Người xưa hay nói “cái miệng hại cái thân” thật chẳng sai. Vì những lý do sau đây, hãy bớt bớt miệng lại, nói ít thôi, bằng một nửa bình thường. Giao tiếp ứng xử là một hoạt động thường ngày của mỗi chúng ta, thế nhưng không phải cứ thực hiện nhiều là bạn đã “thành thạo”. Trên thực tế, có nhiều nguyên tắc giao tiếp ứng xử bạn không hề biết, và chính sự không biết này vô tình làm cho bạn mắc lỗi trong quá trình giao tiếp thường nhật. Vài nguyên tắc sau sẽ giúp bạn có những kỹ năng cần thiết để giao tiếp ứng xử tốt hơn trong cuộc sống hàng ngày: Nói nhiều thành ra nói nhảm Trong những cuộc trò chuyện hàng ngày, ai trong chúng ta cũng phải nghe những chuyện rất tào lao và tự mò mẫm để tìm ra thông tin thực sự quan trọng, như việc đãi cát tìm vàng vậy. Nếu bạn nói nhiều, hầu hết những chuyện bạn nói đều là “cát”, cho đến khi bạn nói điều quan trọng, mọi người thường khó nhận ra giá trị của điều đó. Cứ như vậy, tiếng nói của bạn dù nhiều nhưng lại chẳng có sức nặng. Bạn thích là người nói nhiều và nói nhảm không? Xưng hô Luôn tuân theo tuổi tác. Hễ người lớn tuổi hơn bạn, bạn phải gọi bằng anh, chị, chú bác, cô, dì…Nếu độ tuổi chênh lệch không ít, bạn có thể xưng tên. Trong công việc, tùy cấp bậc mà người làm chức vụ thấp hơn có thể gọi cấp trên là anh/chị. Tuyệt đối không nói chuyện nhát gừng, trống không, dù là với đối tượng nào vì điều đó thể hiện sự thiếu lịch sự, thô lỗ của người nói. Không xưng hô quá thân mật so với mối quan hệ. Hãy nói cho người khác hiểu Nếu bạn muốn nói gì cho người khác hiểu, hãy nói ngắn gọn và thẳng thắn vào vấn đề. Bạn càng vòng vo, giải thích dông dài thì càng khiến người nghe “lùng bùng” và chẳng hiểu bạn muốn nói gì. Dần dà, mọi người sẽ cảm thấy thật mất thì giờ để nghe bạn nói mà chẳng được giá trị gì, và bạn cũng khó mà thành công nếu bị xếp vào loại người đó. Tránh lối nói mỉa mai, “nói mát” Lối nói chỉ trích người khác một cách bóng gió, văn hoa, tưởng khen mà chê qua giọng điệu nguýt ngoáy luôn tạo ra ấn tượng cực xấu cho người nghe, và người nói cũng bị đánh giá không ít. Lối nỏi mỉa mai thể hiện bạn luôn có thái độ thù địch, kém vị tha và hay xét nét người khác. Ảnh minh họa Xem lại những bộ phim, hài kịch có nhân vật là các bà mẹ chồng với con dâu, bạn dễ bắt gặp lối nói này. Và bản thân bạn khi nghe điều đó cũng không cảm thấy thoải mái, đúng không? Bạn sẽ không được tin tưởng khi nói quá nhiều Ngay lần đầu tiên mọi người nghe bạn tiết lộ bí mật của ai đó hoặc nghiêm trọng hơn là bí mật của công ty, bạn sẽ chẳng bao giờ được tin tưởng để trao gửi một thông tin quan trọng gì nữa. Những người nói nhiều thường bị xem là thiếu tin cậy và kém trung thực hơn những kẻ ít nói và lầm lì, dù thực tế những người im ỉm mới thường là kẻ giấu bài trong tay áo. Nếu bạn thích “tám” và chuyện trò huyên thuyên mọi lúc mọi nơi, bạn có thể đang tự hủy hoại cơ hội thăng tiến cũng như sự chuyên nghiệp và tính riêng tư của mình. Người nói nhiều thường hay bị gắn mác vô duyên, một số bị quy đồng với mẫu người nịnh bợ xun xoe Nếu bạn là một diễn giả, nói nhiều quá mức cần thiết khiến mọi người chán nản vì bạn quá lê thê, đưa ý kiến cá nhân và những thứ vớ vẩn khác vào bài nói chuyện. Bạn có muốn tạo hình ảnh như thế về mình trong mắt mọi người không? Khen nhiều chê ít, tránh để lời nói làm hại đến bản thân Lời nói như gió thoảng nhưng trong nhiều trường hợp, ăn nói không khéo sẽ khiến người khác tổn thương và tệ hơn nữa, làm hại chính bản thân mình. Vì vậy bạn nên lựa cách khen người khác hơn việc suốt ngày chê họ. Nên nhớ, đừng khen một cách sáo rỗng, hay khen cho có, khen lấy lòng, không có gì cũng khen thì khiến đối tượng thấy phản cảm hơn là thiện cảm. Biết cách khen đúng hoàn cảnh, đúng đối tượng sẽ khiến họ cảm kích và tin tưởng bạn nhiều hơn. Càng nói nhiều, bạn càng dễ nói hớ Đôi khi bạn không lường được rằng những điều mình vô tình nói ra lại thật ngu ngốc, cho đến khi bạn lĩnh đủ hậu quả từ nó. Hãy nói ít thôi, để đỡ đặt mình vào những tình huống oái ăm. Theo Phụ Nữ Today