Lời phật dạy về nghệ thuật giữ gìn sắc đẹp

Thảo luận trong 'Lời phật dạy'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Có một “nghệ thật giữ sắc đẹp” được nói đến trong kinh Phật. Các chư tăng không dành thời gian cho việc chăm sóc sắc đẹp nhưng chính cuộc sống tu tập “vô tâm” của họ khiến cho họ có được một sắc diện trẻ trung khả ái.

    Gọi là “nghệ thuật gìn giữ sắc đẹp” bởi nó là một thể cách tự nhiên được vận dụng lâu ngày thành ra thuần thục, hay một nếp sống đã đạt đến độ vô tâm hồn nhiên, không còn vướng bận bởi ý nghĩ đẹp xấu. Tỏ ra lo lắng và chú ý làm đẹp bằng cách này hay bằng cách khác thì gọi là “kỹ thuật chăm sóc sắc đẹp”. Còn sống mà ít bận rộn bởi ý tưởng đẹp xấu, tâm tư hồn nhiên thanh thoát, không say sắc xuân, không sầu sắc đông, thì có thể gọi là “nghệ thuật giữ sắc đẹp”.

    Vua Pasenadi nước Kosala từng mục kích và nêu nhận xét về sức sống hồn nhiên trẻ đẹp của các đệ tử Đức Phật:

    “Bạch Thế Tôn, khi con đi du hành tản bộ từ công viên này đến công viên khác, từ cung uyển này đến cung uyển khác. Ở đấy, con thấy một số Sa-môn, Bà-la-môn gầy mòn, khốn khổ, da xấu, bạc nhược, tay chân gân nổi, hình như không có gì đẹp mắt để người ta nhìn. Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Thật sự các bậc Tôn giả này sống Phạm hạnh không được hoan hỷ hay có những ác nghiệp được giấu kín. Do vậy, các vị Tôn giả này mới gầy mòn, khốn khổ, da xấu, bạc nhược, tay chân gân nổi, hình như không có gì đẹp mắt để người ta nhìn. Còn ở đây, bạch Thế Tôn, con thấy các Tỷ – kheo hân hoan, phấn khởi, hỷ lạc, các căn thoải mái, không dao động, bình tĩnh, sống dựa vào sự hỷ cúng của người khác, với tâm tư hồn nhiên như con thú rừng. Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Thật sự các bậc Tôn giả này ý thức được một sự tối thắng thù diệu nào trong giáo lý Thế Tôn, một sự thành đạt tuần tự nên các bậc Tôn giả này hân hoan, phấn khởi, hỷ lạc, các căn thoải mái, không dao động, bình tĩnh, sống dựa vào sự hỷ cúng của người khác, với tâm tư hồn nhiên như con thú rừng”.

    Nhận xét trên của vua Pasenadi cho thấy các Tỷ – kheo có nếp sống trẻ trung hồn nhiên với một sắc điệu thật khả ái, và vua tin có một nghệ thuật sống khỏe sống đẹp nào đó trong giáo lý Đức Phật mà chư vị đã thể nghiệm. Vua Pasenadi chỉ chứng kiến và tin giáo lý của Đức Phật có khả năng giúp cho người ta sống khỏe và sống đẹp thôi nhưng không biết rõ làm thế nào mà các Tỷ – kheo có được nếp sống như vậy. Vậy nghệ thuật sống khỏe đẹp ấy là gì? Nói khác đi, các Tỷ – kheo đệ tử Đức Phật đã theo đuổi pháp môn nào trong giáo lý của Ngài để có được sức sống trẻ trung hồn nhiên cùng với một vẻ đẹp thanh thoát bộc lộ từ trong ra ngoài?

    Chúng ta hiểu rằng toàn bộ giáo lý của Đức Phật đều có khả năng giúp cho con người sống khỏe và sống đẹp, cả về thể chất lẫn tinh thần, bởi nó là nếp sống trung đạo bao gồm các giải pháp thực nghiệm tuyệt đối căn bản và bổ ích cho cá nhân trong chiều hướng hoàn thiện bản thân. Tuy thế, đáp án chính xác cho câu hỏi trên đến từ một văn cảnh khác. Có một vị Thiên cũng từng cảm kích vẻ đẹp kỳ diệu của các Tỷ – kheo tu hành kham nhẫn trong núi rừng, lấy làm thắc mắc và đến hỏi Đức Phật:

    [​IMG]

    Vị Thiên:
    Thường sống trong rừng núi,
    Bậc Thánh sống Phạm hạnh,
    Một ngày ăn một buổi,
    Sao sắc họ thù diệu?
    Đức Phật:
    Không than việc đã qua,
    Không mong việc sắp tới,
    Sống ngay với hiện tại,
    Do vậy, sắc thù diệu,
    Do mong việc sắp tới,
    Do than việc đã qua,
    Nên kẻ ngu héo mòn,
    Như lau xanh rời cành.
    Lời Phật dạy cho thấy “nghệ thuật giữ sắc đẹp” được nói đến trong đạo Phật không gì khác là một nếp sống hồn nhiên, vô tâm, vô tư, cái gì đấn thì biết là đến, cái gì đi thì rõ là đi, không nuối tiếc, không vọng tưởng, “ưng vô sở trụ”. Nói khác đi, đó là nếp sống của một người đã ngộ ra lẽ thực vô thường của cuộc đời, không tiếc nuối những gì đã qua, không bận lòng với những gì chưa đến, sống an nhiên tự tại trong mỗi thời khắc trôi qua với một tâm tư hoàn toàn tỉnh giác và an lạc. “Sống hôm nay biết hôm nay; còn xuân thu trước ai hay làm gì”. Xem ra thì nghệ thuật sống trẻ đẹp chính là bớt lo nghĩ về sắc đẹp, bớt lao tâm khổ tứ vì sự thật đổi thay của sắc đẹp vậy. Theo dõi thêm tại tinhtam.vn

    “Trường sinh bất tử” hay “trẻ mãi không già” là chuyện không thực có ở đời nhưng nó là mối bận tâm xưa nay của những người có lắm tiền của. Đạo Phật không khuyến khích một ảo tưởng như vậy. Trái lại, đạo Phật quan niệm cái nhìn thực tại trôi chảy đối với mọi hiện hữu và đề xuất một nếp sống khá tự nhiên phù hợp với thực tại trôi chảy ấy. “Có sanh tức có già chết”, Đức Phật đã dạy như thế. Dĩ nhiên, người ta có thể nhờ đến các phương tiện hay kỹ thuật khác nhau để chăm sóc và giữ sắc đẹp, như là giải pháp trước mắt và tạm thời. Tuy vậy, không một kỹ thuật nào bảo đảm sắc đẹp được bền lâu như ý muốn và cách hay nhất là sớm nhận ra sự thật sinh diệt của cuộc đời và tập cho quen dần với nếp sống khá an nhiên tự tại trước mọi chuyển biến vô thường của hiện hữu. Kinh Pháp Cú khuyên mọi người tập quan sát và hiểu như vầy về bản thân mình: “Xe vua đẹp cũng già; thân này rồi sẽ già”. Thực tập cách nhìn trôi chảy đối với mọi hiện hữu và sống với tâm thanh thản, bớt ưu tư lo lắng về sự thực trôi chảy ấy thì đấy là phương pháp sống khỏe sống đẹp được nói đến trong đạo Phật. Đó cũng chính là đường hướng thực nghiệm an lạc, giải thoát, là nghệ thuật giữ cho sắc đẹp luôn được tươi tắn, không héo mòn, như lời Phật dạy.

    Theo SKCĐ​
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người