Từ khi mở mắt nhìn đời, bàn tay trẻ bấu víu vào bầu sữa mẹ, cho đến khi nhắm mắt, hai tay buông xuôi trở về cát bụi, đã có bao nhiêu mùi vị, hương vị thấm ngấm vào cuộc đời, không thể dứt bỏ hay cố tình lãng quên? Mùi sữa mẹ thơm thảo, mùi mồ hôi nhọc nhằn, cực nhọc lẫn trong mùi trầu cay, vôi nồng. Mùi củi rơm, khói bếp quyện trong mái tóc bạc trắng thoảng mùi bồ kết, lá bưởi, tép chanh. Tiền lẻ theo dòng người đi lễ vẫn rải đầy tại chốn tâm linh. Có cả mùi dưa cà, tương mắm mặn mòi thấm đẫm mùi mưa dầm, gió bấc, nắng cháy sạm da. Cũng không thể quên mùi hoa sữa bịn rịn buổi chia ly và mùi hoa xoan ngày xuân muộn. Nhưng, chỉ độc nhất mùi khói hương là vương vấn từ quá khứ tới hiện tại, chảy theo thời gian, năm tháng. Lạ thế, ngày mồng một, ngày rằm, nhất là ngày Tết, chỉ thắp nén nhang, chắp tay, cúi đầu, nhắm mắt là bóng dáng, gương mặt và cả giọng nói người đã đi xa, khuất bóng lại trở về trong tâm tưởng. Tưởng đâu tiếng mẹ vẫn thì thầm bên tai, sợi tóc bạc phơ phất như sợi khói hương, quẩn quanh trên ban thờ. Mẹ bảo “mọi sự trên đời, cốt ở cái tâm. Sau này giỗ mẹ, đừng bày biện cỗ bàn làm gì, tốn kém. Chỉ cần chén nước chè, đĩa hoa quả, thắp nén hương nhớ đến mẹ, thế là đủ”. Đơn giản, tằn tiện như đời mẹ, quanh năm áo rách vá vai. Tấm áo lành lặn, tươm tất nhất chỉ dành đi lễ chùa. Đó là những giờ phút thanh thản nhất trong những tháng năm đằng đẵng vất vả, cơ cực. Mỗi lần đi lễ, mẹ thường dắt tôi theo. Đồ lễ chẳng nhiều nhặn gì. Mấy cành hoa huệ trắng, một bó hương. “Tâm xuất, Phật biết”, mẹ thường nói thế. Khi ấy tôi chưa đủ lớn đủ khôn để hiểu. Nép sát bên mẹ, cố lắng nghe lời cầu nguyện, tôi không hiểu được. Chỉ thấy, dường như mẹ tôi đang trôi vào một cõi xa xăm vô hình, vô định. Như siêu thoát, nhẹ bẫng. Bàn tay tôi nắm chặt vạt áo mỏng của mẹ, chỉ sợ mẹ tan biến vào làn khói hương bảng lảng. Ngỡ như cả hai mẹ con thiếp vào giấc ngủ. Cho đến lúc bàn tay thô ráp, chai sần nắm nhẹ bàn tay tôi dắt ra khỏi cửa chùa, mẹ mới cúi xuống, nói vừa đủ nghe: Mỗi khi bước vào cửa Phật, bao giờ mẹ cũng rũ sạch phiền muộn, vẩn đục, vướng víu, giống như phủi hết bụi bặm bám trên người. Có thế tâm mới trong sạch, tinh khiết như nước mưa. Con chớ quên rằng, Phật chỉ chứng giám lòng con thôi. Phật ở trong tâm, trong lòng mình. Nên có bao giờ mẹ khấn vái, cầu xin điều gì đâu. Mà có xin thì Phật lấy đâu để cho khắp thiên hạ. Mẹ chỉ mong Phật phù hộ cho sức khỏe, để nuôi con ăn học nên người... Đã đi quá nửa cuộc đời, mòn chân, chồn gối, giờ tôi có thấm hết lời mẹ? Có bình tâm nhìn người đời đang chen chúc, xô đẩy tại các đền chùa để dâng lễ vật, nhét tiền vào tay Phật, thả tiền, rải tiền để cầu mong tài lộc, chức tước? Hơn cả “mua thần, bán thánh”, họ cứ thản nhiên “đút lót, hối lộ” thánh thần. Tâm linh đục ngầu, nổi váng, vấy bẩn cả chốn linh thiêng. Mấy ai còn tin vào luật nhân quả, “gieo gì gặt nấy”? Không có gì là bất biến, vĩnh cửu. Mọi thứ đều thay đổi theo thời gian. Sẽ là điều thật ngớ ngẩn và vô nghĩa nếu cứ khư khư giữ lấy những ký ức, kỷ niệm xưa cũ. Nhưng, lắng trong tiếng chuông chùa ở một góc khuất Hà Nội, hay tiếng chuông âm vang từ những ngôi chùa mà khách thập phương hành hương lũ lượt đổ về, có ai lắng lòng, tĩnh tâm? Trăm năm trước hay trăm năm sau, vẫn âm thanh trầm ấm, sâu lắng ấy. Từng giọt, từng giọt rơi vào đất trời, cỏ cây, thấm vào cõi lòng người. Tiếng chuông gạn lọc những toan tính trần tục, khơi dòng cảm xúc thuần khiết trong tâm hồn, nhắc ta thong thả mỗi bước chân, ung dung, tự tại bước vào cõi tâm linh nằm sâu trong tâm thức. Vẫn chậm rãi từng tiếng chuông đồng ngân nga trong lòng tôi cùng tiếng chuông dội lại từ những ngôi chùa, mà sao người ta vẫn xô bồ, chen lấn. Hay là họ nghe mà không thấy? Thanh Tuyền