Khi Phật tử là doanh nhân

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Khi Phật tử là doanh nhân thì doanh nhân ấy sẽ biết chọn một ngành nghề kinh doanh phù hợp, trên tinh thần của lời Phật dạy về chánh nghiệp.
    Nghĩa là, lĩnh vực ấy không tổn thương sanh mạng người khác, loài khác (như mua bán thịt động vật chẳng hạn). Những lĩnh vực thuộc dạng bất thiện (có hại cho người và vật khác từ sức khỏe, sanh mạng tới tinh thần, huệ mạng ở hiện tại và tương lai) sẽ không nằm trong danh sách lựa chọn của doanh nhân - Phật tử.

    [​IMG]


    Không những không chọn lĩnh vực bất thiện mà nếu có điều kiện, doanh nhân ấy còn ưu tiên kinh doanh những mặt hàng mang lại giá trị cho mọi người, góp phần truyền bá chánh pháp đến với số đông. Nhiều người băn khoăn vấn đề Phật tử kinh doanh các văn hóa phẩm Phật giáo liệu có phải là “buôn thần bán thánh” không. Riêng tôi, thấy vấn đề này là cần thiết để đem những hình ảnh, lời dạy của Đức Phật đến với đông đảo Phật tử cũng như mọi người có nhu cầu học Phật, tu theo Phật.

    Quan trọng là cái tâm làm việc đó, có phải chỉ là mưu cầu lợi lộc mà làm, duy nhất nhắm tới lợi nhuận mà không nghĩ tới yếu tố hoằng pháp. Nếu không hề có ý niệm hoằng pháp thì doanh nhân Phật tử ấy đã bỏ mất cơ hội nghĩ điều lành, và đương nhiên cũng mất cơ hội làm việc lành. Tiếc!

    Khi chỉ nghĩ tới lợi nhuận mà kinh doanh thì tâm niệm làm việc hoàn toàn phục vụ mình mà thôi. Đó là ích kỷ và dễ trở nên gian dối, tàn nhẫn với khách hàng lẫn người cộng sự.

    Khi Phật tử doanh nhân thì sẽ biết cách dùng người, khuyến tấn họ cùng mình hướng theo con đường thiện lành, nếu để họ cảm nhận được Phật giáo, biết đi chùa, học Phật làm lành, lánh dữ thì càng hay. Khi ấy, doanh nhân đó, bằng cái tâm từ bi-trí tuệ học được từ Phật sẽ ứng dụng trong các quan hệ với nhân viên. Sẽ không ra sức áp bức sức lao động mà biết tôn trọng, trân quý người nhân viên trên tinh thần biết ơn - một người cộng sự với mình, chứ không phải nghĩ họ là kẻ làm thuê, mình muốn sai khiến thế nào cũng được…

    Khi Phật tử là doanh nhân thì lúc làm ăn có lợi nhuận liền nghĩ tới việc sẻ chia với cộng đồng. Sẻ chia trên tinh thần của lời Phật dạy, bố thí mà không nghĩ là mình ban ơn, không mong cầu đáp trả, cũng không toan tính thiệt hơn… Sự chia sẻ vô tư đó cùng với việc chia sẻ còn là nhắn nhủ cho họ những lời hay ý đẹp, dịu dụng từ lời Phật dạy để họ nhận món quà mà còn được nghe một bài pháp về sự khổ, vươn lên để bớt khổ, biết sẻ chia để gieo nhơn lành đặng thoát khỏi u minh, tăm tối nghèo nàn…

    Khi Phật tử là doanh nhân thì sẽ biết “ít muốn”, nghĩa là không quá tham lam, biết vừa đủ trong điều kiện cân bằng mọi thứ trong cuộc sống. Doanh nhân ấy sẽ không lao đi như say - cơn say kiếm tiền mà bỏ bê mọi thứ xung quanh, trong đó có gia đình, sự bình an trong tâm hồn mình. Nhiều doanh nhân làm nhiều tiền nhưng lại không có bình an là bởi không cân bằng được cuộc sống, nội tâm.
    Để có cân bằng đó, doanh nhân biết rõ nghĩa vụ của mình đối với gia đình, cộng đồng và với chính mình để còn quay về lo chuyện giải thoát bằng cách tu tập Giới-Định-Tuệ. Nghĩa là sẽ biết dành thời gian thiền định, biết nghiên cứu và ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, gìn giữ những nguyên tắc đạo đức cơ bản (giới luật)…

    “ít muốn biết đủ” còn là cách sử dụng đồng tiền không phung phí quá mức, không phải chỉ với tài chánh cụ thể của mình và gia đình mà còn là với tương quan xã hội. Bởi vì doanh nhân ấy hiểu rõ một điều là xung quanh mình còn khó khổ, mình có phước làm doanh nhân thì cũng không vì thế mà phô trương, se sua để người khác phải tủi thân… Càng không thể vì chạy theo hình tướng hào nhoáng bên ngoài mà phung phí của cải, thay vào đó sẽ làm việc từ thiện như đã nói.

    Khi Phật tử là doanh nhân… thì khi có thất bại cũng sẽ biết quán chiếu nhân quả, tháo gỡ những hao hụt tinh thần, những nỗi khổ niềm đau vì biết đó là vô thường, là lẽ tất nhiên để đứng lên gầy dựng từ đầu, bằng sự định tĩnh, thương mình, thương người. Khi thành công không tự mãn, khi thất bại thì không cay cú, lúc thăng hay trầm thì vẫn cứ khiêm cung, giản dị, biết nghĩ tới người khác, trau dồi nội tâm trở nên giàu có hơn!

    Thiết nghĩ, đó mới chính là chân dung của một Phật tử chơn chánh, và cũng là một doanh nhân xứng tầm được nhân viên quý mến, đối tác tin tưởng…
    Lưu Đình Long (GNO)
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người