Hãy rộng mở tâm hồn

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Việc đạt đến một cuộc sống ngày càng an vui hạnh phúc hơn là điều mà bất cứ ai trong chúng ta cũng luôn mong muốn. Tuy nhiên, đó không phải là món quà tự nhiên để bất cứ ai cũng có thể nhận được. Đó là kết quả của cả một quá trình nỗ lực đúng hướng và có phương pháp đúng đắn. Trong suốt cuộc đời mình, tất cả chúng ta luôn không ngừng nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc, nhưng khi không chọn đúng phương pháp thì chúng ta không thể nào đạt được kết quả như mong muốn.

    Một số người - thường là khá đông - nhận thức rằng tài sản vật chất là điều kiện quyết định để có được hạnh phúc. Vì thế, theo họ thì phương pháp để có hạnh phúc là phải làm ra và tích lũy ngày càng nhiều tài sản, của cải. Thật ra, trở nên giàu có là điều có thể làm được, nhưng liệu kết quả rồi có đúng như ta mong muốn hay không? Liệu sau khi có được thật nhiều tài sản tích lũy rồi, ta có thực sự sẽ có một đời sống an vui hạnh phúc hay chăng?

    [​IMG]

    Một số người khác xem quyền lực là yếu tố quan trọng hơn để có được hạnh phúc. Với họ, quyền lực không những có thể giúp người ta có được tài sản vật chất mà còn là nhiều thứ khác nữa, chẳng hạn như sự chi phối, sai khiến người khác. Từ sức mạnh có được từ quyền lực, họ nghĩ rằng chắc chắn họ sẽ có được cuộc sống hạnh phúc. Nhưng thực tế có đúng vậy chăng?

    Phần lớn những người chọn con đường chạy theo tài sản vật chất hoặc quyền lực để tìm kiếm hạnh phúc thường là những người có phần nào đó vượt trội hơn người khác, chẳng hạn như về mưu trí, sự khôn khéo, kỹ năng hay tài nghệ, hay ít nhất thì họ cũng may mắn được sinh ra trong một môi trường thuận lợi. Dựa vào những ưu điểm sẵn có của mình, họ mới có thể đạt được mục tiêu làm giàu hoặc tranh chấp quyền lực. Những người bình dân chiếm đa số trong xã hội thường không có tham vọng như thế, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không khát khao, mong muốn được sống hạnh phúc hơn. Sự khát khao mong muốn này là giống nhau ở tất cả mọi người. Vì thế, những người tự biết mình không có được những ưu điểm hay khả năng vượt trội hơn người khác thường sẽ chọn những phương cách đơn giản hơn để tìm kiếm hạnh phúc.

    Khi quán chiếu về những khổ đau trong đời sống, ta luôn nhận biết được những khổ đau ấy trước hết là nơi chính bản thân mình. Từ sự nhận biết khổ đau của tự thân, ta tiếp tục quán chiếu và nhận ra rằng mọi chúng sanh khác cũng đều khổ đau như ta, thậm chí có vô số chúng sanh đang phải chịu đựng những nỗi khổ đau còn mãnh liệt hơn ta rất nhiều.

    Thông thường, người ta hay quan niệm về hạnh phúc như một thứ “tài nguyên” có giới hạn, và vì thế nên muốn có được hạnh phúc thì trước hết cần phải ngăn chặn những người khác, hay nói cách khác là phải “giành giật” phần hạnh phúc về mình từ người khác. Chính quan niệm sai lầm này đã thôi thúc ta chạy theo khuynh hướng luôn xem người khác là “đối thủ” thay vì là bằng hữu.

    Với quan niệm này thì để tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân, người ta luôn chọn những phương cách ứng xử theo khuynh hướng sao cho lúc nào mình cũng phải là người “thắng thế” hơn người khác. Có thể dễ dàng nhận ra đây chính là khuynh hướng phổ biến nhất, cho dù ngay chính những người bị lôi cuốn theo khuynh hướng này thường cũng không tự nhận biết điều đó. Đôi khi, người ta bị thôi thúc phải ứng xử theo khuynh hướng này như một kiểu phản xạ tự nhiên, không cần phán đoán, suy luận, và thậm chí có khi cũng không hiểu được ý nghĩa thực sự trong việc làm của mình.

