Hải Dương: Làng “rắn thần” báo thù sống trong khói hương và sợ hãi - Kỳ 2

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Trước sự “ra đi” của vợ và hai con ông L.VTài, thoạt đầu mọi người trong dòng họ có thể tạm thời lý giải do số phận hay làm nghề “nguy hiểm” suốt ngày ngoài sông nước, các nạn nhân dễ trúng gió dẫn tới bỏ mạng. Thế nhưng chỉ ít lâu sau đó, cái chết của ông L.V. Ngát, một người hiền lành chất phác, quanh năm chỉ “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, thức khuya dậy sớm kiếm từng đồng bạc lẻ để nuôi sống gia đình đã khiến dân làng bắt đầu dao động.

    “Một người lương thiện hiền lành thế cũng bị “rắn thần” trả thù thì “thần rắn” có thể bắt bất cứ ai chứ? Người ta đồn với nhau như thế”, một người làng thuật lại.

    Hôm ấy, cũng như mọi ngày, ông Ngát thường dậy sớm đi xuống khu vực cầu Vàng Danh, địa phận giáp ranh giữa tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh để bắt lươn. Sau khi bắt được một giỏ lươn đầy, ông liền lên đường dắt xe đạp định về, trong lúc ông đang loay hoay buộc giỏ lươn vào chiếc xe dựng ở tận tít trong vệ đường thì bỗng nhiên một chiếc ô tô ở đâu ầm ầm lao đến.

    Đường rộng như thế, đến cả 3 chiếc xe ô tô tránh nhau còn lọt, vậy mà không hiểu sao chiếc xe quái ác kia lại quệt dính ông lão đang lúi húi mãi trong vệ đường. “Sau khi được mọi người đưa đi bệnh viện cấp cứu, ông còn tỉnh táo kể cho vợ nghe mấy hôm trước đã bán được bao nhiêu tiền lươn, tiêu hết bao nhiêu, còn bao nhiêu. Vậy mà ngay đêm hôm đó ông cũng không qua khỏi”, một người trong dòng họ nhớ lại.

    Bên cạnh những cái chết đã xảy ra mà mọi người tận mắt được chứng kiến cùng với những lời đồn đại, mọi người trong dòng họ trở nên khiếp đảm, sống trong nơm nớp lo sợ. Trước tình cảnh “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cả dòng họ chỉ còn cách lặn lội lùng sục tìm những người mà họ cho là “thầy bói giỏi”, “thầy pháp cao tay” để lập đàn “trừ tà giải yêu”.

    Ông Tài cho biết dòng họ nhà mình có bảy chi, hiện chỉ tính riêng con cháu trong chi nhà ông ghi ở gia phả đã lên tới con số là 240 người. Sau khi tai họa ập đến với dòng họ, hầu như gia đình nào cũng đi tìm thầy bói để xem “vận mệnh, hên xui” của nhà đình mình. “Đi xem bói đông như đi hội”, người trong họ nhóm họp, sau một hồi lễ bái hương nhang, nhẩm đi tính lại hầu hết mọi người đều nghe theo lời các “thầy bói phán” là phải lập đàn giải hạn, trừ tà.

    Ác hơn nữa, tất cả các “thầy” đều kiên quyết: “Không được làm chung. Tất cả bảy chi trong dòng họ này đều phải làm riêng thì mới giải được hạn”.

    Mọi người không thể nhớ nổi những điều kiện kỳ quái mà các “thầy” đã đặt ra bắt những người trong dòng họ này phải tuân thủ. Nào là để giải được hạn phải chọn ngày, giờ trong tháng tùy theo sao chiếu mệnh - cung tốt, xấu; can – chi khắc, xung của từng người đứng đầu họ.

    Bên cạnh đó, ngoài việc sắp sửa lễ lạt như bánh kẹo, hoa quả, cau trầu… thì trong đàn phải có vàng mã, ngựa, cá…và mỗi một người trong dòng họ phải có một “hình nhân thế mạng”. Như vậy, toàn bộ dòng họ L.V có gần 1.500 người thì tương đương với việc phải đốt 1.500 hình nhân.

    “Sau khi các “thầy” hướng dẫn, mọi người nhẩm sơ sơ mỗi đàn lập ra đã phải mất đến cả 70 triệu đồng, chưa tính chi phí đi lại đường xa của các con cháu, rồi người trong họ mất công mất việc buộc phải về dự lễ cúng... Mọi người nhẩm tính nếu tất cả các chi trong họ đều lập đàn thì tổng chi phí dòng họ bỏ ra rơi vào khoảng trên nửa tỷ đồng và mỗi đàn khi lập phải huy động bốn chiếc ô tô to để chở vàng mã…”, một người cô con dâu trong họ cho biết.

