Lý giải những câu chuyện li kì về những “hòn đá oán hờn” ở hai ngôi cổ tự linh thiêng

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Ở Bình Định, dân gian còn lưu truyền 2 hòn đá được gọi với tên "hòn đá chém" hay "hòn đá oán hờn". Hai hòn đá này được cho là nơi quan lính nhà Nguyễn dùng kê đầu người xử trảm khi tàn sát nhà Tây Sơn. Xoay quanh hai hòn đá này là những câu chuyện li kì.

    Thớt đá chém người

    Khi trả thù nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã dùng tới những hình phạt dã man, tàn khốc. Những người có họ hàng hay từng theo giúp nhà Tây Sơn đều bị đưa ra xét xử. Hơn 200 năm đã trôi qua cùng với bao biến động của thời cuộc nhưng hai hòn đá từng được cho là làm thớt chém người thì vẫn còn đó như một chứng nhân của lịch sử.

    Hòn đá chém thứ nhất hiện đang nằm tại chùa Thập Tháp, ngôi cổ tự nổi tiếng nhất xứ Bình Định. Ngôi chùa nằm ở phía Bắc thành Đồ Bàn, nay thuộc địa phận thôn Vạn Thuận (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).

    Hòn đá này nằm chơ vơ giữa chùa, được cho là “than khóc suốt 200 năm qua” đã trở thành bí ẩn luôn thôi thúc trí tò mò của tất cả mọi người. Đã từng có không ít cuộc khảo sát, nghiên cứu nhưng xem ra vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng cho những nghi vấn đặt ra. Trong khi đó, dân gian lại lưu truyền nhiều câu chuyện nửa thực nửa hư đẫm chất kì bí khiến bất cứ ai nghe qua cũng phải sửng sốt.

    [​IMG]
    Hòn đá chém ở chùa Thập Pháp được dùng làm bậc tam cấp

    Theo lời kể của người dân, xưa kia, vùng đất An Nhơn vốn là kinh đô của vương quốc Chiêm Thành. Khi vương quốc Chiêm Thành bại vong, nhà Tây Sơn dựng thành Hoàng Đế trên nền thành xưa. Thế rồi cách đây hơn 200 năm, Nguyễn Ánh đánh bại anh em Nguyễn Huệ, chiếm được thành Hoàng Đế và mở cuộc trả thù tàn khốc từ Bắc chí Nam, thành Hoàng Đế cũng là một trong số những nơi máu đổ đầu rơi nhiều nhất.

    Truyền thuyết kể rằng, lúc ấy, Nguyễn Ánh chiêu dụ những người trong hoàng tộc nhà Tây Sơn ra đầu thú với lời hứa sẽ không trả thù, ai bị trọng tội thì hình phạt cao nhất là đày vào miền Nam khai khẩn đất mới, ai có tài sẽ được trọng dụng. Để tránh phải sống chui sống lủi, rất đông người có quan hệ dòng tộc và những bề tôi nhà Tây Sơn đã ra trình diện. Số lượng người lên đến hàng trăm hàng ngàn.

    Thế nhưng sau đó, Nguyễn Ánh lại trở mặt nuốt lời, chẳng những không tha mà còn mang ra chém hết bất kể già trẻ lớn bé. Huyền tích truyền lại, đao phủ của Nguyễn Ánh kỳ công đi khắp nơi rồi tìm được một hòn đá lớn màu trắng mang về dùng để kê đầu xử tử các nạn nhân. Tảng đá ấy được đặt ngay cổng thành Hoàng Đế, đao phủ đưa nạn nhân lên đó mà chém. Hàng trăm kiếp người đã từ giã cõi đời trên hòn đá này.

    Sau khi đã tàn sát hàng ngàn người, quân lính được lệnh chuyển hòn đá ra khỏi cổng thành Hoàng Đế. Thế nhưng lạ thay, bao nhiêu quân lính cũng không thể nhích hòn đá ấy rời khỏi vũng máu của những người vô tội. Nhiều người cho rằng bao nỗi oan khuất, đau đớn của hàng ngàn người đã ám vào tảng đá kia khiến nó trở thành bất di bất dịch.

    Người ta còn kể lại rằng, hàng đêm nhiều người ở gần đó nghe thấy từ phía tảng đá vẳng ra tiếng than khóc ai oán. Ngay từ thời bấy giờ, thành Hoàng Đế ban ngày tấp nập xe ngựa nhưng đêm đến vắng không một bóng người ra vào.

    Ngay cả quan quân nhà Nguyễn cũng không ai dám đi ngang cổng thành. Dân cư trong vùng một phần vì khiếp sợ nhà Nguyễn, phần vì kinh hãi hòn đá chém mà lần lượt đi nơi khác sống.

