Xã hội ngày nay, sự đổ vỡ của hôn nhân rất phổ biến, rất nhiều người vì chồng hay vợ mình thương yêu người khác, thậm chí lìa bỏ gia đình nên cảm thấy rất thống khổ, lòng không chịu nổi. Tôi có quen một vị Lão Bồ Tát, mọi người đều rất tôn kính bà, gọi bà là lão nương (bà cụ). Bà là người duy nhất mà tôi từng thấy, bị đổ vỡ về hôn nhân: chồng phản bội, đi lấy người khác mà bà vẫn không có lời oán trách. Sự độ lượng và lòng từ bi của bà, rốt cuộc đã cảm hóa chồng, khiến chồng bà phải sám hối. Còn bà thì vẫn một mực hàng ngày thanh tịnh, vui vẻ niệm Phật. Tôi vẫn thường kể chuyện bà cụ này cho các bà vợ rất oán hận vì bị chồng phản bội, để mong mọi người học tập theo bà cụ mà lòng mở rộng hơn, mắt nhìn xa hơn, để thấy rõ ý nghĩa thực sự của đời người, khiến cuộc sống mình an vui, tự tại. Bà cụ là người rất hiếu thuận. Từ lúc mới hai tuổi, bà đã biết lấy dép cho cha thay. Vài năm sau khi bà kết hôn, chồng bà lại yêu một người khác, và thường cùng người này đi chơi các nơi, thậm chí không về nhà. Bà cụ không hề vì việc này mà gây gổ với chồng. Bà không hề oán than mà vẫn cố gắng chịu đựng. Bà rất có trí tuệ, biết rằng gây gổ cũng chẳng có ích gì. Vì có trí tuệ mà bà có thể buông bỏ âu sầu và được tự tại. Bà rất bình tĩnh, an phận, giữ mình, làm các việc cần làm, chăm sóc con cái, trồng trọt, thậm chí còn tiết kiệm tiền bạc để duy trì cuộc sống. Chồng bà cùng người bạn gái mới kia (dưới đây gọi là vợ bé), lại sinh ra một đứa con trai. Chẵng những thế, ông lại còn mang đứa bé về nhà, rồi cùng người vợ bé lại đi rong chơi! Phần lớn người ta gặp phải chuyện này đều rất nóng giận không cách nào chịu đựng được. Nhưng bà cụ thấy đứa bé không người chăm sóc thì thương hại. Bà rất từ bi, cho nó uống sữa, cõng nó ra vào mà làm việc, thậm chí khi đi trồng trọt bà cũng dẫn nó theo, khi không cõng được thì bà lấy dù che cho nó, để nó tại nơi dễ săn sóc. Người trong làng thấy hành vi của bà thì chê cười mà bảo”bà là người ngu xuẩn nhất trên thế giới”, cứ hết lòng săn sóc đứa con của kẻ thù! Nhưng bà cụ thì không hề nghĩ như thế. Tâm bà rất thanh tịnh từ bi. Bà chỉ biết rằng, đứa bé mà không người săn sóc thì không được, nên chính bà phát tâm săn sóc nó, không kể nó là con của ai. Bà cụ không phải là ngu xuẩn, mà là đại trí đại bi. Đứa bé ấy khôn lớn thành người, nhận bà cụ chính là mẹ đẻ của nó. Thậm chí nó không dám tin rằng, bà vợ nhỏ kia là mẹ đẻ của nó. Về sau, chồng bà cụ đem người vợ bé về nhà ở, bà cụ cũng một mực đối xử tốt với họ, thậm chí còn giúp bà vợ bé đủ mọi bề, trước sau chẳng có một lời buồn trách hoặc giận hờn. Về sau, bà vợ bé ấy bị bệnh phải giải phẫu não và rồi trở thành người thực vật, phải nằm liệt giường, mê man suốt mất năm. Bà cụ vẫn đến thăm nắm tay bà ta. Tuy mê man chập chờn, bà vợ bé vẫn chảy nước mắt. Bà cụ còn rất từ bi niệm Phật cho bà ta, trong lòng không hề có chút oán hận. Người con của người