Đền Mẫu

Thảo luận trong 'Đền Chùa Hưng Yên'

Tags: Add Tags
  1. HueNhan

    HueNhan Member

    Đền Mẫu

    [​IMG]
    Cổng tam quan đền Mẫu, Quang Trung, Hưng Yên

    Địa Điểm: Đền Mẫu tọa lạc nằm trên địa bàn phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên.

    Ngày Lễ Chính: Ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm

    Đền Mẫu còn có tên gọi khác là Đền Mẫu Hoa Dương linh từ hay đền Mậu Dương. Đây là một trong những danh lam thắng cảnh đẹp nhất của Phố Hiến. Bên phải đền là hồ Bán Nguyệt, phía trước là sông Hồng, Bến Đá - nơi thuyền cập bến buôn bán tại Phố Hiến xưa. Năm 1990, Đền Mẫu đã được Bộ Văn hoá-Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.

    Lịch Sử: Đền Mẫu thờ Dương Quý Phi (nhà Tống - Trung Quốc), được người đời tán xưng là Dương Thiên Hậu, Mẫu Nghi Thiên Hạ. Vào thế kỷ XIII khi quân Nguyên xâm lược nhà Tống, vua và hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam. Vì không chịu khuất phục trước sự truy bức của quân Nguyên, vua Tống và một số người trong hoàng cung nhảy xuống biển tự vẫn.

    [​IMG]

    Thi thể của Dương Quý Phi trôi dạt về vùng cửa sông Phố Hiến, được nhân dân chôn cất chu đáo. Người nội thị của triều đình Bắc quốc là quan thái giám họ Du trong cơn loạn lạc tới Phố Hiến, được nhân dân địa phương giúp đỡ đã tập hợp những người Hoa lánh nạn hưng công xây dựng đền thờ, lập làng Hoa Dương. Khi thái giám mất, dân làng tôn làm thành hoàng làng, ngôi mộ được giữ gìn trong khuôn viên của đình Hiến.

    Theo sử sách ghi chép, Đền Mẫu xây dựng vào thời Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên (1279). Trải qua các triều đại, đền đều được trùng tu. Năm Thành Thái thứ 8 (1896), đền Mẫu được trùng tu lớn có quy mô như ngày nay.

    Kiến Trúc: Đền gồm có: tam quan, thiên hương, tiền tế, trung từ, hậu cung. Tam quan của đền được xây dựng theo kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, cửa xây vòm cuốn, có một cửa chính và hai cửa phụ. Trên vòm cuốn có bức đại tự ghi kiểu chữ triện: "Dương Thiên Hậu - Tống Triều" và bức chữ Hán: "Thiên Hạ mẫu nghi". Tòa tiền tế, trung từ có nhiều bức chạm khắc đề tài tứ linh, tứ quý.

    [​IMG]

    Hậu cung có tượng Dương Quý Phi cùng hai người hầu là Kim Thị và Liễu Thị, niên đại thế kỷ 17-18. Tượng Quý Phi được tạo tác sống động, nét mặt trang nghiêm, đôn hậu. Dưới ban thờ có dấu tích một cái giếng nhỏ. Tương truyền giếng vốn là "rốn biển", khi biển lùi xa để lại dấu tích cùng với hồ Bán Nguyệt cho nên nước giếng luôn đầy vơi theo nước hồ.

    Trong đền lưu giữ nhiều di vật quý như kiệu võng, long đình, long sàng, long kỷ có niên đại thế kỷ 18-19 và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến Nguyễn, cùng nhiều bức hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi tấm gương trung trinh tiết liệt của Dương Quý Phi.

    Giữa sân đền có cây cổ thụ. Cây có tuổi gần bảy trăm năm. Cây này được kết hợp bởi ba cây Đa, Bàng, và Sanh quấn quýt lấy nhau: cây Đa chính giữa, cây Bàng mé Nam, và cây Sanh mé Tây. Cây Đa có 2 rễ phụ chân kiềng bao trùm cả sân đền. Thân chính cây Đa đã mục ruỗng, và đã từng bị cháy, vẫn còn dấu tích than đen trên gỗ. Người có thể chui trong lòng thân cây Đa mà ra cành Đa cao 2 mét bên trên. Đây là một trong những cây cổ thụ độc đáo nhất Bắc Bộ.

    Lễ hội đền Mẫu diễn ra từ ngày 10 đến 15 tháng 3 âm lịch. Trong ngày hội, sân đền tổ chức thi đấu cờ, quân cờ là nam thanh nữ tú. Tổ chức thi đấu tổ tôm điếm, chọi gà; buổi tối hát chầu văn.

    Đền Mẫu đang là điểm du lịch văn hoá tâm linh, không chỉ của người dân Hưng Yên, mà còn thu hút đông đảo du khách thập phương đến hành hương chiêm bái cầu phúc, cầu lộc, cầu tài... Không chỉ vào chính hội, mà vào những ngày rằm, mồng 1 âm lịch hằng tháng lượng người đến thắp hương lễ bái và thzm quan cũng rất đông. Tuy là thờ một quý phi người nước ngoài nhưng đây lại là một công trình kiến trúc thuần Việt, rất đáng để tham quan, chiêm ngưỡng...

    Xem bản đồ đường đi:
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người