    Thậm chí, dân gian còn thêu dệt rằng, đêm đêm, từ chỗ hòn đá lại lăn ra một chiếc đầu lâu đến đập vào cửa nhà từng viên quan đòi đền mạng. Quan lại sợ hãi, lập đàn cầu siêu giải oan cho những vong hồn uổng mạng nhưng vẫn không thể xua nổi âm khí. Binh lính từng nhiều lần dùng đến ngựa voi di chuyển nhưng hòn đá oan nghiệt vẫn không hề nhúc nhích. Hòn đá nằm trơ trơ trước cổng thành theo năm tháng, gieo rắc nỗi sợ hãi cho nhiều người.

    Cổ tự hóa giải oan khiên

    Những tưởng, nỗi oan khuất khó lòng hóa giải thì bỗng một ngày nọ một vị cao tăng đắc đạo xuất hiện. Đó chính là trụ trì chùa Thập Tháp, thiển sư Phước Huệ, một người nổi tiếng bác thông kinh luận. Biết được căn nguyên của mọi chuyện, vị thiển sư đến thành xin được lập đàn cầu siêu để giải nỗi oan khuất ngất trời, lấy lại sự yên bình cho người dân trong vùng.

    Sau 3 ngày đêm lập đàn tràng, sư Phước Huệ thông báo chỉ hóa giải được một phần nỗi oan khiên và xin được mang hòn đá kia về chùa Thập Tháp. Nghe vậy, quan quân nhà Nguyễn mừng rỡ bởi đã trút được gánh nặng bấy lâu nay. Điều kì lạ, sau khi sư Phước Huệ lập đàn tụng kinh thì chỉ cần 4 người đã có thể khiêng hòn đá đi nhẹ tênh.

    [​IMG]
    Chùa Thập Tháp. Ảnh: Internet

    Nhà sư Mật Hạnh, người nhiều năm gắn bó với chùa Thập Tháp kể lại, hòn đá được mang về đặt cạnh cây thị cổ thụ 300 năm tuổi nằm phía Nam tường thành của nhà chùa và được đặt tên là “hòn đá chém”. Nhiều người đồn thổi, mặc dù đã về đến cửa Phật mà nỗi oan khiên trong hòn đá chém vẫn còn. Vào những đêm mưa gió, người ta thường thấy một phụ nữ mặc áo trắng, quần đen bước ra từ hòn đá chém. Khi chó trong chùa sủa thì bóng người phụ nữ kia biến mất.

    Về sau, hòn đá chém được chuyển vào để ngay bậc tam cấp trước khu Phương Trượng, sau lưng chánh điện của chùa để thường xuyên được nghe kinh kệ, giải tỏa những oan khiên. Theo nhà sư Mật Hạnh, cách đây vài chục năm, những đêm nhà chùa tổ chức cúng hành binh, hành khiển hàng năm vào lúc giao thừa trước Tết Nguyên đán, đến khi đổ 3 hồi trống chiêng là tự nhiên có một dải lụa trắng, tỏa ra ánh hào quang sáng rực xuất hiện bay lượn ngang chánh điện một lần rồi mất.

    Theo tìm hiểu, hòn đá chém cao khoảng 40cm, dài 1,5m, rộng 1,3m, 4 góc được đẽo 4 nét hoa văn đơn giản. Trải qua bao nhiêu thời gian, nhưng hòn đá vẫn giữ được màu trắng sáng tuyệt đẹp của loại đá trắng. Nếu không được kể về huyền tích của nó, thoạt trông không ai có thể ngờ trong hòn đá hiền hậu kia lại chứa biết bao nỗi oan khuất.

    Sau khi được hóa giải, hòn đá chém nay chỉ còn là một hòn đá bình dị, được dùng làm một bậc tam cấp, đưa chân khách vào thăm chùa. Được biết, chùa Thập Tháp là một trong 5 ngôi chùa của tỉnh Bình Định được chép vào sách Đại Nam Nhất Thống Chí với lời đánh giá: “Chùa này cùng chùa Linh Phong đều nổi tiếng là danh thắng”. Nét tôn nghiêm cổ kính cùng với hòn đá chém làm ngôi cổ tự này trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách khi đến Bình Định.

    Trăm năm chưa dứt oán hờn

    Hòn đá chém thứ 2 thường được gọi là hòn đá oán hờn, nằm tại chùa Hương Quang (thôn Bến Đức, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn). Ngôi chùa nằm ẩn mình bên ngôi làng nhỏ, mặt hướng ra cánh đồng rộng mênh mông, yên tĩnh. Bất cứ ai đến chùa đều dễ dàng nhìn thấy hòn đá oán hờn, bởi nó được đặt giữa hồ nước nhân tạo nằm ngay trước chùa. Quanh đó là hòn giả sơn, cây cảnh bài trí hài hòa tạo nên khung cảnh chốn Phật môn.

