Từ Hà Nội theo đường 1 rồi rẽ hướng Phả Lại, đến Sao Đỏ rẽ trái chỉ đi thêm vài kilomet nữa là đến Côn Sơn. Quần thể di tích này có địa thế vô cùng đẹp và kỳ bí khi mang trong mình cả 4 ngọn núi theo hình dáng tứ linh: núi Phượng Hoàng, núi Lân, núi Long và núi Quy. Uống nước giếng Ngọc ở Côn Sơn Chùa Côn Sơn nằm trên núi Lân, nơi này gắn với tên tuổi của Trần Nguyên Đán, danh nhân Nguyễn Trãi và Đệ tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang đã tu hành và hóa tại đây. Côn Sơn thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương chỉ cách Hà Nội gần 2 tiếng đồng hồ xe chạy. Nơi này, cách đây gần 700 năm, Đệ nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm, nhà sư Pháp Loa đã cho xây dựng một chùa nhỏ lấy tên Kỳ Lân. Sau khi chùa được xây dựng mở rộng lấy tên Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự được giao cho Đệ tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang trụ trì. Di tích Côn Sơn là cả một quần thể gồm các dãy núi, lại có cả suối Côn Sơn chảy xuống hồ Côn Sơn, trên đỉnh núi có bàn cờ tiên tương truyền xưa kia Nguyễn Trãi từng ngồi đây chơi cờ. Dãy núi này liên hoàn cùng một “cánh cung” với Yên Tử. Bước chân vào Côn Sơn, theo con đường men suối cạn để lên Đền thờ Nguyễn Trãi, cạnh đó là cây cầu đá đồ sộ, từ mấy năm nay, suối Côn Sơn huyền thoại bỗng dưng cạn nước, mất cả đặc sản cua suối đá nổi tiếng ở đây. Xưa kia, Trần Nguyên Đán đã đưa vợ và cả cháu Nguyễn Trãi về đây sinh sống. Ông trồng rừng thông và bãi giễ vẫn còn đến ngày nay. Tất cả các ngọn núi nơi này đều bạt ngàn thông, hiện nay đang được khai thác nhựa. Lá thông rụng xuống, sau những cơn mưa khi nắng hửng lên vài ngày, người dân nơi đây lại lên núi hái nấm thông. Thứ nấm màu vàng như nhựa thông, xào có mùi thơm đặc trưng của nhựa thông và ngon vô cùng mà Đông y gọi đó là Thổ phục linh. Sang đến chùa Côn Sơn, ngôi chùa ẩn mình dưới tán cây cổ thụ. Lễ hội chùa Côn Sơn được tổ chức từ mùng 10 đến hết tháng Giêng âm lịch. Riêng năm 2015, hội lại bắt đầu từ ngày 14 đến 23 tháng Giêng là ngày kỵ Đệ tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang. Ngay sau chùa là vườn mộ tháp và có ngôi Đăng Minh Bảo Tháp cất giữ xá lỵ và đặt tượng nhà sư Huyền Quang. Tấm bia đá bên phải cổng vào có 3 chữ “Thanh Hư động”, bút tích của vua Trần Duệ Tông. Bên trái là tấm bia Côn Sơn Thiên Phúc tự, cách đây đúng 50 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và đọc các tấm bia ở chùa Côn Sơn. Sau những phần “lễ” ở di tích Côn Sơn, lúc này chí tang bồng mới thỏa khi được leo núi giữa rừng thông reo vi vút. Mùa xuân, rừng thông đang nhú mầm non như những cây nến màu sáng trên nền lá thông xanh thẫm. Trên con đường lên đỉnh Bàn Cờ, sẽ đi qua giếng Ngọc, vì chùa Côn Sơn nằm trên núi Kỳ Lân, tương truyền giếng Ngọc chính là con mắt của Kỳ Lân. Kỳ lạ nhất là giếng nằm ở lưng chừng núi nhưng quanh năm có nước trong vắt và ngọt lịm. Dừng chân, uống chén nước giếng Ngọc, cảm giác thanh mát chạy khắp cơ thể. Khẽ dấp chút nước lên mặt cho da dẻ hồng hào, sảng khoái để lại tiếp tục con đường lên núi cao, nơi mà tiền nhân hàng ngày lên tận đó chỉ để đánh cờ. Rồi khi xuống núi, lại thưởng thức một thứ đặc sản ở nơi này, nhộng ve và nhấp chén trà pha từ nước giếng Ngọc để hẹn ngày trở lại Côn Sơn.