Buông xuống đi, hãy buông xuống đi! Chớ giữ làm chi, có ích gì? Ôm vào đau khổ vô cùng tận, Buông xuống ngay liền vạn khổ đi! Đời người không phải lúc nào cũng được như ý, công việc hay học hành, trách nhiệm đủ thứ như muốn nhấn chìm ta vào hố sâu tuyệt vọng. Ta cứ mãi lặn ngụp trong đó mà quên mất một điều là muốn bản thân vui vẻ đôi khi việc giảm áp lực cho chính mình là điều cần thiết. Và cách để giảm áp lực tốt nhất chính là học cách buông bỏ. Buông xuống đi, hãy buông xuống đi! Chớ giữ làm chi, có ích gì? Ôm vào đau khổ vô cùng tận, Buông xuống ngay liền vạn khổ đi! Trong kinh Phật có một câu chuyện kể rằng: “Tiểu hòa thượng và lão hòa thượng cùng đi hóa duyên, tiểu hòa thượng lễ độ cung kính, việc gì cũng đều nhìn theo sư phụ. Khi tới bờ sông, một cô gái muốn qua sông nhưng không đươc. Lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, cô gái sau khi cảm ơn thì đi mất, tiểu hòa thượng trong lòng cứ thắc mắc “Sư phụ sao có thể cõng một cô gái qua sông như thế?”. Nhưng cậu ta không dám hỏi, cứ thế đi mãi được 20 dặm, cậu ta thực sự không kìm được đành hỏi sư phụ: “Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông?” Sư phụ điềm đạm nói: “Ta đã bỏ cô ấy xuống bên bờ sông rồi, còn ngươi thì đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi vẫn chưa bỏ xuống.” Lời nói của lão hòa thượng đầy thiền ý, hàm chứa trong đó chính là nghệ thuật nhân sinh. Ven đường nhìn thấy vô vàn cảnh đẹp, trải qua biết bao những gập ghềnh, khó khăn. Nếu như đem tất cả những nơi đã đi qua và mang theo tất cả những khổ đau sẽ khiến cho bản thân mình chất chứa thêm rất nhiều phiền não. Sẵn sàng buông bỏ là một cách cân bằng tâm lý, cần phải chân thành và an nhiên đối mặt với cuộc sống. “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Khi trong ta còn giữ lại những suy nghĩ, trăn trở thì lúc nào chúng ta cũng sống trong dằn vặt, khổ đau. Nó cũng giống như việc khi bạn trượt đại học, bạn chán nản, tuyệt vọng, tự oán trách bản thân vô dụng, ngày ngày nhốt mình trong căn phòng u tối. Mặc cho gia đình lo lắng, bạn cứ sống mãi trong nỗi đau khổ của bản thân. Nguyên do cũng chỉ có một. Đó là do bạn không dám nhìn vào sự thật rằng mình đã thất bại trong kì thi này. Bạn thấy tự ti khi không bằng bạn bè. Bạn hèn nhát nên cứ ngày ngày chối bỏ đi sự thật ấy. Lúc này chỉ có một cách, ấy là bạn phải buông bỏ đi tính cố chấp của mình để sẵn sàng cho một khởi đầu mới. Có biết bao nhiêu người ngoài kia còn khó khăn gấp vạn lần chúng ta mà họ vẫn luôn cố gắng không ngừng nghỉ. Huống chi chúng ta mới chỉ có một chút trở ngại đã buông xuôi. Có lần tôi đọc tin trên báo về một gia đình nọ, vợ chồng đều là những công nhân lao động bình dị. Tuy nhiên điểm khác biệt so với các gia đình khác là họ sinh rất nhiều con. Cũng chỉ vì người chồng muốn có một người con trai. Cứ sinh ra con gái là người vợ lại sinh tiếp. Nhà đã nghèo lại đông con. Những đứa con được sinh ra không được nuôi dưỡng tử tế nên nhìn rất tội nghiệp. Người vợ dù hiểu tình cảnh của các con nhưng thân là vợ không dám cãi chồng cứ cam chịu nuốt nước mắt vào trong mà cố gắng, “còn sức là còn sinh tiếp”, đến khi nào có con trai thì thôi. Tôi đọc bài báo ấy rồi suy nghĩ: “Chỉ vì mong ước ích kỉ của bản thân mình mà người chồng ấy không chỉ tạo một áp lực vô hình lên người vợ mà còn khiến những đứa trẻ sinh ra phải chịu khổ. Nếu người chồng ấy có thể buông bỏ được suy nghĩ gia trưởng của mình thì có lẽ gia đình anh ấy dù có sinh con gái vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều”. Thế mới nói lời Phật dạy thật đúng. Phiền não của con người thường xoay quanh 12 chữ: Buông không đành Nghĩ không thông Nhìn không thấu Quên không được Nếu hiểu được chữ “buông” chắc chắn phiền não trong ta sẽ chuyển biến và chấm dứt. Buông bỏ bản ngã sẽ giúp chúng ra hiểu được giá trị chân thật của cuộc sống. Cứ mãi nhớ và ôm những đớn đau, những cố chấp, chìm đắm trong thâm, sân, si chỉ làm ta lún sâu trong bể khổ mênh mông mà thôi. Học cách thả lỏng bản thân, lắng nghe trái tim và lặng nhìn cuộc sống thì phiền não sẽ không còn. Tôi mong sao ai cũng có thể “buông” để thấu hiểu được trái tim mình. Muốn sống một cuộc đời ý nghĩa chúng ta cần có một trái tim thật khỏe. Và đó chính là một trái tim biết yêu thương. Yêu thương bản thân mình và yêu thương tất cả mọi người, mọi vật trên thế gian. Để sau một ngày làm việc vất vả, ta tự nhủ và mỉm cười với bản thân: “Ta đã buông… Buông xuống để ngày mai tốt đẹp hơn”. Nguyễn Linh Chi Theo Vẻ đẹp Phật Pháp