    Hòn đá oán hờn trông khá vuông vức, dài và rộng khoảng 0,6m, cao khoảng 0,5m. Nhìn hòn đá bề ngoài hết sức bình thường ít ai có thể ngờ rằng nó mang trên mình những câu chuyện li kì nửa thực nửa hư, đau thương và oan khuất, vừa kì dị vừa rùng rợn mà chẳng thể lý giải. Tất nhiên, hòn đá ban đầu cũng chỉ là vật vô tri vô giác, về sau có bàn tay con người tác động vào mới sinh ra “oán hờn” đến nỗi hàng trăm năm vẫn chưa nguôi.

    Sư thầy Thích Hồng Phương (Trụ trì chùa Hương Quang) kể cho chúng tôi nghe về những chuyện xưa tích cũ mà thầy đã được nghe. Truyền rằng, xưa kìa quân lính nhà Nguyễn khi trả thù nhà Tây Sơn đã dùng đến hòn đá tại chùa để kê đầu người. Tuy không được to lớn như hòn đá ở chùa Thập Tháp nhưng hòn đá này khi ở pháp trường cũng “chứng kiến bao cảnh máu chảy đầu rơi.

    Ban đầu, quân lính nhà Nguyễn lên núi tìm đào không phải 1 mà là nhiều hòn đá lớn, đem về tạc cho vuông vức, mang ra đặt ở pháp trường. Các nạn nhân lần lượt bị giải đến, ghì đầu xuống hòn đá sau đó bị hành hình. Trong số đó, rất nhiều người vô tội phải chết oan uổng, khắc sâu sự căm hờn thấm sâu vào đá. Khi việc trả thù kết thúc, hòn đá vô tri vô giác kia đã bị nỗi oán hờn “bao bọc” tầng tầng lớp lớp.

    Sau khi không còn được sử dụng nữa, những hòn thạch trảm bị vứt bỏ. Qua bao cuộc đổi đời, chỉ còn lại một hòn đá nằm trơ trọi tại làng Ngãi Chánh (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn). Thời gian cũng làm cho những câu chuyện một thời có thật trở nên li kì, huyền hoặc và chẳng mấy ai chú ý đến hòn đá thô cộc nằm cạnh con đường làng. Thế rồi cách đây 30 năm, một câu chuyện kì lạ nhuốm màu huyền bí xảy ra nhắc nhớ về chuyện xưa tích cũ.

    Năm đó, làng Ngãi Chánh có thầy phù thủy pháp thuật cao cường, am hiểu bùa ngải. Biết được hòn đá trên gò làng đầy âm khí tạo nên bởi hàng ngàn oan hồn nên ông này toan tính thu phục để xây dựng nên cái gọi là đội quân âm binh. Dẫu biết rằng nếu mạo phạm hòn đá thì may ít rủi nhiều, nhưng vì tham vọng quá lớn nên thầy pháp vẫn bất chấp nguy hiểm rinh hòn đá về nhà.

    Thế nhưng ông thầy pháp đưa hòn đá về chưa quá một ngày thì tai họa đã giáng xuống. Đang yên đang lành ông này hộc máu lăn ra chết bất đắc kì tử, chấm dứt cuộc đời pháp sư. Chuyện ông thầy pháp cao tay chết đột ngột khi vừa đưa hòn đá về khiến mọi người hoảng hốt. Người nhà thầy pháp mơ hồ nhận ra nguyên nhân nằm ở tảng đá nên vội khiêng trả về chỗ cũ, đồng thời nhang khói, khấn vái cầu xin tha tội cho gia đình, người thân.

    Tưởng rằng ai làm nấy chịu, ông thầy pháp cả gan mạo phạm đá thiêng thì chỉ ông ta phải đền tội, tuy nhiên không phải vậy. Sau khi ông thầy pháp mất đi, dân làng Ngãi Chánh còn phải hứng chịu một chuỗi tai họa xảy ra liên tiếp. Đó là những đứa trẻ chăn trâu, dù là vô tình hay cố ý mà đã ngồi lên hòn đá cũng đều phải chịu cảnh bất đắc kì tử.

    Ban đầu, thấy con trẻ cảm sốt rồi chết đột tử, người lớn cứ nghĩ là do bệnh tật. Sau này xâu chuỗi lại mới thấy rằng những đứa trẻ yểu mệnh đều do đặt mông lên hòn đá. Rút được quy luật ấy, dân làng lo lắng, nhiều người không dám tới gần hòn đá. Trẻ con được dặn dò không được ngồi lên hòn đá, tuy nhiên hòn đá cạnh đường làng, bề mặt bằng phẳng nên vô tình trở thành ghế ngồi và tai họa vẫn cứ xảy ra.