    Có thể bạn chưa tin điều này, nhưng hãy thử quan sát những gì đang xảy ra quanh bạn mỗi ngày để tự đưa ra kết luận. Tại phòng khám bệnh chẳng hạn, thay vì cảm thông nhau như những người đồng cảnh ngộ, người ta không ngừng chen lấn nhau để được quan tâm trước. Tại quầy bán vé xe, người ta xô đẩy nhau để giành mua vé trước, cho dù khi mua vé sớm hơn rồi vẫn cứ phải ngồi chờ đến đúng giờ xe xuất bến. Tại trạm xe buýt, dù biết là tài xế sẽ không bỏ sót bất cứ người khách nào muốn đi, nhưng người ta vẫn chen lấn nhau để lên xe trước. Ở phiên chợ chiều, người bán rau già yếu đã chấp nhận bán những bó rau cuối cùng thấp hơn cả giá vốn, nhưng người mua vẫn cứ kì kèo để có thể mua được với giá thấp hơn nữa...

    Trong hầu hết những trường hợp như thế và nhiều trường hợp khác nữa, cái khuynh hướng muốn “hơn người khác” luôn chi phối sự ứng xử của chúng ta, khiến ta thậm chí không dành thời gian để suy nghĩ xem những điều đó có nên làm hay không, có phù hợp với các chuẩn mực đạo đức hay không... Điều duy nhất tiềm ẩn phía sau sự thôi thúc như thế là ý tưởng cho rằng: đó chính là phương cách để ta có được hạnh phúc trong đời sống. Hay nói khác đi, chúng ta tin rằng nếu không “hơn người khác” thì ta sẽ không có được hạnh phúc.

    Nhưng thực tế có đúng vậy chăng?

    Những gì quan sát được trong cuộc sống cho chúng ta thấy rằng những quan niệm như trên đều không đúng thật. Chúng ta dễ dàng tìm thấy rất nhiều người giàu có nhưng cuộc sống vẫn bộc lộ vô vàn những khổ đau, bất toại nguyện. Đơn giản chỉ là vì có rất nhiều điều chúng ta mong muốn nhưng hoàn toàn không thể mua bằng tiền bạc. Cũng vậy, những người nhiều quyền thế đến đâu cũng không đảm bảo có được một cuộc sống hạnh phúc, vì họ chưa bao giờ được miễn trừ khỏi các nguyên nhân gây đau khổ từ chính trong tâm thức họ.

    Sự chèn ép, lấn lướt hay tinh ranh để “hơn người khác” cũng không bao giờ mang lại cho ta hạnh phúc chân thật. Có vẻ như ta được thỏa mãn tức thời với những thành tựu của mình khi “thắng thế” so với người khác, nhưng những gì ta có được sau đó thật ra chẳng liên quan gì nhiều đến cái hạnh phúc thực sự mà ta đang tìm kiếm. Ngược lại, điều chắc chắn hơn mà ta phải nhận lấy lại thường là tâm trạng mệt mỏi, căng thẳng và hụt hẫng khi những mối quan hệ xấu dần đi do sự đối đầu.

    Trong khi thực tế là tất cả chúng ta đều khao khát, mong muốn được sống hạnh phúc, thì điều rất đáng buồn là do những nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc theo phương thức sai lầm mà chúng ta ngày càng xa rời mục tiêu nhắm đến. Thay vì được sống hạnh phúc thì sau bao nhiêu nỗ lực bon chen vất vả, ta lại thường cảm nhận một đời sống ngày càng rối rắm, phiền muộn hơn.

    Vì thế, điều quan trọng cần nhận biết ở đây là, chúng ta cần có một phương thức đúng đắn để tìm kiếm hạnh phúc. Phương thức đó nhất thiết phải giúp ta có được nhiều hơn những phút giây an vui hạnh phúc trong đời sống theo hướng tỷ lệ thuận với những nỗ lực của ta trong sự thực hành.

    Nhưng liệu trong thực tế có thể có một phương thức như thế hay chăng?

