Diệt trừ chấp ngã

Thảo luận trong 'Tư vấn phật pháp'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Hỏi: Vì sao nói tu học Phật pháp, thì gia đình được êm ấm, hòa thuận?

    [​IMG]
    Đáp: Đối với một Phật tử thì một gia đình êm ấm, con cái hiếu thảo là nguồn hạnh phúc vô biên. Thời nay, nền tảng đạo đức, lễ giáo đang bị suy đồi trầm trọng. Con cháu bất hiếu với cha mẹ, ông bà, cô bác. Anh em không biết kính trên nhường dưới. Họ hàng thì bất tín tàn hại lẫn nhau… chính vì vậy đã làm cho rất nhiều gia đình phải sống trong tang thương đau khổ. Chúng ta là những người tu theo Phật, cần phải học tập theo đạo đức, nhân nghĩa của người xưa và lấy đó làm nền tảng và phương châm để sống. Cuộc sống tốt đẹp của bản thân sẽ làm tấm gương cho con cháu noi theo. Người học Phật pháp là người có đạo đức, nhân nghĩa, có tâm lương thiện.

    Trên cuộc sống thực tế, cũng đã từng có tấm gương tu học Phật pháp rất cảm động của hai vợ chồng nghèo phải làm lụng vất vả để nuôi đàn con nhỏ dại. Cả hai người đã khéo hướng dẫn con cái biết học đạo, làm những điều thiện lành, cho nên về sau được hưởng phước báo, cả gia đình hạnh phúc ấm no, mọi người đoàn kết thương yêu nhau.

    Như vậy, một cuộc sống hướng thiện, biết tu học Phật pháp và làm những điều thiện lành của bản thân có thể dần dần chuyển được những người thân trong gia đình và giúp họ phát khởi tâm cao thượng. Khi nhìn thấy ông bà, cha mẹ của mình ăn chay niệm Phật, tụng kinh, thì con cháu sẽ tự suy xét và giảm bớt những việc làm không tốt, mang tiếng xấu cho gia đình.

    Mỗi người phải biết dừng lại những việc sai quấy của mình. Nếu chưa dừng được hẳn, thì cũng phải dừng bớt dần cho đến khi dừng lại rồi liền chuyển sang hướng lành thiện. Khi xưa, chúng ta thường hay nói những lời xấu ác, hành động sai trái, bây giờ hiểu đạo rồi, chúng ta chỉnh sửa những lời nói và hành động đó để phục vụ cho Phật pháp, cống hiến cho chúng sanh và làm tất cả mọi việc có ý nghĩa, giá trị. Chúng ta không thể nhu nhược yếu đuối buồn nản, chán ghét cuộc sống hoặc hủy bỏ cuộc sống của bản thân. Ngược lại, phải mạnh mẽ cải thiện thân tâm của mình, xây dựng cuộc sống ý nghĩa, làm lợi lạc cho vô số người, chuyển hướng những mê lầm của ngày xưa trở thành đức tính từ bi, trí tuệ. Đó là những người anh hùng trong Phật giáo.

    Ngày xưa, có một vị cao Tăng chuyên nghiên cứu về Phật giáo nguyên thủy. Ngài đã viết ra năm trăm bộ luận để tán dương đạo lý nguyên thủy và chê bai giáo lý Phát triển rộng lớn. Về sau, khi được các Thầy dẫn dắt và ngài hiểu được giáo lý phát triển rộng lớn của Đại thừa. Ngài cảm thấy ân hận, muốn cắt bỏ lưỡi của mình, nhưng người anh ruột của ngài là một bậc hiểu đạo đã khuyên can ngài nên dùng cái lưỡi chê bai hủy báng ngày xưa để tán dương giáo lý Đại thừa, hoằng dương Phật pháp, làm lợi lạc cho chúng sinh. Ngài chợt bừng tỉnh, dùng chiếc lưỡi của mình để giảng dạy giáo nghĩa Đại thừa, giúp cho Phật giáo Ấn Độ phát triển thành thời vàng son rực rỡ suốt cả ngàn năm.
    Sự từ bi của đạo Phật đã giúp mỗi thành viên trong gia đình có cách nhìn thông thoáng, hiểu biết và thương yêu mọi người hơn. Mỗi người trong gia đình cần phải hiểu biết và thông cảm lẫn nhau. Muốn xây dựng lòng tin trong gia đình, trước hết cần phải tìm hiểu tâm ý cũng như ước nguyện của vợ chồng, con cháu hay anh chị em và rộng hơn là những người xung quanh. Cần phải học cách nhìn sâu vào nội tâm của mỗi người để xem họ cần điều gì, muốn điều gì? Biết và thấu hiểu được họ đang cần cái gì hay đau khổ về điều gì, thì mới có thể giúp đỡ, không chỉ về vật chất mà còn cả sự chân thành, quan tâm chăm sóc lẫn nhau trong tình thương yêu thật sự.

    Người đời thường nghĩ có tiền là có thể giải quyết được mọi vấn đề, nhưng điều đó chưa hẳn là đúng. Tiền là nhu yếu của cuộc sống, nhưng nó không quyết định được tất cả. Nhiều khi càng có tiền càng gây ra đau khổ nhiều hơn. Hiểu được như vậy thì có thể làm được tất cả, không cái gì là không thể! Đó là tính chất đại hùng, đại lực, đại từ bi của Phật giáo.

    Mỗi người cần phải làm tấm gương tốt, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà và có lòng thương đối với mọi người xung quanh để con cái nhìn vào và noi theo. Chúng ta dạy bảo con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, nhưng lại làm ngược đối với ông bà, thì chắc chắn chúng sẽ không nghe những điều ta dạy. Người học Phật phải biết đem những điều Phật dạy để áp dụng vào trong sinh hoạt gia đình, làm cho cuộc sống càng ngày thêm tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Mỗi người không chỉ biết tu tập cho riêng mình, mà còn phải xây dựng được lòng từ bi và sự bình đẳng ở nơi mỗi thành viên trong gia đình. Không phải xây dựng chỉ những lời nói trên môi, mà phải xây dựng từ những hành động thiết thực xuất phát từ trái tim của mỗi thành viên trong gia đình. Đó chính là chỗ trọng yếu và tôn quý để trang nghiêm Tam Bảo ở trong mỗi gia đình.
    Thích Minh Thành​
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người