    Cách đây 8 năm, sư Hồng Phương về Nhơn Hậu để viếng chùa thì nghe nhắc đến “hòn đá oán hờn” ở làng Ngãi Chánh. Trong các trụ trì quanh vùng, sư Hồng Phương được đánh giá là người tài giỏi, học rộng biết nhiều. Chính vì vậy, nhiều người đã cầu xin sư Hồng Phương nghiên cứu về hòn đá và những câu chuyện ma mị, huyền hoặc về hòn đá đó. Nếu quả thật là do hòn đá gây ra thì phải tìm cách khắc chế, tiêu trừ để hóa giải kiếp nạn cho dân làng.

    Khi vừa nhìn thấy hòn đá, sư Hồng Phương nhận thấy, hòn đá âm khí quá nặng, bên trong vật tưởng chừng vô tri vô giác đó là hàng ngàn oan hồn chờ chực đi hại người. Thầy Hồng Phương dù am hiểu tâm linh nhưng không hấp tấp phán bừa mà trở về để nghiên cứu kĩ lưỡng

    Thu phục thạch linh

    Sau thời gian dài tìm hiểu, đầu năm 2008, sư Thích Hồng Phương thông báo mình sẽ chứng minh hòn đá tại làng Ngãi Chánh là thạch linh, tức đá thiêng. Tin này một lần nữa khiến vùng quê rúng động xôn xao, nhiều người mừng rỡ vì thầy Hồng Phương đã chịu ra tay cứu giúp. Tuy nhiên, một số người lại lo sợ bởi từng có thầy pháp chết bất đắc kì tử vì muốn thu phục hòn đá.

    Sư thầy Hồng Phương kể: “Mỗi năm hòn đá xuất hiện linh khí một lần, là đêm ngày 9/2 Âm lịch, một trong số các ngày vọng nguyệt (từ mồng 8 đến 15 Âm lịch hàng tháng – PV). Đêm đó, tôi cùng các vị sư trong vùng đến trước hòn đá quan sát tìm hiểu, đông đảo người dân trong vùng đến chứng kiến. Thời khắc linh khí xuất hiện, tôi thông báo cho mọi người đến trực tiếp thử để kiểm tra”.

    Theo sư Hồng Phương, năng lượng âm trong hòn đá chỉ dồn vào một điểm nhỏ mà khi dùng tay sờ vào có thể cảm nhận được. Sau khi nhà sư xác định được vị trí phát ra linh khí, tức là điểm giữa của mặt trên hòn đá, nhiều người mạnh dạn đến kiểm tra. Điều kì lạ xảy ra, bất cứ ai chạm tay vào hòn đá đều giống như chạm vào nguồn điện, người co giật, đầu dựng tóc, khiếp hãi không nói được lời nào.

    Chẳng phải một hay hai trường hợp mà tất cả mọi người sờ hòn đá đều gặp hiện tượng tương tự. Chỉ có điều, tùy theo thể trạng, giới tính mà mỗi người bị “điện giật”có mỗi kiểu cảm nhận khác nhau. Bà Lê Thị Thả (SN 1947, thôn Bến Đức, xã Tây Vinh) là một trong những người bị “điện giật” kể lại: “Ban đầu tôi không tin, nghĩ là thầy Hồng Phương nói chơi. Nhưng khi tôi đến chạm vào hòn đá thì đầu ngón tay tôi như bị hít vào, tê điếng người như khi bị điện giật. Tôi vội vã co tay, lùi lại, chẳng dám thử lần nào nữa…”.

    Sau đó vài giờ, thời điểm xuất hiện linh khí đã qua, mọi người ùa vào sờ thử thì quả nhiên không còn ai bị giật như trước nữa. Sau đó không lâu, sư Hồng Phương chọn ngày lành tháng tốt rồi nhờ một nhóm thợ đi đưa hòn đá về chùa. Thế nhưng khi sư Hồng Phương vắng mặt, việc thỉnh đá cũng gặp phải muôn vàn khó khăn. Hòn đá nặng chưa tới một tấn nhưng đang cẩu lên xe thì dây cáp bị đứt. Nối dây cáp xong thì xe cẩu bị chết máy, sửa mãi chẳng xong. Nhóm người vận chuyển nghe lời dân làng thắp hương khấn vái thì mới vận chuyển được.

    Thiết nghĩ, truyền thuyết về hai hòn đá chém đã có phần được dân gian thêu dệt, thêm thắt cho thêm phần ly kỳ, huyền bí. Những câu chuyện đó có tính chất huyền thoại nhiều hơn căn cứ xác thực. Có một điều chắc chắn, hai hòn đá chém đã trở thành những cổ vật gắn liền với những cổ tự ở Bình Định.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người