    Câu trả lời là có, và thậm chí là còn có nhiều phương thức khác nhau để ta có quyền lựa chọn. Trong thực tế, có rất nhiều phương thức giúp ta có được cuộc sống hạnh phúc đã được tìm ra từ cách đây hơn 25 thế kỷ. Người đầu tiên đã nhận biết và mô tả, truyền dạy những phương thức ấy cho nhân loại chính là đức Phật Thích-ca Mâu-ni, người khai sinh ra đạo Phật trên hành tinh này.

    Trong suốt cuộc đời Ngài, đức Phật đã để lại vô số lời dạy, được ghi chép trong Tam tạng Kinh điển đồ sộ của đạo Phật, hiện đã và đang được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Toàn bộ những lời dạy của Ngài, tuy hết sức đa dạng và hướng đến nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, nhưng tất cả đều có cùng một mục đích chung là giúp cho con người có được một đời sống an vui, hạnh phúc hơn, giảm nhẹ tối đa những khổ đau, rối rắm trong cuộc sống. Những lời dạy của đức Phật được hệ thống thành nhiều phương pháp khác nhau để mỗi người đều có thể chọn thực hành theo phương pháp thích hợp với mình. Cho dù tất cả những phương pháp ấy đều hướng đến cùng một mục đích, nhưng do sự khác biệt trong cách thực hành nên đã hình thành nhiều tông phái, hệ phái khác nhau trong Phật giáo.

    Trong số rất nhiều các phương pháp khác nhau đó, Phật giáo Đại thừa nhấn mạnh vào sự phát tâm Bồ-đề như một bước khởi đầu căn bản và quan trọng nhất trên hành trình hướng đến một cuộc sống an vui, hạnh phúc chân thật, hay theo cách nói của đạo Phật là sự giải thoát khỏi mọi phiền não.

    Thuật ngữ “phát tâm Bồ-đề” có thể hơi xa lạ với những ai chưa có dịp làm quen nhiều với Kinh điển Phật giáo. Tuy nhiên, đây lại là khái niệm rất quen thuộc và cực kỳ quan trọng đối với bất cứ ai muốn tìm hiểu hoặc tu tập theo Phật giáo Đại thừa. Thế nhưng, trước khi tìm hiểu về khái niệm “phát tâm Bồ-đề”, rất có thể nhiều bạn đọc sẽ thắc mắc vì sao lại đề cập đến khái niệm này ở đây, và nó có liên quan gì đến một phương pháp sống hạnh phúc?

    Trong một phần trước, chúng ta đã biết rằng tâm ý con người đóng vai trò quyết định trong việc tìm kiếm một đời sống an vui hạnh phúc. Chúng ta thấy rằng:

    “Nếu với ý thanh tịnh,
    Nói lên hay hành động,
    An lạc bước theo sau,
    Như bóng không rời hình.”

    Đây chính là một trong các phát kiến quan trọng của đức Phật khi nhìn vào vấn đề hạnh phúc hay khổ đau của con người. Ngài đã sớm nhận biết rằng mọi yếu tố đến từ bên ngoài chỉ có thể giữ vai trò tác động một cách tương đối chứ không phải là tác nhân quyết định cuộc sống hạnh phúc của chúng ta. Tác nhân quyết định chính là ý thức, hay tâm ý. Đức Phật dạy rằng, khi ta có thể hành xử với một tâm ý hiền thiện, thanh tịnh, thì sự an vui hạnh phúc chắc chắn sẽ đến với ta ngay sau đó như một hệ quả tất yếu: như bóng không rời hình. Điều này không phải là một nhận xét chủ quan theo cảm tính, mà tính đúng đắn của nó đã được chứng minh qua kinh nghiệm thực tiễn của nhân loại hàng ngàn năm qua, và gần đây nhất cũng được chứng minh bằng những phương pháp khoa học hiện đại nhất tại các Hội thảo Tâm thức và Đời sống (Mind and Life Conference) do Viện Tâm thức và Đời sống (Mind and Life Institute) tổ chức, bao gồm các nhà khoa học hàng đầu thế giới về các lãnh vực liên quan như Thần kinh học, Tâm lý học... và nhiều vị cao tăng Phật giáo Tây Tạng mà đứng đầu là đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14. Qua các Hội thảo khoa học này, những người tham gia đã đi đến nhiều kết luận quan trọng cho thấy vai trò quyết định của tâm thức trong việc định hình đời sống của mỗi chúng ta theo cách như thế nào. Đây chính là nội dung mà đức Phật đã dạy từ cách đây hơn 25 thế kỷ.

