Hai câu chuyện nhỏ về cuộc sống nhưng lại là bài học lớn dành cho tất cả mọi người. Hãy cùng đọc và suy ngẫm, biết đâu bạn sẽ tìm ra giải pháp đúng đắn cho những vấn đề của riêng mình. Câu chuyện thứ nhất: Người lính trở về Một người lính từ San Francisco gọi điện về cho cha mẹ mình: “Thưa cha mẹ, con đã trở về!”. Cha mẹ: “Ơn Chúa, con hãy trở về ngay đi, cha mẹ đã chờ đợi con lâu lắm rồi!”. Người lính: “Nhưng con có một yêu cầu hơi ‘quá đáng’! Con còn có một người bạn đi cùng nữa, và con muốn ba mẹ hãy chào đón cậu ấy như người trong nhà”. Cha mẹ: “Đương nhiên rồi! Cha mẹ rất vui mừng!”. Người lính: “Thế nhưng có việc này con cần phải nói trước cho cha mẹ biết. Cậu ấy bị trọng thương nên hiện giờ chỉ còn một tay và một chân!”. Cha mẹ: “Con trai! Cha mẹ rất lấy làm tiếc, nhưng chúng ta có thể tìm cho cậu ấy một nơi nào đó để sinh sống. Bởi vì con biết đấy, bạn của con bị tàn tật như vậy có thể sẽ đem lại gánh nặng lớn cho chúng ta. Con cứ về nhà trước đi, bạn của con có thể sẽ tìm được cuộc sống mới của cậu ấy!”. Người lính im lặng và cúp máy… Mấy ngày sau, cha mẹ người lính nhận được giấy báo của cảnh sát nói rằng con trai của ông bà đã nhảy lầu tự tử. Hai người không thể tin điều đó là sự thật: “Tại sao lại vô lý như vậy? Nó có gia đình, nó lại vừa được trở về từ cõi chết”. Thế là, họ vội vàng lái xe đến đồn cảnh sát, vừa bước chân vào chỗ để xác, hai người họ kinh ngạc khi nhìn thấy thân thể con trai của họ, chỉ còn lại một chân và một tay… Cảm ngộ: Chúng ta thường hay dùng cái nhìn thành kiến, phiến diện của mình để đi đối đãi với người khác, mà không hề để ý đến suy nghĩ của họ. Chỉ có đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và nghĩ cho người khác trước thì mới nhận được những điều tốt đẹp. Câu chuyện thứ hai: Chiếc đinh Có một cậu thanh niên trẻ tuổi tính tình rất nóng nảy. Một hôm cha đưa cho cậu một túi đinh và nói rằng: “Con trai, mỗi khi con nổi nóng thì hãy mang một chiếc đinh ra hàng rào sau nhà và đóng lên đó”. Mỗi chiếc đinh con rút ra đều để lại một cái lỗ thật sâu và hàng rào đã không còn được như lúc ban đầu nữa. (Ảnh: Internet) Ngày đầu tiên, cậu ta đóng hết 37 cái đinh lên hàng rào. Nhưng một thời gian ngắn sau đó, cậu thanh niên này đã bắt đầu biết kiềm chế cơn giận của mình, vì vậy mà số lượng đinh đóng lên hàng rào cũng ngày càng giảm đi. Cậu nhận ra rằng, việc kiềm chế cơn nóng giận có khi còn dễ dàng hơn là việc đóng đinh lên hàng rào kia. Cho đến một ngày, cậu thanh niên đã không còn nổi giận thêm một lần nào nữa. Lúc này người cha lại nói với cậu: “Nếu trong một ngày con không nổi giận với ai thì hãy nhổ một cây đinh ở hàng rào ra”. Ngày này qua ngày khác, cậu thanh niên đều không còn nổi giận với ai và cây đinh cũng hàng ngày được gỡ bỏ xuống. Cuối cùng, cậu thanh niên vui mừng báo với cha cậu rằng, đã không còn một cây đinh nào trên hàng rào nữa. Người cha đi cùng cậu tới hàng rào và nói: “Con làm tốt lắm, con trai. Nhưng con hãy nhìn xem, mỗi chiếc đinh con rút ra đều để lại một cái lỗ thật sâu và hàng rào đã không còn được như lúc ban đầu nữa rồi! Những lỗ sâu kia cũng giống như vết thương mà lời nói của người lúc giận dữ để lại trong lòng người khác. Cho dù con có nói bao nhiêu lời xin lỗi đi nữa, thì vết thương kia vẫn vĩnh viễn tồn tại”. Cảm ngộ: Chúng ta thường dễ dàng giận dữ với người thân của mình, bởi vì chúng ta biết rõ họ là người bao dung chúng ta nhất. Những lời nói lúc giận dữ cũng làm tổn thương người khác giống như chiếc đinh kia đã để lại lỗ sâu trên hàng rào vậy. Có thể là chúng ta vô tâm đấy, nhưng vết thương kia lại là vết thương thật sự. Vì vậy, hãy luôn yêu quý và coi trọng mọi người xung quanh chúng ta, đừng để đến khi sự việc đáng tiếc xảy ra, lúc ấy có hối hận thì cũng đã muộn rồi. Theo Daikynguyenvn