    Trước bảng báo giá “trên trời” này, nhiều chi trong họ không đồng tình vì cho rằng quá đắt nên kế hoạch đồng loạt tổ chức đàn tế dưới sự điều phối của một “ban chỉ huy tối cao” tan vỡ. Mọi người tự tìm cách riêng để “tự cứu mình trước khi trời cứu”, chi ít tiền thì đi tìm thầy riêng để mời về cúng bái, chi có điều kiện kinh tế hơn thì tự bỏ ra 70 triệu sắm lễ để lập đàn.

    Hết nhờ thầy ở Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang… và thậm chí về tận Hà Nội, mỗi nơi mỗi thầy lại bày cho một cách. Thầy thì bảo về yểm bùa lối đi rồi đưa cho một tấm “bùa chú” bằng tranh sơn mài về treo dưới bàn thờ thẳng cửa ra vào để “trừ tà”; người thì lại bảo lấy cọc trâu đóng lên mả để tránh “trùng tang”; “thầy” khác lại đưa cho bốn chai rượu nhỏ về chôn bốn góc ngôi mộ và một ít cát về rắc lên trên để tránh “thần trùng” nhập mả…

    “Có bệnh thì vái tứ phương”, mỗi gia đình mất cả tiền triệu để làm theo những gì “thầy” phán, thế nhưng kết quả thì “mèo vẫn hoàn mèo”, số đen vẫn cứ xảy ra. Ít ngày sau khi những lễ tế “hoành tráng” diễn ra, được một thời gian yên ắng, tưởng vận đen đã được xua đi thì một cái chết oái oăm nữa lại tái lặp.

    Ngày 23/8/2011, một người đàn ông trong họ đi một đoạn từ nhà ra cửa và gục ngã chết tại chỗ. Cơ quan y tế xác định nạn nhân mang căn bệnh ung thư phổi trong người nên việc qua đời là khó tránh khỏi, thế nhưng theo quan niệm của một số người: “Thôi thế là bỏ cả nửa tỉ cúng bái mà vẫn không trị được “thần rắn” rồi”.

    Không trị được “rắn thần” thì đổ lỗi cho… voi đá

    Làng những ngày sống trong không khí tang tóc của dòng họ L.V khi nào khắp làng cũng than van tiếng kèn trống, mùi hương khói từ các đám ma, thế nên người ta sợ hãi đồn đại “rắn thần không chỉ trả thù dòng họ ấy mà còn oán cả làng”.


    [​IMG]
    Cổng đình Bích Thủy vừa được xây mới

    Ông L.V Phát (83 tuổi, Trưởng ban kiến thiết đình làng Bích Thủy, nguyên Thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND phụ trách nông nghiệp huyện Chí Linh trước đây) là một trong những người không tin vào chuyện ma quỷ, dù là một chi trưởng của dòng họ L.V. Kể lại câu chuyện, ông cho biết sau nhiều năm khi về nghỉ hưu ở quê, thấy thôn vẫn chưa được công nhận là thôn văn hóa nên ông xin lãnh đạo các cấp cho tu bổ, xây dựng lại hệ thống đình làng, trồng mới cây đa để phù hợp với tiêu chuẩn thôn văn hóa, làm đẹp cho quê hương.

    Từ việc dòng họ L.V cứ thỉnh thoảng lại có người chết dù lập đàn tạ tội mà “không được tha”, một số người dân mê tín trong thôn Bích Thủy bỗng trở nên u u mê mê trước những tin đồn nhảm nhí. Hết trách hai con “rắn thần”, họ ngồi “trà dư tửu hậu” và sực nhớ đến chuyện chỉnh trang cảnh quan, liền… đổ vấy cho cái cổng đình. Họ cho rằng “kể từ khi chiếc cổng đình được xây lên theo hướng quay vào làng, hai con voi cũng được đắp mới trong đình, lại trồng thêm cây đa mới thì ma quái mới về theo”.

    Ông Phát thường bị một số người dân ở đây chửi rủa và cho rằng ông “xây cổng đình hướng vào làng làm cả xóm làm ăn sa sút, rước hai con voi về mang họa cho dân, trồng cây đa làm nơi trú ngụ cho yêu tinh…”. “Cùng thời điểm đó, ở xóm Tây của thôn có ba đứa trẻ con đi tắm sông bị chết đuối. Thế là người ta được dịp lu loa: “Đấy, con “yêu tinh” trong cây đa của ông nó bắt hết trẻ con trong xóm đi rồi đấy”, ông Phát nhớ lại.

    Bây giờ thì nỗi lo sợ đã không phải chỉ của riêng dòng họ L.V mà là mối lo chung của cả làng. Nhiều người tỏ ra sợ hãi liền tìm đến duy tâm thì “thầy” tiếp tục cho rằng “muốn giải được vận mệnh cho cả thôn thì phải lập đàn ở đình làng để trừ tà diệt yêu”. Đương nhiên “thầy” cũng có điều kiện: Mỗi nhà phải góp 50 – 100 nghìn đồng để lập đàn.
    Theo Pháp luật & Thời đại​
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người