nên yêu ai, người đó chính là vợ con hiện nay, thưa thầy! - Nhìn thấu sẽ không nói trắng ra, con đi đi! Lời bình: Chúng ta đã chọn lựa rất kỹ trong hôn nhân nhưng sao vẫn còn đổi thay? Đơn giản, vì tình yêu có được theo cảm xúc chớ không phải thật lòng yêu nhau nên mới dễ dàng chối bỏ như thế. Cảm xúc thì luôn thay đổi mà tình cảm chân thật thì (tạm cho) là bất biến. Khi nào không còn đánh lừa giữa cảm xúc và tình yêu thì khi đó chúng ta mới có được một hạnh phúc gia đình bền bỉ. Do đó, để tránh đi những việc đáng tiếc trong hôn nhân, đừng làm kẻ đứng núi này tưởng tượng núi nọ, thì trước khi cưới nhau chúng ta cần phải quán chiếu thật kỹ về tình cảm đang là: vì yêu hay vì cảm xúc nhất thời! Nếu vì cảm giác nhất thời thì suốt đời này chúng ta mãi chỉ là kẻ nô lệ nó và không bao giờ có được một tình yêu và hạnh phúc chân thật trong hôn nhân. BBT. Phật Pháp Ứng Dụng biên soạn