Nghiệp quá nặng, hai họ tàn sát nhau

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Nhớ lúc còn thơ ấu, gần nhà tôi có một người làm đồ tể, ông này luôn hãnh diện với mọi người vì ông có thằng rể biết thừa kế nghề của mình, từ khi mới bắt đầu hành nghề cho đến đời con rể, gia đình ông đều làm ăn rất phát đạt, tiền lời kiếm được không thể kể xiết.

    Nhưng tới đây gia đình ông bắt đầu đi vào ngõ cụt, những chuyện bất hạnh xảy đến liên tục, khiến cho ông nhà tan cửa nát, con cái chết chóc, chúng ta là người con Phật, đương nhiên thấy bất hạnh của người cũng chính là bất hạnh của mình, người đau khổ chính là mình đau khổ, nên khi thấy người ta bị cảnh nhà tan cửa nát, chắc chắn trong tâm mỗi chúng ta không ai vui vẻ gì, nhưng làm sao được, bởi đây là định luật nhân quả, có vay ắt phải trả.

    Ông đồ tể này tên Ngô Thiệu Tải, là người chính trực, xử sự công bằng. Đến khi tuổi đã xế chiều, tuy làm nghề đã nhiều năm, tiền lời kiếm được cũng không ít, nhưng gia cảnh chẳng được sung túc cho mấy. Vợ ông chỉ sinh được hai người con gái, vì vấn đề nối dõi tông đường, nên ông đã nhận hai đứa bé trai làm con nuôi. Chẳng mấy chốc, hai người con gái của ông đều xuất giá, hai đứa con nuôi cũng đã hơn 30 tuổi. Ông đặt hết hy vọng vào hai đứa con nuôi, nhưng càng hy vọng bao nhiêu thì ông càng thất vọng bấy nhiêu. Người con trai ( nuôi ) trưởng bị bệnh lao phổi hơn mười mấy năm nay, người con trai (nuôi ) thứ là Ngô Kim Sinh đã lấy vợ, nhưng nó là đứa phá nhà, suốt ngày chỉ biết làm bạn với con quỷ trắng, khi mới đầu thì hút, dần dần hút không thấy phê nữa, chuyển sang chích, thường về nhà đòi tiền, nếu không cho thì nó ăn cắp, có lúc còn đánh vợ, chửi mắng cha mẹ. Hơn một năm kể từ khi kết hôn, vợ hắn không chịu nổi cảnh chồng nghiện ngập, đánh đập, nên làm đơn xin ly hôn.

    [​IMG]

    Ông Ngô nhìn thấy gia cảnh như vậy, thường tự trách số kiếp mình sao lại khổ như thế, ông trời sao bạc bẽo với mình như vậy, càng nghĩ càng quặn lòng. Theo quan niệm xưa nay của mọi người cho “ nữ gia ngoại tộc”, vả lại khi đã xuất giá thì coi như hết, nhưng đối với người con gái thứ hai của ông thì hoàn toàn khác, cô ta tên là Thuý Hoa, rất hiếu thuận với cha mẹ, có thể kế thừa gia nghiệp, thờ cúng tổ tiên, do đó ông bà có ý định giao sản nghiệp này lại cho con gái, nhân ngày tết mọi người có mặt đầy đủ, ông bà đem ý định đó nói với con gái, cô liền đồng ý, nhưng cô nói: “ Mục đích con về là để sớm hôm hầu hạ cha mẹ, chứ không phải vì tài sản, nếu mọi người thấy con có tâm vì tài sản thì con xin không ở nữa.”