    Và chính trên cơ sở nhận biết vai trò quyết định của tâm thức trong việc quyết định phẩm chất đời sống, đức Phật đã dạy chúng ta hãy phát tâm Bồ-đề như một biện pháp trước tiên và quan trọng nhất để khởi đầu cho việc chuyển hóa tâm thức theo hướng tốt đẹp hơn. Theo lời dạy của Ngài, việc phát tâm Bồ-đề bao gồm 2 ý nghĩa cốt lõi như sau:

    1. Do suy ngẫm, quán chiếu, chúng ta nhận biết được bản chất của đời sống thế tục là đau khổ, được biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau, nhưng không có ai trong đời này được miễn trừ khỏi mọi khổ đau, trừ phi họ đã tự mình chấm dứt hoàn toàn các nguyên nhân gây khổ đau. Từ nhận thức đó, ta khởi tâm thương cảm đối với tất cả chúng sanh đang khổ đau và mong muốn cứu giúp họ thoát ra khỏi hiện trạng khổ đau ấy.
    2. Chúng ta cần phải có đủ trí tuệ và phương tiện mới có thể cứu giúp tất cả chúng sanh bằng cách chỉ ra cho họ thấy mọi nguyên nhân gây khổ đau cũng như tiềm năng sẵn có của họ là có thể chấm dứt khổ đau, đạt đến sự giải thoát, an lạc. Để có được trí tuệ viên mãn và phương tiện thiện xảo nhằm cứu giúp tất cả chúng sanh, chúng ta chỉ có một phương cách duy nhất là tu tập để tự mình đạt đến giác ngộ viên mãn, trở thành một vị Phật. Do sự thôi thúc của động cơ này mà chúng ta phát tâm tự mình tu tập đạt đến quả Phật vì sự lợi lạc cho tất cả chúng sanh.

    Trong nội hàm nói trên, ý nghĩa của việc phát tâm Bồ-đề tuy được chia thành 2 vế tiếp nối nhau nhưng thật ra là quan hệ chặt chẽ như một vấn đề duy nhất. Nội dung của vế thứ nhất (phát khởi tình thương đối với tất cả chúng sanh) chính là nguyên nhân, động lực thúc đẩy đưa đến vế thứ hai (phát tâm cầu quả Phật) và nội dung của vế thứ hai lại chính là phương tiện để ta có thể thực hiện vế thứ nhất.

    Trong nội dung của cả 2 vế này, chúng ta nhận ra ý nghĩa nổi bật chính là tâm vị tha, hướng đến sự lợi lạc cho người khác thay vì bản thân mình.

    Thật ra, tâm vị tha cũng chính là ý nghĩa cốt lõi của sự chuyển hóa tâm thức mà ta đang bàn đến.

    Khi quán chiếu về những khổ đau trong đời sống, ta luôn nhận biết được những khổ đau ấy trước hết là nơi chính bản thân mình. Từ sự nhận biết khổ đau của tự thân, ta tiếp tục quán chiếu và nhận ra rằng mọi chúng sanh khác cũng đều khổ đau như ta, thậm chí có vô số chúng sanh đang phải chịu đựng những nỗi khổ đau còn mãnh liệt hơn ta rất nhiều.

    Kết quả sự quán chiếu như trên đưa ta đến với 2 sự lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là phát tâm tinh tấn tu tập để tự mình chấm dứt khổ đau, thoát khỏi sinh tử luân hồi. Lựa chọn thứ hai là khởi lòng thương xót tất cả chúng sanh đang khổ đau, và do sự thôi thúc của lòng thương đó mà quyết tâm tu tập giải thoát để có thể cứu giúp tất cả chúng sanh.

    Lựa chọn thứ nhất chính là con đường của các vị Thanh văn, Duyên giác, hướng đến các quả vị A-la-hán hoặc Bích Chi Phật.