vợ bé là người rất ưu tú, có thiện căn lại rất hiếu thuận. Anh ta không những hết lòng chăm sóc người mẹ đang sống như thực vật, mà còn rất hiếu thuận giúp đỡ bà cụ đã nuôi nấng cho anh trưởng thành. Có lần chính mắt tôi trông thấy một cảnh tượng khiến tôi vô cùng cảm động. Người con ấy đã trở thành một giáo viên, được các đồng sự bầu chọn, lãnh được”huy chương thập đại hiếu hạnh” của tỉnh Đài Loan. Sau khi đã lãnh huy chương, anh ta trở về quì bên cạnh bà cụ, dâng huy chương cho bà cụ mà nói: “Tất cả mọi thứ đều do mẹ cho con, hôm nay con lãnh phần thưởng này, còn có cả tiền thưởng, nên quyết mang về cho mẹ”. Huy chương này làm bằng đồng, khắc một con dê nhỏ quì bên thân dê mẹ mà bú sữa. Tôi đứng bên cạnh nhìn đứa con quì tại đó, quay về phía bà cụ mà cảm ân. Bà cụ cầm tràng hạt niệm Phật, mỉm cười rất từ ái, vẻ mặt bà giống như vẻ mặt của của vị Bồ Tát sống. Tôi thấy thế mà chảy nước mắt, nghĩ rằng, lòng từ bi và Phật tâm chân thật vô tư là xứng đáng nhất. Thật không có người niệm Phật nào mà niệm ra được tấm lòng thanh tịnh, vô tư như thế. Thực ra không có oán hận, nội tâm thanh tịnh, an lạc cũng qua hết một đời. Rất nóng giận, oán hờn cho đến chết cũng qua hết một đời. Cần lựa chọn lối sống nào để có được trí tuệ và phước báo của chúng ta. Chồng bà cụ già dần và mang bệnh. Khi đang bệnh nặng, ông quay về với bà, nhận sự chăm sóc của bà và người con gái. Bà quả là từ bi, bà luôn lấy tâm bình thường, không oán không giận mà chăm sóc người”lãng tử” đã phản bội bà nhiều năm, không mong cầu bù đắp về tình cảm, cũng không đố kỵ mà vui sướng khi chồng bị khổ nạn, cũng không muốn phục hận. Bà nói: “Tôi với phiền não không tương hợp”. Bà cười hiền hòa, thể hiện trí tuệ thanh tịnh của người niệm Phật. Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: “Bồ Tát bố thí xem kẻ oán người thân như nhau, không nhớ việc ác cũ, không oán người”. Bà cụ không từng đi học, không từng đọc kinh này, thế mà thực hiện theo kinh một cách tự nhiên. Trước khi mất, vào lúc hơn bảy mươi mấy tuổi, chồng bà cụ tự phản tỉnh đời mình, đến sám hối với bà. Ông nói: “Tôi đã sai lầm suốt đời. Tôi thành thật xin lỗi bà.” Ông sám hối: “Mọi người có xúm lại đánh cũng chưa đáng tội của tôi!” Bà nghe xong chỉ bình tĩnh mỉm cười mà nói: “Ồ! Nói như thế để làm gì chứ?” Tấm lòng của bà thật là rộng lượng, hoàn toàn không có gì bất bình, không có gì khó chịu, không có lời oán trách. Bà rất bình tĩnh chấp nhận sự sám hối của chồng. Đây quả là một người niệm Phật hiếm có, có thể niệm ra được lòng từ bi, không có lòng oán trách! Chồng bà lại còn đến trước Đức Phật A Di Đà để thú tội, nói ra sự sai quấy của mình, thỉnh cầu Đức Phật A Di Đà từ bi tha thứ, tiếp dẫn ông đến thế giới Cực Lạc ở Tây Phương. Sau khi ông chân thành thú tội, niệm Phật chưa đến mấy phút, rõ ràng đã vãng sanh thế giới Cực Lạc ở Tây Phương. Những người đến trợ niệm cho ông bảo: “Chúng