Ngắm ngôi chùa nơi địa đầu Tổ quốc

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Một ngôi chùa bề thế được xây dựng ngay sát biên giới, tọa lạc trên lưng chừng núi Phia Nhằm (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), mang tên Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, hứa hẹn là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình về nguồn của những du khách tìm về miền biên viễn địa đầu Đông Bắc này.

    [​IMG]

    Vùng đất huyền tích
    Đất này xưa được gọi là Trùng Khánh phủ, mảnh đất xa xôi cách trở, mà xã Đàm Thủy là xã cuối cùng của phủ Trùng Khánh. Vùng đất này xuất hiện khá sớm trong sử sách, từ thời nhà Lý (1010-1225) được gọi là Tư Lang, đến năm 1826 (năm Minh Mệnh thứ 7) gọi tên là phủ Trùng Khánh, sau Cách mạng tháng Tám 1945 được chính thức mang tên huyện Trùng Khánh.

    Từ TP. Cao Bằng vào tới vùng đất này phải vượt những ngọn đèo đã đi vào câu hát, lời thơ của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng: đèo Khau Liêu, đèo Mã Phục (ngựa cũng phải quỳ gối).
    Tích xưa kể lại rằng, giữa thế kỷ 11 có chàng trai người Tày tên là Nùng Chí Cao, con của một thủ lĩnh địa phương vốn rất thông minh và tài giỏi. Khi giặc phương Bắc kéo xuống xâm lược bờ cõi, Nùng Chí Cao đã lãnh đạo nhân dân đứng lên dẹp giặc cứu nước, trả lại sự bình yên cho nhân dân vùng biên Đông Bắc.

    [​IMG]
    Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các sư thỉnh chuông Thiên Bảo.

    Khi bờ cõi được yên ổn, trong lần cưỡi ngựa đi tuần tra biên giới phía Bắc trở về, Nùng Chí Cao băng qua một thung lũng rộng lớn, chàng đến giữa thung lũng thì ở phía những đỉnh núi xa xa có mấy nàng tiên đang vẫy gọi, nhưng chàng không dừng ngựa mà vẫn đi tiếp.

    Về đến địa phận thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng ngày nay, gặp con đèo cao quanh co, dốc đứng án ngữ trước mặt, chiến mã của Nùng Chí Cao không thể đi tiếp được nữa liền khụy xuống. Cái tên đèo Mã Phục (ngựa quỳ) có từ đó.

    [​IMG]
    Một góc quần thể chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc.

    Đèo Mã Phục án ngữ con đường độc đạo từ TP. Cao Bằng đi vào 5 huyện biên giới miền Đông (Trùng Khánh, Quảng Uyên, Phục Hòa, Hạ Lang, Trà Lĩnh) của tỉnh Cao Bằng. Vì vậy, từng có một thời, Trùng Khánh phủ ẩn khuất trong những câu chuyện bảng lãng khói sương mờ mịt vùng biên ải, được gọi là vùng biên thùy cỏ phân mao (giáp đất Quảng Tây, Trung Quốc), với các động chúa, vua rừng…, tưởng chừng như tách biệt với thế giới bên ngoài, như cách mà tác giả Hoàng Ly từng kể lại trong cuốn sách võ hiệp “Lửa hận rừng xanh”.

    Qua 88km đường đèo dốc quanh co, thì vào tới xã Đàm Thủy, xã cuối cùng của huyện Trùng Khánh, trước khi qua cửa biên sang tới đất Quảng Tây (Trung Quốc). Từ tỉnh lộ 211 ngước mắt nhìn lên lưng chừng núi Phia Nhằm, thấy sừng sững quần thể chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc dù đang cách xa cả km, nhìn xuống thác Bản Giốc đẹp như tranh vẽ.

    [​IMG]
    Thác Bản Giốc, nhìn từ chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc.

    Trùng Khánh là một vùng đất cổ, nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, có 8 xã biên giới giáp Trung Quốc, với 63,15km đường biên. Trong đó, dân tộc Tày có số lượng đông nhất, sống thành từng bản (làng) dọc các con sông Quây Sơn và sông Bắc Vọng.

