Ly kỳ nữ “Thần đèn” phá lời đồn chạm long mạch ở ngôi chùa thiêng

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Sau khi chồng đột ngột qua đời, bà Mè quyết định học nghề dời nhà và liều lĩnh bắt tay vào công trình dời chùa Vạn Linh mà chồng đang thực hiện dang dở trước đó.
    Những ngày đầu vô vàn khó khăn, trong đó có nhiều kẻ ganh tị mạo danh Phật tử điện thoại đến “khủng bố” tâm lí, đe dọa bà nếu tiếp tục xoay chùa sẽ phải hứng chịu kết cục bi thảm giống như chồng...

    Lời đồn ác nghiệt
    Khi hỏi về ngôi chùa Vạn Linh trên núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang, sư trụ trì Thượng tọa Thích Hoằng Tri cho biết. “Chùa mang nhiều dấu ấn của thời khai sơn phá thạch. Vị trụ trì đầu tiên là hòa thượng Thích Thiện Quang đến dựng ngôi chòi lá, nên chùa có tên cũ là chùa Lá. Sư Thích Thiện Quang sử dụng ngôi chùa vào việc chuyên tu và chữa bệnh cho dân nghèo. Năm 1941, nhà sư cho khởi công trùng tu ngôi chánh điện khang trang hơn, đến 1943 thì hoàn thành, đặt tên là chùa Vạn Linh. Chùa Vạn Linh tọa lạc ở độ cao 535m trên núi Cấm, một địa danh vốn rất linh thiêng vùng Bảy Núi và trở thành nơi đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây.

    [​IMG]
    Chùa Vạn Linh núi Cẩm được người dân vô cùng ngưỡng vọng.
    Ảnh: K.T.

    Đầu năm 2011, với mong muốn mở rộng không gian xây cất công trình mới, nhà chùa đã mời “thần đèn” Tư Lũy đến nhận hợp đồng di dời chùa Vạn Linh. Ròng rã hơn một tháng trời sau khi tiếp nhận công trình, Tư Lũy và các công nhân phải tiến hành gia cố đà chắc chắn, trước khi bắt đầu việc quay chùa theo kế hoạch. Ông từng dự tính sẽ hoàn thành công trình đồ sộ này trong 2 tháng, cộng thêm 15 ngày phòng thời tiết xấu. Thế nhưng, khi công trình còn đang dang dở, “thần đèn” nổi tiếng này đột ngột qua đời. Việc di dời chùa Vạn Linh, bởi thế cũng bị chững lại.

    Điều đáng nói sau cái chết bất ngờ của “đệ nhất thần đèn” miền Tây, hàng loạt lời đồn thổi, bàn tán mang màu sắc mê tín đã xuất hiện. Nhiều người nghi ngại Tư Lũy đã động vào long mạch ngàn năm mới bị “oán” như thế. Tiếng đồn bắt đầu từ những người dân sống trên núi, sau đó lan tỏa đến người đi lễ Phật và nhanh chóng phát tán khắp miền Tây. Thậm chí cho đến tận bây giờ, tức hai năm đã trôi qua, nhiều người sống dưới chân núi Cấm vẫn còn nhớ như in về cái chết gây xôn xao của “đệ nhất thần đèn”.

    Chị Nguyễn Thị Thu Ngân (34 tuổi), người bán gạo dưới chân chùa Vạn Linh nhớ lại: “Những ngày đầu nghe tin ông Tư Lũy chết, dân thập phương hành hương về đây rất đông. Người ta tò mò xem nguyên nhân vì sao ông ấy đột tử khi đương hồi trai tráng như vậy”. Còn ông Hồ Văn Tam (51 tuổi), làm nghề xe ôm đã 12 năm trên núi Cấm thì kể lại rằng: “Hồi ông Tư Lũy lên xoay chùa Vạn Linh (tháng 1/2011) rồi đột ngột chết không lâu sau đó, người dân khắp vùng hết thảy đều xôn xao. Họ bảo, chùa chiền đã như thế cả trăm nay nay rồi thì cứ để “tại vị” nơi đó đi, tại sao phải xê dịch, xoay ngang, quay dọc làm chi. Người ta bảo chùa Vạn Linh có long mạch, thiêng lắm ai động vào thì mất mạng”. Những tin đồn nhuốm màu kỳ bí như thế cứ lan nhanh rồi “tam sao thất bản” khắp nơi.

    Thượng tọa Thích Hoằng Tri cho biết thêm: “Sau khi ông Tư Lũy mất, công trình di dời chùa Vạn Linh bị bỏ dở. Các Phật tử lên núi hành hương có hỏi thăm, Ban trị sự chùa cũng giải thích và cho họ biết nguồn sự. Thế nhưng, không hiểu tại sao một số Phật tử lại đồn thổi, thêu dệt nên câu chuyện “ma mị” về cái chết của ông Tư Lũy. Nhiều người còn hỏi tôi có phải ông Tư đã chạm vào long mạch trong lúc chuyển chùa nên mới bị “quở” như vậy không. Đến sau này, khi vợ ông Tư Lũy bắt tay làm lại, rất nhiều người vẫn phản đối, không cho bà tiếp tục thay chồng di dời chùa nữa. Họ lo sợ, nếu làm tiếp thì sẽ động... long mạch”.