tôi tự mắt nhìn thấy ông tự đổi giường nằm thành một giường đẹp đẽ, chưa đầy mười lăm phút đã rõ ràng niệm Phật mà vãng sanh”. Đức Phật A Di Đà đại từ bi nhìn thấy rất rõ những kẻ phàm phu chúng ta trăm thứ lỗi lầm, thường thường là”những kẻ không đáng quay về trần thế”: suốt đời lỗi lầm. Đức Phật cho chúng ta cơ hội tối hậu, lúc lâm chung chân thành hồi tâm sám hối. Lúc lâm chung nếu có thể sám hối, niệm mười tiếng A Di Đà Phật, chân chính phát tâm muốn đến thế giới Cực Lạc ở Tây Phương, thì Đức Phật A Di Đà cũng không bỏ chúng ta, nhất định sẽ tiếp dẫn chúng ta, chỉ sợ rằng chúng ta quá phóng túng cảm tình và cá tính của mình, mà cứ cho rằng mình đúng, không biết hồi đầu sám hối niệm Phật. Đức Phật A Di Đà coi chừng mọi thứ cho chúng ta, nắm giữ không buông bỏ chúng ta. Có lần bà cụ bệnh nặng, đi đứng khó khăn, tôi đến thăm bà. Bà cười rất dễ thương, lại đầy đủ lòng tin mà nói với tôi: “Đức Phật A Di Đà đang ở trên miệng tôi, Đức Phật A Di Đà đang ở trong tâm tôi”. Bà dùng tiếng Đài Loan mà nói: “Đức Phật A Di Đà giúp tôi cố điều điều”.”Cố điều điều” nguyên nghĩa”là chăm lo rất cẩn thận”. Tôi theo âm mà hiểu nghĩa, riêng hiểu”cố điều điều” có nghĩa điều gì cũng chăm lo tới, không kể việc lớn hay việc nhỏ, không có thứ gì mà không chăm lo tới. Đó là sự chăm lo của Đức phật A Di Đà đối với chúng ta. Chỉ riêng người nào chân thực tha thiết niệm Phật thì mới có thể hiểu được Đức Phật”chăm lo điều điều đối với chúng ta”. Bà cụ biết rõ nghĩa kinh của kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật: Mỗi mỗi ánh sáng Phật chiếu khắp các chúng sanh niệm Phật,”nắm giữ không buông bỏ”. Bà cụ ngày ngày vào buổi sáng sớm đều muốn dùng hoa mình trồng để cúng dường Phật. Bà bảo dùng hoa mình trồng mà cúng dường Phật thì ngẩng đầu lên nhìn, thấy Phật cười. Người con gái của bà cụ là ủy viên của hội Từ Tế Công Đức. Có lần cô đi dự hội Hoa Liên, để bà cụ và một người bạn gái Cơ Đốc giáo ở nhà. Bỗng nhiên bà nhận được một cuộc điện thoại do người con gái gọi từ Hoa Liên về, yêu cầu bà mau lên Phật đường ở trên lầu xem thử có gì xãy ra không. Bà rất đỗi ngạc nhiên, không biết là chuyện gì, nhưng cứ lên lầu xem thử. Vừa trông thấy, bà bỗng giật mình. Chân bàn Phật và một phần của mặt bàn đang bị cháy, xem ra ngọn lửa cũng khá lớn, vì nếu không thì chất gỗ ấy không dễ gì cháy được. Nhìn kỹ lại, thì ra lửa cháy từ trong sọt giấy dưới bàn Phật. Thế mà, thật không thể nghĩ bàn được, ngọn lửa cháy đến chỗ tượng Phật thì tự dưng tắt hẳn. Trước cảnh tượng ấy, không những bà cụ rất xúc động mà phải khóc, đảnh lễ tạ ơn đức Phật, mà cả người bạn gái Cơ Đốc giáo cũng rất kinh dị, bất giác quỳ xuống lạy Phật, nước mắt tuôn trào. Bà cụ kể lại chuyện này cho tôi nghe và cảm thán: “Đức Phật A Di Đà quả là chiếu cố điều điều cho tôi!” Nếu không thì gặp phải hỏa tai ở nhà như thế, không biết là phải làm sao. Bà nói: “Niệm Phật thật là