    Dòng Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy về biên giới hai nước rồi đổ vào lãnh thổ Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Từ Ngọc Khê, sông chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thủy thì lượn quanh chân núi Cô Muông rồi bồi đắp cho các cánh đồng của xã này.

    Khi chảy qua bãi ngô trên bản Giốc, thì quay trở lại biên giới rồi tách ra thành nhiều nhánh, đột ngột hạ thấp xuống khoảng 35m, tạo thành thác Bản Giốc. Sau khi xuống đáy thác, sông quay hẳn vào lãnh thổ Trung Quốc.

    “Duyên” với Bản Giốc


    Thượng tọa Thích Đức Thiện (Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam), trụ trì chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, người có công trong việc xây dựng ngôi chùa này, khi được hỏi tại sao lại chọn nơi đây để xây chùa, cho hay: nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì tất cả đều bắt đầu từ một chữ "Duyên".

    [​IMG]
    Chùa được dựng lưng tựa vào núi Phia Nhằm, nhìn ra toàn bộ thung lũng xã Đàm Thủy.

    Suốt một dải Đông Bắc từ Quảng Ninh tới Lạng Sơn, sang Cao Bằng… ít thấy chùa. Có thể do thói quen, phong tục, tập quán văn hóa sinh sống, đồng bào các dân tộc vùng cao quen với đền, miếu, tục thờ Thánh, Mẫu. Năm 2012, khi có việc lên Cao Bằng, tới thác Bản Giốc, thượng tọa Thích Đức Thiện ấn tượng với địa thế kỳ vĩ ở đây, nên quyết tâm xây dựng một ngôi chùa nơi này.

    Ý tưởng xây chùa của thượng tọa Thích Đức Thiện nhanh chóng được Giáo hội và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng ủng hộ. 3ha đất trên núi Phia Nhằm được sử dụng, 38 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa được Giáo hội Phật giáo Việt Nam huy động, khởi công từ tháng 6/2013, chỉ sau 18 tháng, một quần thể chùa hình thành hoàn chỉnh.

    Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, còn được gọi là ngôi Thiên Bảo, ngự trên ngai Rồng, núi Phia Nhằm, thác Bản Giốc, đây là một vùng đất huyết mạch tụ khí linh thiêng có đầy đủ linh khí, nguyên khí, tú khí và vượng khí.

    Chùa được thiết kế theo lối kiến trúc thuần Việt với kết cấu gỗ lim, vật liệu gạch ngói cổ truyền, mái đao truyền thống. Điểm nhấn ngôi chùa là lầu chuông Đại hồng chung Thiên Bảo bằng đồng nặng 1,5 tấn, Tam quan, khuôn viên Tượng Quan Âm Bồ Tát.

    [​IMG]
    Chuông Thiên Bảo đúc bằng đồng tại Huế, nặng 1,5 tấn, ở trên khắc 4 câu trong bài thơ "Minh chuông Thiên Bảo" của GS. Vũ Khiêu: “Tiếng chuông vang trên đất nước Việt Nam/ Từ ngọn thác dạt dào Bản Giốc/ Tối linh thiêng chuông Thiên Bảo ngàn năm/ Phật phù hộ nhân dân đất nước”.

    Tổng thể công trình gồm các Tòa Tam Bảo, Nhà thờ Tổ, Đền Mẫu thờ Việt Nam Triệu Tổ Hùng Vương, Anh hùng dân tộc thánh Nùng Chí Cao, Đức Thánh Trần… Đền thờ anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sĩ.

    “Thác Bản Giốc là một trong 10 thác trên sông đẹp nhất thế giới. Tôi đã từng đến thác Niagara ở Mỹ, giáp biên giới Canada, mình thấy du lịch ở đó rất phát triển, du khách rất đông; trong khi thác Bản Giốc được xếp hạng đẹp thứ 4 thế giới, tại sao du lịch bên mình vắng vẻ như vậy, trong khi bên kia nhộn nhịp?

    Sâu xa hơn, trong lịch sử hàng ngàn năm Phật giáo hiện diện trên đất nước Việt Nam, ở thời đại nào, Phật giáo Việt Nam cũng phát huy truyền thống "Hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc", Giáo hội cũng chủ trương xây dựng chùa ở các vùng biên giới, hải đảo như là đặt những cột mốc tâm linh quốc gia tại những vùng biên giới", thượng tọa Thích Đức Thiện kể về ý tưởng khởi nguồn xây dựng chùa.