    Chồng cô Thuý Hoa là Bằng Lợi Sinh, là người rất thông minh, lanh lợi, thật thà, anh có ba đứa con trai, đứa đầu bị suy nhược cơ thể, đứa thứ hai bị bệnh thần kinh, lúc nào cũng ngây ngây ngô ngô, còn đứa thứ ba do phước đức của nó sâu dày, nên rất thông minh, khả ái, bao nhiêu hy vọng vợ chồng anh đều đặt trọn vào nó. Từ khi hai vợ chồng cô Thuý Hoa tiếp quản lò giết mổ, nhờ siêng năng của cô và sự lanh lợi của chồng, nên lò giết mổ lúc nào cũng hoạt động, đương nhiên tiền lời kiếm được cũng rất nhiều. Nhưng ngoài việc làm ăn phát đạt, vẫn có những hiện tượng khác thường không an ổn xảy ra cho hai vợ chồng anh – đứa bị bệnh thần kinh, ban ngày phá phách, có lúc lăn lộn xuống đất như người sắp chết, ban đêm kêu réo như tiếng heo bị chọc huyết, còn con quỷ thuốc phiện Ngô Kim Sinh thường về nhà ăn cắp tiền và những vật gì có thể bán được, cho nên lúc nào cũng phải canh giữ giống canh trộm.

    Đã hơn một năm kể từ khi Bằng Lợi Sinh tiếp quản lò giết mổ của cha vợ, niềm vui đâu không thấy, mà chỉ thấy anh luôn sống trong tâm trạng bất an. Còn ông Ngô mỗi lần nhìn thấy thằng con nghiện ngập thì bệnh tình càng nặng hơn. Lần nọ, thằng con bất trị về nhà ăn cắp tiền, lúc này trong nhà ngoài ông ra không còn ai, tìm một lúc không thấy tiền, nó liền chìa dao vào cổ ông bảo đưa tiền nếu không sẽ đâm, do quá tức giận, nó chưa kịp đâm ông đã bị đứt mạch máu não, ngã xuống đất, máu trong miệng tuôn ra không ngừng, và ông chết, nhưng hai mắt của ông dù làm thế nào cũng không nhắm lại được. Vợ chồng cô Thuý Hoa hết lòng lo chôn cất cha làm tròn hiếu đạo.

    Trải qua một thời gian ngắn, đứa con mà họ đặt hết hy vọng đột nhiên bị một chứng bệnh kỳ quái, dù vợ chồng anh đưa đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, nhưng cũng không phương cứu chữa, cuối cùng nó chết. Trước cái chết của đứa con cưng, hai vợ chồng anh vô cùng buồn rầu, khóc than thảm thiết, họ oán trách ông trời không có mắt, lão diêm vương vô tình. Chuyện buồn này chưa nguôi, thì chuyện buồn khác lại ập đến, Ngô Kim Long ( con nuôi của ông Ngô Thiệu Tải) bệnh lao phổi lại trầm trọng, mỗi lần ho máu ra cả đống, cuối cùng bệnh tình càng nặng hơn và chết, khiến cho anh Bằng đau khổ không bút mực nào tả xiết. Trong thời gian ngắn hai họ Ngô, Bằng mất đi ba người cũng không làm cho vợ chồng anh tỉnh ngộ, sau đó lò giết mổ vẫn hoạt động như trước, tiền lời kiếm được lại nhiều hơn xưa.

    Vài năm sau, anh cưới được vợ cho thằng con đầu với mong muốn có đứa cháu để nối dõi tông đường. Quả như anh mong đợi, sau 9 tháng 10 ngày thằng cháu trai bụ bẫm chào đời, niềm vui chưa trọn vẹn, thì nỗi buồn đã đến khi anh được bác sĩ cho biết thằng cháu đích tôn của anh cũng bị bệnh lao phổi như cậu nó, hai vợ chồng anh suy sụp tinh thần dữ dội, giống như rơi từ trên núi cao xuống, do đó hai vợ chồng thường bị bệnh. Tưởng sau cơn mưa trời lại sáng, nào ngờ đã té giếng mà còn bị nạn đá rơi theo, em của cô Thuý Hoa do tổ chức hút chích nên bị cảnh sát bắt giam, anh ta không chịu nổi và đã chết trong tù. Anh Bằng Lợi Sinh thật tuyệt vời, tuy em vợ nhiều lần khiến anh điêu đứng, nhưng không vì thế mà ghét bỏ, anh vào trại giam nhận xác về và tổ chức đám tang thật ấm cúng.