    Lựa chọn thứ hai là con đường của các vị Bồ Tát, hướng đến quả Phật vì muốn cứu độ tất cả chúng sanh.

    Cho dù cả 2 con đường đều hướng đến mục đích giải thoát, nhưng sự phát tâm có khác nhau nên dẫn đến khuynh hướng tu tập cũng có phần khác nhau.

    Trong sự lựa chọn thứ hai, việc cứu độ tất cả chúng sanh có thể là còn quá xa vời đối với hầu hết chúng ta, nhưng sự khác biệt giữa tâm vị tha với tâm vị kỷ thì bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể dễ dàng cảm nhận được. Và đây cũng chính là yêu cầu cốt lõi đối với những ai đã phát tâm Bồ-đề.

    Tất nhiên, việc phát tâm Bồ-đề không thể tức thời mang đến cho ta bất kỳ sự thành tựu hay phép mầu kỳ diệu nào, nhưng chính sự thay đổi từ khuynh hướng vị kỷ sang khuynh hướng vị tha sẽ bắt đầu khơi dậy một tiến trình chuyển hóa trong tâm thức chúng ta, và tự thân sự chuyển hóa đó đã là một điều vô cùng kỳ diệu.

    Thông thường, khuynh hướng vị kỷ luôn thôi thúc chúng ta hành xử theo cách sao cho kết quả sự việc phải có lợi cho ta theo những phép tính toán cụ thể hoặc có thể nhìn thấy, đo đếm, cảm nhận được. Chẳng hạn, trong mọi giao dịch với người khác, ta vận dụng bất kỳ phương thức nào miễn sao có được mức chênh lệch lợi nhuận cao nhất, bất kể sự thiệt thòi của đối phương có hợp lý hay không. Ta hài lòng khi những tính toán của ta cho thấy mình giành được phần lợi nhuận cao hơn đối phương. Và khi ta đang phải chịu đựng khổ đau, ta tìm mọi cách để tránh né, bất kể điều đó có gây ra hệ lụy cho người khác hay không. Khi ta giận dữ, ta tìm cách trút cơn giận lên bất kỳ ai đó, vì ta tin rằng điều đó sẽ giúp ta cảm thấy dễ chịu hơn...

    Nhưng thực tế thường không diễn ra như ta mong muốn. Những giao dịch “có lợi” theo cách chỉ biết riêng phần mình thường chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều khó khăn về sau, bởi điều đơn giản là không ai muốn hợp tác lâu dài với ta theo cách đó. Mặt khác, càng vùng vẫy né tránh khổ đau, ta càng lún sâu trong đau khổ thay vì thoát ra như mong muốn. Và những cơn nóng giận chẳng bao giờ nguôi đi khi ta “hùng hổ” với người khác, mà ngược lại thường khơi dậy những phản ứng tương tự nơi đối phương, dẫn đến rất nhiều bất lợi mà ta không sao lường trước được...

    Ngược lại, khuynh hướng vị tha thôi thúc ta hành xử theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Ta luôn cân nhắc những điều có lợi cho người khác trước khi tính đến lợi ích của riêng mình, và điều này trong thực tế lại là một cách ứng xử khôn ngoan hơn. Một người hành xử theo khuynh hướng vị tha luôn giành được cảm tình cũng như sự kính trọng từ người khác, và trong hầu hết các trường hợp giao tiếp thì đây lại chính là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công, vì nó có khả năng san bằng mọi khác biệt một cách hiệu quả nhất.

    Mặt khác, khi bạn nghĩ đến những khổ đau của người khác thay vì khổ đau của bản thân mình, sự cảm thông và tình thương lớn dần lên trong lòng bạn, khiến cho nỗi khổ đau hiện có của bạn trở nên yếu ớt đi, không còn mạnh mẽ như trước đó, thậm chí có rất nhiều khi nỗi khổ ấy bỗng tự nhiên tan biến đi vì bạn không còn chú ý đến nó.

