Kiểu chữa bệnh tâm thần kỳ quái ở ‘ngôi đền bắt ma’

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Hàng ngày, người bệnh được ngồi trong đền nghe đọc kinh, nghe anh Tự thuyết giảng về Phật pháp, về làm người.

    Kỳ 3 (kỳ cuối): Kiểu chữa bệnh kỳ lạ


    Như đã nói ở kỳ trước, ngôi đền Thó (thôn Tảo C, xã Lương Tài, Văn Lâm, Hưng Yên), được tổ tiên dòng họ Trần Ngọc xây dựng từ thời Bắc thuộc, hơn 1.000 năm trước. Đời nọ nối tiếp đời kia, những người được phân công trông giữ đền buộc phải làm công việc kỳ lạ, đó là chữa bệnh tâm thần cho người dân.

    Người dân trong vùng tin rằng, ngôi đền này có khả năng “bắt ma”, nên có khả năng chữa những bệnh tâm thần do “ma nhập”. Thực tế, những ông tự nhang khói cho đền không tin vào chuyện ma quỷ, mà họ được truyền lại bí quyết “trị điên” theo phương pháp từ xa xưa, rất đơn giản nhưng hiệu nghiệm.

    [​IMG]
    Anh Nguyễn Văn Tự bên trong đền Thó

    Cách trị bệnh tâm thần của anh Nguyễn Văn Tự cũng như thế hệ cha ông đều theo một công thức chung từ xa xưa truyền lại. Bước đầu tiên mang tính chất lễ nghi, nhưng buộc phải thực hiện, đó là lễ xin “Thánh” để tiếp nhận.

    Gia đình đưa người bệnh đến, ngồi ở trong đền. Sau khi thực hiện xong các nghi lễ theo quy định từ xa xưa, chủ đền sẽ “xin” tổ tiên bằng việc gieo quẻ âm dương. Nếu tổ tiên “đồng ý” thì chủ đền mới dám nhận bệnh nhân.

    Anh Tự kể: “Mặc dù tôi sinh ra và lớn lên cạnh ngôi đền này mấy chục năm rồi, chứng kiến việc chữa trị người điên của ông nội, rồi đến bố tôi, nhưng có nhiều chuyện đến bây giờ tôi cũng không giải thích nổi, chỉ có thể tin vào những sự ứng nghiệm của tâm linh mà thôi.

    Thú thực, tôi không nghĩ có thánh thần nào can thiệp được vào cái chuyện gieo quẻ, nhưng có một sự thật, là nếu “Thánh” tiếp nhận bệnh nhân nào, thì chỉ gieo quẻ đúng một lần là sấp – ngửa ngay, còn “Thánh” không đồng ý, thì có xin đi xin lại cũng không được.

    [​IMG]
    Những người bệnh nặng thì được chăm sóc đặc biệt, được quan tâm từng miếng ăn, giấc ngủ

    [​IMG]
    Những người bệnh nhẹ thì phải làm việc liên tục để kích thích não bộ

    Phần lớn việc gieo quẻ là được, nhưng cũng có vụ không được. Nếu gieo quẻ không được, thì gia đình bệnh nhân dù có nài nỉ thế nào tôi cũng không dám nhận, là bởi vì, những trường hợp đó có ở đền suốt đời cũng không khỏi được bệnh.

    Bố tôi ngày xưa cũng có một lần vì nể người đời, vì thương người điên, mà cứ nhận, dù gieo quẻ âm dương “Thánh” không đồng ý. Ngay khi bệnh nhân đó đến, cả mấy chục bệnh nhân ở đền náo loạn, lên cơn. Họ đánh nhau, chửi bới, bỏ trốn, thậm chí đại tiện bậy bạ cả ở trong đền, không sao đưa vào khuôn khổ được. Thế nhưng, khi đưa người đó ra khỏi đền, mọi việc lại trở về bình yên.

    Theo các cụ, có nhiều nguyên nhân điên khùng, và dường như “Thánh” biết được trường hợp nào chữa được, trường hợp nào không thể, nên mới cho thông tin qua quẻ âm dương, để nhà đền còn biết mà xử sự”.

    Theo anh Nguyễn Văn Tự, khi bệnh nhân được tiếp nhận, thì người nhà không được đến gặp nữa. Hàng tháng, người thân đóng 5kg đến 30kg gạo và 50 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng. Nhiều bệnh nhân nghèo quá, chẳng có tiền đóng, thì ăn nhờ của người đóng góp nhiều hơn. Các ông tự trông đền sẽ biết cân đối, tính toán để mọi người được ăn uống đầy đủ.

    [​IMG]
    Khi không có việc làm, anh Tự vẫn bắt các bệnh nhân vận động để tăng cường thể lực

    Nhưng điều đặc biệt là dù gia đình bệnh nhân có giàu thế nào, muốn đóng thêm, anh Tự cũng không lấy, mà chỉ thu tối đa 500 ngàn đồng mà thôi. Nhà đền không được thu nhiều tiền, bởi việc chữa trị cho bệnh nhân là việc làm tổ tiên, trời đất giao phó, chứ không phải công việc kiếm sống, làm giàu.

    Ngoài ra, nhà anh Tự có 2 mẫu ruộng do các cụ để lại cho. Anh cùng các bệnh nhân cày cấy, trồng trọt lấy đó làm nguồn lương thực.