tốt! Đức Phật A Di Đà tốt quá!” Người con gái của bà cũng không biết vì sao đang lạy Phật tại pháp hội Hoa Liên lại bỗng nhiên khẩn cấp gọi điện thoại về nhà. Cô chỉ có thể nói”cảm ứng do Phật đạo thì khó nghĩ bàn!” Trong tâm chúng ta quả thật đã đặt ở việc hóa độ chúng sanh, ở việc niệm Phật, thì các sự việc của mình quả thực không cần phải quan tâm lo lắng, đức Phật A Di Đà sẽ chăm lo mọi thứ (cố điều điều) cho chúng ta! Bà cụ đã tám mươi hai tuổi, hằng ngày bà vẫn có thể nấu nướng những thức ăn rất ngon, cúng dường những người có duyên đến nhà bà. Bà rất nhiệt tâm chu toàn mọi công việc. Bà đã tám mươi hai tuổi mà vẫn không tiếc khổ nhọc, tự mình lo liệu, và bảo mọi người làm các phần việc lặt vặt. Con gái bà nói với bà: “Mẹ cứu núi cứu biển, bảo hộ trái đất, công đức thật là to lớn”. Bà cụ tươi cười nói: “Các người cứ một mực khen ta khiến ta cứ phải làm việc mãi không biết mệt”. Một số người vẻ bề ngoài rất bình thường, mà trong lòng thì có sự tu dưỡng và công phu khác thường. Một số người buông bỏ không được, nên cần phải so đo tính toán. Bà cụ thì buông bỏ được, nên có thể nhường người khác. Một số người cảm thấy khổ sở, bà cụ thì rất bình tĩnh tự tại. Một số người ưa tranh giành, hy vọng tranh giành được phần thắng lợi. Thật ra, xét kỹ lại, người tranh lợi chẳng hề được cái gì ngoài việc gặp nhân quả không tốt và sự khổ đau trong tương lai. Quả là không được gì cả! Xem ra, người khù khờ nhường nhịn kẻ khác, thua thiệt kẻ khác, thì quả thật không mất mát gì. Ngược lại, người ấy với cái tâm tự tại, rộng rãi, cùng an vui với từ bi của Phật tính. Tôi thường nhận thấy rằng, dùng thủ đoạn không tốt để tranh thủ thắng lợi nhất thời thì thường phải chịu thua thiệt lớn trên Phật đạo. Con người có thể chịu thua thiệt lớn thì thường chiếm được sự thuận tiện lớn trên Phật đạo. Vì người ấy đã thấy rõ được cái trí tuệ buông bỏ, mở rộng tâm lượng của mình. Phước báo của người ấy là vô hạn. Thực ra, hàng phàm phu có tâm hay biến đổi thì không dễ gì bỏ được phẫn hận, không bằng lấy tinh thần ấy mà niệm Phật, niệm đức Phật vĩnh viễn có tâm không biến đổi. Nếu đem cái sức tương tranh cùng phàm phu mà cúng dường đức Phật, vĩnh viễn có tâm không biến đổi thì so với kết quả cả một đời cách xa như một trời một vực. Không chỉ là một trời một vực mà khác biệt giữa địa ngục và thế giới Cực Lạc. Thế thì phải chọn cái gì? Thử xem trí tuệ của chúng ta! Có lần, một bà nọ nhân vì chồng có bạn gái mới, bà cảm thấy mất chồng rất bi ai, thương tâm. Mỗi ngày bà đều khóc than, kể lể, hy vọng chồng có thể trở về với mình. Bà cảm thấy chồng bà đóng một vai trò”không có thì không được”, mất chồng, bà cảm thấy sống không nổi, lại cảm thấy bị mất mặt. Bà khóc hàng cả mấy năm vẫn còn khóc. Thực ra phải chăng bị chồng bỏ thì phải khóc thống khổ suốt đời? Một hôm tôi nói với bà: “Các vị sư phụ xuất gia của chúng ta đều không có chồng mà cũng đều có