    Có vẻ như một nghịch lý khi bạn càng chú ý đến những khổ đau hay bất toàn của mình thì những điều ấy lại càng tăng thêm cường độ, ngày càng mãnh liệt hơn. Nhưng thực tế này thật ra là hoàn toàn phù hợp với những quy luật về tâm lý, vì chính sự quan tâm chú ý đã cường điệu hóa mọi cảm nhận của bạn cũng như phóng đại các chi tiết của vấn đề, khiến cho chúng trở nên ngày càng rõ rệt hơn và có vẻ như không thể nào phớt lờ đi được. Ngược lại, khi lòng vị tha thôi thúc bạn nghĩ nhiều đến hoàn cảnh của người khác thay vì chính bản thân mình, thì điều tự nhiên là những bất ổn của bạn sẽ ngày càng mờ nhạt đi vì đã bị đẩy ra khỏi tâm điểm chú ý của bạn. Như một quy luật tất yếu, chúng sẽ dần dần yếu ớt và rồi biến mất đi khi không nhận được sự quan tâm chú ý của bạn.

    Bất cứ ai đã từng trải nghiệm qua nhiều hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống đều có thể dễ dàng nhận ra một điều là, khi tâm thức càng hẹp hòi, giới hạn, ta sẽ càng cảm thấy yếu ớt, dễ tổn thương, và do đó luôn sống trong tâm trạng sợ sệt, bất an và lo lắng; ngược lại, khi tâm thức càng rộng mở, cảm thông với mọi người, ta càng cảm thấy an ổn và vững chãi, dường như không có gì để phải lo âu sợ sệt trong cuộc sống. Điều này có thể được giải thích như là kết quả của sự vượt qua sức chi phối do tâm lý “cầu được, sợ mất” mà ở những điều kiện thông thường ta luôn đắm chìm trong đó.

    Tâm hồn rộng mở mang lại cho chúng ta khả năng chịu đựng phi thường trong mọi nghịch cảnh, cũng như sức mạnh và lòng dũng cảm đủ để vượt qua những chướng ngại trên đường đời. Ta có thể dễ dàng nhận thấy điều này ở những thành viên của các tổ chức thiện nguyện như Hồng Thập Tự (ICRC - International Committee of the Red Cross), Bác sĩ Không biên giới (MSF - Médecins sans frontières) hay bất kỳ những tổ chức thiện nguyện nào khác... Họ không ngại gian khổ, chấp nhận xông pha cả vào những vùng chiến sự đầy nguy hiểm, chỉ nhằm mục đích duy nhất là cứu giúp, làm vơi đi khổ đau cho người khác. Điều kiện vật chất đối với họ chỉ là phương tiện hỗ trợ, trong khi sức mạnh của họ chính là lòng vị tha, là tâm hồn rộng mở luôn hướng về người khác.

    Thật ra, tâm hồn rộng mở luôn sẵn có nơi mỗi chúng ta, chỉ khác biệt nhau ở mức độ và đối tượng mà thôi. Khi ta bị chi phối bởi những tâm trạng tham lam, thù hận, ganh ghét... tâm hồn ta luôn trở nên chật hẹp, giới hạn. Điều này dẫn đến mọi hành vi ứng xử của ta đối với những người mà ta căm ghét, thù hận sẽ luôn luôn biểu lộ rõ rệt sự hẹp hòi, khắt khe, ích kỷ. Mặc dù bản thân ta khó lòng tự nhận biết, nhưng sự quan sát khách quan từ người khác luôn dễ dàng nhận ra điều đó. Ngược lại, khi sinh khởi những tình cảm thương yêu, vị tha, chia sẻ... tâm hồn ta sẽ tự nhiên rộng mở, cảm thông, hướng thiện. Điều này dẫn đến mọi hành vi ứng xử của ta đối với những người ta thương yêu sẽ luôn có khuynh hướng hy sinh, rộng mở và tha thứ. Một người phụ nữ dù có hẹp hòi khó chịu đến đâu đi chăng nữa, nhưng khi đối xử với con cái mình vẫn luôn có khuynh hướng thương yêu, rộng mở hơn... Tương tự, khi bạn nghĩ đến một người mà bạn rất thương yêu, bạn sẽ thấy tâm hồn mình tự nhiên rộng mở và rất dễ cảm thông, ngay cả với những điều không tốt của người ấy...