    Theo anh Nguyễn Văn Tự, với người bệnh tâm thần, đầu óc họ như tờ giấy trắng, giống một đứa trẻ, nên cũng phải có cách ứng xử khác bình thường. Bước đầu tiên, khi đưa người tâm thần đến, phải dùng biện pháp mạnh, khiến họ quên luôn gia đình.

    Hầu hết các bệnh nhân khi được đưa đến đền Thó đều khóc lóc đòi theo người thân về nhà như kiểu trẻ con lần đầu đi học mẫu giáo, hoặc nhảy tường bỏ trốn, nên không điều trị được. Với những trường hợp đó, thì người thân phải mắng mỏ nặng lời, thậm chí… “từ mặt”.

    Trong quá trình trị bệnh, người thân tuyệt đối không được đến thăm, để người bệnh quên hết quá khứ. Khi họ nghĩ rằng, không còn người thân thích, không còn chỗ bấu víu nữa, thì họ buộc phải ở lại, sống cùng người lạ.

    [​IMG]
    Người bệnh tự nấu nướng, chăm sóc lẫn nhau

    Theo kinh nghiệm các cụ truyền lại, điều quan trọng nhất để trị bệnh tâm thần, là phải đảm bảo miếng ăn, giấc ngủ cho người bệnh. Họ phải được ăn uống đầy đủ và được ngủ ngon, ngủ sâu, để ổn định về mặt thể chất.

    Chính vì thế, với những bệnh nhân nặng, anh Tự phải xúc cho họ ăn, trông cho họ ngủ. Nhiều bệnh nhân tâm thần rất biếng ăn, thường tìm cách đổ trộm đồ ăn đi, nên anh Tự phải theo dõi sát sao, ép họ ăn hết suất.

    Anh Tự bảo, đêm nào cũng thức đến 2 giờ sáng và 5 giờ đã dậy rồi. Sở dĩ, anh vất vả như vậy, là vì nửa đêm bệnh nhân rất hay trở dậy đi vệ sinh. Trong hoàn cảnh nửa tỉnh nửa thức, họ sẽ biến thành người khác, nghĩ ra đủ trò kỳ quái như thể ma làm. Nếu không có bóng dáng của anh, có thể họ sẽ làm nhiều điều kỳ quặc.

    Ở đền, những người tỉnh táo sẽ chăm sóc người “say”, tức bệnh nặng, không tự phục vụ được cho mình.

    Hàng ngày, người bệnh sẽ được ngồi trong đền nghe đọc kinh, nghe anh Tự thuyết giảng về Phật pháp, về làm người và rất nhiều thứ. Điều anh Tự không lý giải được, đó là, khi ngồi trong đền, nghe đọc kinh, những người tâm thần đều nhu mì, không phá rối.

    Có những bệnh nhân từng giết người, thậm chí giết cả người thân, có bệnh nhân khỏe đến nỗi dùng tay bẻ song sắt bệnh viện trốn ra ngoài, nhưng đến đây đều hiền lành như cục đất.

    Có bệnh nhân, gầy tong teo, mọi người đồn là quỷ ám, lúc nào cũng vắt hai chân lên cổ và đi bằng tay. Thế nhưng, không hiểu sao, khi đưa vào trong đền, vút một cái đã thấy vắt vẻo trên xà như con ếch. Những người khác nhìn thấy cảnh đó sẽ nghĩ là quỷ ám, chứ người thường không thể làm được điều đó, nhưng anh Tự gặp những chuyện khó hiểu đó nhiều rồi, nên thấy bình thường.

    Khi những bệnh nhân đã bình tâm, không phá phách nữa, thì anh Tự giao cho làm những việc đơn giản, như quét sân, nhặt lá. Khi bệnh tình tiến triển tốt, thì được giao làm những việc phức tạp hơn như nhặt rau, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu nướng…

    [​IMG]
    Đền Thó

    Ngoài những bệnh nhân nặng, số còn lại không lúc nào được ngơi tay, ngơi chân. Ngoài ăn, ngủ, thì lao động là việc tối quan trọng để điều trị tâm thần. Vậy nên, trong xóm, nhà nào có công to việc lớn, anh Tự đều tìm cách xin việc cho các bệnh nhân làm. Mùa cấy thì cấy hái, mùa gặt thì thu hoạch, rồi cuốc đất, đắp bờ mương cho cả xóm.

    Gia đình nào trong làng, xã xây nhà thì tiết kiệm được đáng kể vì có một đội ngũ phu hồ, thợ xây đông đảo làm việc miễn phí giúp gia chủ. Nhiều lúc, không có việc gì làm, anh Tự phải mua mấy xe cát đổ trong sân, rồi sai các bệnh nhân xúc chỗ nọ đổ ra chỗ kia.

    Theo anh Tự, khi họ bận rộn làm việc, bộ não được kích thích, thì tư duy sẽ phát triển, đẩy lui bệnh tật. Điều đặc biệt quan trọng, là phải tạo ra được một cộng đồng yêu thương, giúp đỡ nhau. Người bệnh nhẹ giúp người bệnh nặng, người khỏe giúp người yếu. Anh Tự như người nhạc trưởng, như người chỉ huy tạo ra một cộng đồng đầy tính nhân văn ấy.

    Cùng với việc tạo công ăn việc làm, thì hàng tuần anh Tự đều tổ chức các buổi hát quan họ. Người khỏi bệnh hát cho người bệnh nặng nghe. Ngoài lúc nghe tụng kinh, giảng đạo, thì các trò văn nghệ, giải trí, giúp các bệnh nhân được vui vẻ, thư giãn.
    Phong Nguyệt
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người