thể sống rất tốt đẹp! Cũng như bà cụ đã nhường chồng cho kẻ khác, tự mình thanh tịnh niệm Phật, cũng đã có thể sống rất an lạc, rất tự tại. Trên thế giới không hề có ai qui định rằng hễ gặp trắc trở hôn nhân thì phải thống khổ mới được!” Cùng gặp cảnh ngộ như nhau, nhưng bà cụ thì rất vui vẻ niệm Phật, lòng không oán hận, lại có thể hoàn tất các thứ công đức. Vì sao cũng cùng một cảnh ngộ, chúng ta lại oán hận, lại trách mắng, lại khóc than cả đời chứ? Bà cụ dùng tâm bình tĩnh an vui ngay đó mà trồng nhân an vui, về sau tất nhiên sẽ được quả yên vui. Còn người oán hận, khóc than, trách mắng thì ngay đó phải thống khổ, lại trồng nhân thống khổ, về sau sẽ gặp quả khổ. Bạn muốn chọn loại nào? Tranh một tiếng thì đọa địa ngục Không bằng niệm Phật thưởng hoa. Nghe nói, bà vợ bé kia trở thành người sống như thực vật phải chịu khốn khổ mười mấy năm trên giường bệnh. Nhưng nhờ người con hiếu, bà cụ và người dâu, bà đang bệnh cũng có vẻ như biết được cần sám hối niệm Phật. Khi bà mới ngã bệnh, người con trai của bà cụ kiên quyết đảm nhận khoản chi phí lớn lao về thuốc men, cũng không vì bà là vợ bé của cha mà đối đãi không tốt với bà. Về sau có một vị cao tăng sau khi nhìn thấy bà, bảo bà sám hối, tu hành, niệm Phật trong lúc bệnh thì sau sẽ được thành tựu. Ngày tháng trôi qua trong suốt hơn mười năm trên giường bệnh, cuối cùng bà cũng vãng sanh. Con hiếu, dâu hiếu trợ niệm cho bà, niệm A Di Đà Phật. Nguyện lực đại bi của đức Phật A Di Đà thật không thể nghĩ bàn. Ở cuối đường đời bà cũng nở nụ cười bình an, sắc mặt, nước da như hồi còn trẻ cách đó hai mươi năm khiến người ta nhận bà không ra, không dám tin! Biết rằng bà vãng sanh, bà cụ vẫn từ bi như xưa, bảo con gái mình đến niệm Phật cho bà và an ủi con trai bà. Đặc biệt nhất là phía gia đình bà cụ lại đại diện cho gia đình bà vợ bé trong tang lễ, bước ra cảm tạ bà con bạn bè. Thật là quý báu hiếm có, không hiềm, không hận, tất cả đều hòa hợp an lành! Sự từ bi bao dung này chẳng hề thiệt thòi gì, chẳng mất mát gì! Trái lại, trong lòng mọi người tuôn trào những lời khen ngợi nồng nhiệt. Chư Phật Bồ Tát tất nhiên cũng tươi cười xưng tán họ: “Bồ Tát bố thí, nghĩ đến kẻ oán người thân như nhau, không nghĩ tới điều ác cũ, không oán ghét người.” Riêng bà cụ, bà dùng tâm từ bi viết một bài thơ rất hay: “Tất cả kẻ oán người thân cũng sinh Cực Lạc”; cũng thể hội lòng bi hoài vô tư, triệt để của đức Phật A Di Đà. Trên cõi đời xấu ác, ngũ trọc đầy ngập đấu tranh, bà đã thực hiện trọn vẹn đại nguyện của Đức Từ phụ. Bà để lại một bài thơ thanh tịnh Cực Lạc để cảnh tỉnh lòng người mê muội. Cho dù bạn mặt xanh nanh trắng bao nhiêu. Cuối cùng cũng không tránh khỏi Nét từ bi, nụ cười của Đức Phật A Di Đà Cho dù bạn có ác độc ngập tràn bao nhiêu Cuối cùng cũng không tránh khỏi Tấm lòng đại bi cứu độ của Đức Phật A Di Đà. Trích Liên Hoa Hóa Sanh Pháp sư Đạo Chứng Dịch Giả: Trần Tuấn Mẫn