    Vì thế, xét cho cùng thì sự khép chặt hay rộng mở tâm hồn của chúng ta trong tâm lý ứng xử thông thường bao giờ cũng là một kiểu phản ứng có điều kiện, có chọn lọc, tùy theo đối tượng mà ta đang tiếp cận. Và điều này hoàn toàn có thể thay đổi thông qua sự tu dưỡng rèn luyện nội tâm.

    Khi quan sát những phản ứng tự nhiên của bản thân mình trong sự ứng xử thường ngày, ta dễ dàng nhận ra được những phạm vi rộng mở khác nhau của tâm hồn. Như đã nói, khi ta nghĩ đến những người mà ta thương yêu, quý mến hoặc kính trọng, tâm hồn ta tự nhiên rộng mở. Ngược lại, khi ta nghĩ đến những người mà ta đang giận hờn, thù hận, căm ghét, tâm hồn ta bỗng trở nên khép chặt, hẹp hòi... Mức độ rộng mở hay khép chặt của tâm hồn chịu sự chi phối trực tiếp bởi mức độ tình cảm mà ta dành cho đối tượng. Tình cảm càng mãnh liệt, sâu sắc thì sự chi phối đó càng mạnh mẽ hơn, khiến cho ta nhiều khi không tự chủ được trong những hành vi ứng xử của chính bản thân mình. Chính vì thế, khi nuôi dưỡng lòng vị tha hướng đến sự lợi lạc của tất cả mọi người, tâm hồn ta sẽ rộng mở đến mức hầu như không còn giới hạn.

    Đến đây, chúng ta có thể nhận ra hai nguyên tắc mang tính phổ quát trong đời sống nội tâm của mỗi người. Nguyên tắc thứ nhất là, cảm xúc chi phối trạng thái tinh thần của chúng ta; những cảm xúc như giận dữ, căm ghét, thù hận... làm cho tâm hồn ta khép chặt, trong khi những tình cảm như thương yêu, cảm thông, quý mến... lại giúp tâm hồn ta rộng mở hơn. Nguyên tắc thứ hai là, một tâm hồn rộng mở luôn mang lại cho ta niềm vui sống, nghị lực và sức mạnh tinh thần; ngược lại, một tâm hồn khép chặt biến ta thành người hẹp hòi, yếu đuối, nhiều sợ sệt và đánh mất niềm vui sống.

    Sự tu dưỡng, rèn luyện tinh thần của chúng ta cho dù có chọn theo phương pháp nào thì thật ra cũng đều là dựa trên hai nguyên tắc vừa nêu. Nếu ta buông thả đời sống theo khuynh hướng vị kỷ, sự rộng mở tâm hồn của ta sẽ vô cùng hạn chế, chỉ hướng đến một số người thân yêu nhất định nào đó mà thôi. Nhưng khi ta nỗ lực xóa bỏ dần những tâm trạng tham lam, giận hờn, ganh ghét, thù hận... và nuôi dưỡng lòng thương yêu, sự cảm thông, chia sẻ với tất cả mọi người theo khuynh hướng vị tha, tâm hồn ta sẽ tự nhiên rộng mở hơn và cuộc sống do đó sẽ dần dần tràn ngập niềm an vui hạnh phúc.

    Toàn bộ tiến trình thay đổi, chuyển hóa này diễn ra hoàn toàn tự nhiên khi ta bắt đầu có những nỗ lực đúng hướng. Và khi đã tạo ra được những chuyển biến tích cực ban đầu, những nỗ lực tu dưỡng của ta sẽ bắt đầu trở nên dễ dàng hơn, do những thói quen xấu từ trước được xóa bỏ dần và những thói quen mới, những nếp suy nghĩ mới theo khuynh hướng cởi mở, hướng về người khác nhiều hơn cũng dần dần được hình thành. Hơn thế nữa, trong một chừng mực nhất định thì những chuyển biến tích cực của tự thân chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng đến mọi người chung quanh, khiến cho môi trường sống của ta ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