    Không lâu sau thằng con đầu của anh đã bị bệnh suy nhược cơ thể, mà nay bị thêm bệnh lao phổi nữa, vốn dĩ thân thể đã yếu nên bệnh lao càng phát triển mạnh, chỉ sống được một thời gian rất ngắn, vợ của người con đầu buồn rầu vì con bệnh hoạn, chồng mất, cô ta sinh bệnh và vài tháng sau cũng qua đời. Anh Bằng vừa lo xong tang sự cho con dâu, chưa kịp thở thì thằng con bị bệnh tâm thần của anh cũng đi theo anh em của nó, thêm một lần nữa vợ chồng anh Bằng phải chịu cảnh kẻ đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh. Vừa chôn con anh vừa than oán: “ Lão Diêm Vương! Lão đùa giỡn với nhà họ Bằng này đủ chưa? Lão còn tuyệt chiêu nào thì đem ra hết đi. Bộ lão bị mù hay sao mà chỉ chấm toàn người của nhà họ Bằng vậy. Trời ơi! Tôi phải làm sao đây?”
    Lò giết mổ dán chữ “ chế” ( để tang ba năm), đóng cửa lo tang sự, nhà anh giờ chỉ còn vợ, cháu đích tôn và mẹ vợ hơn 70 tuổi, nhìn cảnh nhà quạnh hiu, khiến anh Bằng càng đau lòng, anh luôn khóc mãi, khóc mãi.

    Vào năm Dân Quốc thứ 31 (1942) quân Nhật xâm chiếm Trung Quốc, Giang Nam là tỉnh bị quân Nhật chú ý nhất, nên đây là nơi bị bom đạn oanh tạc nhiều nhất, đứng trước đại nạn, anh Bằng bảo vợ hãy dẫn mẹ và cháu về nhà mẹ đẻ của anh để lánh nạn, mình anh ở lại sắp xếp rồi về sau. Trong lúc đang thu dọn, thật chẳng may quân Nhật tràn đến đốt nhà, anh vừa chạy ra khỏi nhà đã bị lính Nhật bắt đem đi. Sau đó vợ anh trở về chỉ thấy xác ngôi nhà cháy chứ chẳng thấy anh đâu cả, theo lời những người cùng bị bắt hôm đó nói: “ Anh Bằng chết rất thê thảm, bị bọn quỷ Nhật Bản trói tay chân và xô xuống núi.” Ngày trước mỗi lần giết heo anh cũng cột lại rồi mới chọc huyết, ác báo đó hôm nay anh phải trả. Tuy mẹ vợ anh tránh được nạn bom đạn, nhưng do thiếu lương thực, nên bà bị chết đói trong khi đi lánh nạn.

    Đến đây, toàn bộ nhà họ Ngô chết gần hết, không có người nối dõi tông đường, mà nhà họ Bằng cũng chẳng hơn gì, chỉ còn người con dâu và thằng cháu đang trên bờ vực của tử thần. Viết tới đây lòng tôi cảm thấy buốt lạnh, giữa tháng sáu mà sao trời đổ tuyết? Nghĩ lại hai nhà Ngô, Bằng chẳng phải là phường gian ác, đối xử với hàng xóm hết mực hoà thuận, trọng tình trọng nghĩa mà tại sao hai nhà đó lại gặp bất hạnh như vậy? Chẳng những nhà tan cửa nát, con cái chết chóc, mà cuối cuộc đời anh Bằng bị chết thê thảm, bị trói cột giống như heo.

    Qua đây, chúng ta có thể thấy sát sinh sẽ bị quả báo rất tồi tệ, là nguyên nhân chủ yếu của những bất hạnh xảy ra trong gia đình hai họ Ngô, Bằng.

    Tôi dập đầu khẩn cầu mọi người nên lấy đây làm bằng chứng, hãy phát tâm giữ giới không sát sinh, tu hạnh phóng sinh. Các bạn nên nhớ:

    “ MUỐN TRÁNH ÁC BÁO, CHỈ CÓ MỘT BIỆN PHÁP DUY NHẤT LÀ KHÔNG SÁT SINH. MÀ MUỐN CHO THẾ GIỚI HOÀ BÌNH, CŨNG KHÔNG NGOÀI BIỆN PHÁP DUY NHẤT NÀY.”
    Hùng Kim Hâm
    ( Biên thuật: Cư Sĩ Tịnh Tùng- Người dịch: Đạo Quang)

    Tĩnh Tâm​
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người