    [​IMG]
    Khách đến chùa hành hương lễ Phật.

    Hàng trăm bậc đá dẫn lên chùa được chở lên từ Phú Thọ; đá lát xuất phát từ Thanh Hóa; gạch xây chùa lấy từ Bắc Ninh, phần tường không trát; ngói lợp chùa từ Thạch Bàn; gỗ dựng chùa toàn bộ bằng gỗ lim; chuông Thiên Bảo được đúc tại Huế; hoành phi câu đối trong chùa được viết bằng chữ Việt để mọi người dễ đọc…. ngôi chùa được hoàn thành trong thời gian thần tốc bởi các kiến trúc sư là những chuyên gia chuyên trùng tu di tích của Bộ Văn hóa, thông tin và du lịch.

    Cuối năm 2014, đích thân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cắt băng khánh thành chùa.
    Ngay cả tên chùa cũng cũng là một sự lựa chọn kỹ lưỡng. “Phật Tích là tinh hoa đạo Phật Việt Nam, có truyền thống 2.000 năm lịch sử, tiếp nhận trực tiếp từ đạo Phật Ấn Độ, mà nay chùa Phật Tích Bắc Ninh còn ghi dấu chân của các nhà sư Ấn Độ khi tới Việt Nam. Trúc Lâm là muốn đem hào khí Đông A, mà trong đó Phật giáo đóng góp tinh thần cùng quân dân nhà Trần đánh đuổi quân Nguyên Mông năm xưa. Trúc Lâm Phật Tích Bản Giốc là muốn đem tinh thần Phật pháp nhập thế của Phật giáo Việt Nam có từ thời nhà Trần tới vùng biên cương của Tổ quốc.
    Đây không chỉ là một ngôi chùa để mọi người đến lễ, mà là đặt ở đó một cột mốc tâm linh, thể hiện sức mạnh tinh thần, dũng khí của người Việt Nam”, thượng tọa Thích Đức Thiện giải thích ý nghĩa tên chùa.

    [​IMG]
    Một quần thể chùa rộng 3 héc ta được thi công hoàn thiện chỉ trong 18 tháng.

    Ông Nguyễn Hoàng Anh (Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng) cho biết năm 2015, tỉnh sẽ đẩy mạnh du lịch ở Trùng Khánh, bởi phía bên kia đất bạn Quảng Tây, mỗi năm có gần 1 triệu du khách lên thăm Bản Giốc, họ cũng đã đề cập tới việc hợp tác để khách Trung Quốc có thể qua Việt Nam hành hương viếng chùa. Chỉ mới khánh thành một thời gian ngắn, nhưng đến nay đã có hàng vạn lượt khách tới tham quan chùa.

    Cả một tuyến đường mới đang được hình thành nối từ Ba Bể (Bắc Kạn) qua Nguyên Bình về Hòa An, Hà Quảng, vươn tới Trùng Khánh kéo thành một vòng cung trọn vẹn tới Đông Khê, để khách vùng xuôi lên đây có thể biết nhiều hơn về Cao Bằng, một vùng đất đầy dấu tích lịch sử nhưng ẩn tàng trong đó còn rất nhiều danh thắng kỳ vĩ, đang định hình những cột mốc tâm linh.

    Trong ánh nắng vàng rực soi ấm sân chùa, có những cô bé, cậu bé vùng đất Đàm Thủy giáp biên hàng ngày đang cầm chổi quét dọn để du khách tới đây có thể ngắm một ngôi chùa luôn khang trang, sạch đẹp. Nhà chùa cũng tổ chức dạy tiếng Anh, dạy võ cho các cháu bé trong vùng.

    Nhiều người dân ở đây đã nhanh chóng thay đổi cách làm kinh tế, chuyển đổi từ làm ruộng sang mở cửa hàng tạp hóa, hàng ăn để phục vụ khách hành hương. Những chuyến xe buýt nối từ TP. Cao Bằng vào tới Bản Giốc liên tục lăn bánh đang kéo gần hơn vùng đất tưởng như xa xôi, cách trở này lại gần hơn với miền xuôi./.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người