    Trong một ý nghĩa nào đó, tâm hồn chúng ta có thể được hình dung như một căn phòng khép kín. Khi những cánh cửa thông ra bên ngoài được mở rộng, ta sẽ dễ dàng đón nhận ánh sáng và những cơn gió mát từ bên ngoài, nhờ đó làm cho căn phòng được thoáng mát, dễ chịu, ta có thể tha hồ ngắm nhìn những tranh ảnh, vật dụng được bày biện, trang trí trong phòng. Ngược lại, khi những cánh cửa luôn nặng nề khép chặt, căn phòng sẽ chìm trong sự tối tăm, ngột ngạt, và mọi giá trị tốt đẹp nếu có cũng không sao có thể nhận biết được.

    Việc khép chặt hay rộng mở tâm hồn là quyết định riêng của mỗi người trong chúng ta, và quyết định đó tự nó có thể tạo ra sự thay đổi lớn lao cho cuộc sống của chính ta cũng như cho mọi người quanh ta. Tất nhiên, không ai muốn sống mãi trong một căn phòng tối tăm ngột ngạt, nên việc rộng mở tâm hồn bao giờ cũng là một quyết định sáng suốt, cho dù đó không hẳn là một quyết định dễ dàng.

    Những phân tích như trên đưa chúng ta quay lại với ý nghĩa của việc phát tâm Bồ-đề như đức Phật đã dạy. Khi khởi tâm thương cảm trước những khổ đau của muôn loài và quyết định tu tập thành Phật để có đủ năng lực cứu giúp tất cả chúng sanh, chúng ta khởi sinh tâm nguyện vị tha ở mức độ sâu xa, rộng lớn nhất, và qua đó đã rộng mở tâm hồn mình đến mức không còn giới hạn. Đây chính chiếc là chìa khóa nhiệm mầu để chuyển hóa tâm thức, đưa chúng ta bước ra khỏi bóng tối âm u ngột ngạt của một tâm thức vị kỷ để tiến vào một không gian rộng lớn bao la ngập tràn ánh sáng trí tuệ của tâm thức vị tha. Nói cách khác, những lời dạy của đức Phật về phát tâm Bồ-đề thực sự là một phương thức tu tập hữu hiệu nhất giúp chúng ta xóa bỏ những giới hạn chật hẹp của lòng vị kỷ và rộng mở tâm hồn để bước vào thế giới bao la của tâm nguyện vị tha.

    Giáo pháp Đại thừa luôn xem việc phát tâm Bồ-đề là nền tảng của mọi pháp môn tu tập. Theo lời Phật dạy, người Phật tử có thể tùy theo căn cơ và điều kiện của chính bản thân mình mà chọn lựa tu tập theo bất kỳ pháp môn nào trong số rất nhiều pháp môn đã được chỉ dạy trong Kinh điển. Tuy nhiên, cho dù quyết định tu tập theo pháp môn nào đi chăng nữa, thì điểm khởi đầu chung cho tất cả mọi người vẫn là sự phát tâm Bồ-đề. Khi chưa thực hành phát tâm Bồ-đề thì mọi pháp môn tu tập đều bị hạn chế, không thể phát huy tác dụng chuyển hóa tích cực; ngược lại, khi đã phát tâm Bồ-đề thì bất kỳ pháp môn nào cũng sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Hơn thế nữa, mỗi một hành vi, ý tưởng hay lời nói của chúng ta sau khi phát tâm Bồ-đề đều sẽ trở thành những thiện hạnh mang lại lợi ích cho bản thân và người khác, cho dù là những điều nhỏ nhặt nhất. Ngược lại, ngay cả với những nỗ lực lớn lao, những công hạnh to tát, nhưng nếu được thực hiện khi chưa phát tâm Bồ-đề thì chỉ có thể mang lại những kết quả vô cùng hạn chế. Do đó, con đường tu tập theo giáo pháp Đại thừa luôn luôn được khởi đầu từ việc phát tâm Bồ-đề, mà cụ thể là sự rộng mở tâm hồn, từ bỏ tâm vị kỷ để hướng đến một tâm thức vị tha để sống cuộc đời luôn mang lại lợi lạc cho người khác.
    Nguyên Minh - Theo Đồng Bào Phật Tử
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người