    Gian nan xoay công trình nghìn tấn
    Theo kế hoạch thừa kế lại từ người chồng đã khuất, nữ “thần đèn” và ê-kip làm việc sẽ kéo chùa Vạn Linh đến vị trí mới cách chỗ cũ hơn 20m. Ngoài ra, mặt trước của ngôi chính điện này phải quay 90 độ. Trong khi đó, khối lượng của ngôi chùa được ước tính nặng trên 1.500 tấn. Theo nhận định của bà Mè, thì đây là công trình lớn nhất của chồng mình từ trước tới nay, lớn hơn cả tượng đài Mỹ Tho (Tiền Giang) mà Tư Lũy từng di dời thành công. Việc thực hiện bình thường cũng đã cực kỳ khó khăn, bởi bà mới vào nghề, chưa rành rọt hết các khâu di dời. Thêm vào đó, do đã bị bỏ dở suốt hai tháng, nên các công đoạn chuẩn bị cũng phải thực hiện lại. Mệt mỏi vì áp lực và khối lượng công việc khổng lồ, lại phải hứng chịu luồng dư luận trái chiều từ các Phật tử, bà Mè nhiều lần suy sụp đến nỗi khuỵu xuống ngay trên công trường làm việc.

    [​IMG]
    Nữ thần đèn đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Đ.V

    Khoảng thời gian đó, ngày nào bà cũng phải nhận hàng trăm cuộc điện thoại nặc danh xưng Phật tử của chùa gọi đến can ngăn. “Người ta nói, chồng tôi chết là điềm báo cho sự lụn bại nghề dời nhà của gia đình. Nhưng giữa lúc tôi nhụt chí, chính các nhà sư chùa Vạn Linh đã động viên, trấn an tôi yên lòng tiếp tục công việc theo kế hoạch. Tôi còn nhớ sư trụ trì bảo: “Mọi việc đã có số nghiệp an bài, Phật không trách cũng không quở ai cả”. Nghe lời dạy như khai mở tinh thần, tôi hiểu mình phải bằng mọi cách thực hiện thành công công trình để vãn hồi tâm huyết và danh tiếng cho chồng”, bà Mè tâm sự.

    Nghĩ là làm, bà vừa làm vừa học hỏi và chỉ đạo anh em gia cố lại chắc chắn giàn móng ngôi chánh điện. Tất cả dụng cụ cần thiết như con đội, con lăn, ván trượt… được ê-kíp thợ di dời kê, nâng ngôi chùa lên khoảng hai tấc, chuẩn bị kéo. Ngày 1/6/2011 Âm lịch, ê-kip làm việc của bà Mè bắt đầu tiến hành kéo và xoay chùa Vạn Linh. Điều đáng nói là ngay trong thời khắc quan trọng này, bà Mè lại tiếp tục nhận được cuộc gọi từ một Phật tử nặc danh. Người đàn ông này trước đe dọa, sau lại mách nước cho nữ “thần đèn” nên mua gà cắt tiết để cúng thổ địa thì xoay mới thành công. Nghe xong, bà Mè lập tức từ chối vì bà và đoàn nhân công vốn ăn chay từ nhỏ nên không thể phạm những điều kiêng kỵ. “Tôi nghĩ đó chắc là chiêu trò của những thầy bùa ganh tị, muốn hại người mà thôi”, nữ “thần đèn” nhớ lại.

    Những ngày kéo và xoay chùa, rất nhiều các tăng ni, phật tử lên chùa Vạn Linh khấn bái, cầu thỉnh Đức Phật cho bà Mè và ê-kip thành công. Chứng kiến cảnh kéo chùa, nhiều người lắc đầu lo ngại bởi việc đào lũy và đóng nọc cột dây cáp hậu cho palăng (dây xích - PV) trên núi vô cùng khó khăn. Giữa cái nắng oi bức, những người thợ hì hục làm việc, những trụ cọc chống lún công nhân đóng đến bong da tay cũng chỉ nhích được vài cm.

    Thấy công trình đồ sộ, thi công quá khó, sư trụ trì chùa còn hỗ trợ tám Phật tử và hai palăng giúp đội thi công. Bà Mè nhớ lại: “Đặt tới tám palăng với 36 nhân công mà trong sáu ngày đầu, chúng tôi chỉ nhích ngôi chùa đi được chừng 8m và quay một góc với đường cung chừng 3m. Khi trải qua giai đoạn khó khăn nhất, chúng tôi vẫn duy trì cách làm cẩn trọng, chuyển dịch, xoay độ chùa từng chút một”. Cuối cùng, việc di dời công trình cũng hoàn thiện đúng vào ngày 15/7/2011 (âm lịch), nhằm ngày Lễ Vu Lan. Mọi chuyện thành công hơn cả mong đợi, những tin đồn đoán chạm long mạch từ đó cũng hoàn toàn tan biến.

    RÒNG RÃ 3 THÁNG KHÔNG XUỐNG NÚI
    Bà Mè kể lúc dời chùa Vạn Linh, do sự phản ánh có phần thái quá của những người nặc danh nên tất cả mọi người đều ăn chay cho giảm nhẹ “kiếp nạn”, bất kỳ ai muốn ăn mặn thì phải xuống chân núi, ở đó có ê-kip cấp dưỡng riêng phục vụ. Về phần mình, mỗi ngày bà Mè chỉ ăn một bữa chay vào giờ ngọ (12h trưa). Ròng rã suốt ba tháng như thế, bà Mè không hề xuống núi cho tới ngày công trình hoàn thành.
    Đăng Văn
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người