Trong Kinh A-hàm, đức Phật đưa ra ví dụ rất hay: “Có một nắm muối, nếu ta bỏ vào ly nước nhỏ thì ly nước ấy sẽ bị mặn, ta sẽ không uống được vì nước quá mặn. Cũng cùng một nắm muối đó, nếu ta bỏ vào một bình nước lớn, tuy có nắm muối hoà tan nhưng vì nước trong lu quá nhiều, cho nên nước hơi măn mẳn ta có thể dung xài hoặc giải khát tạm thời được. Cũng cùng một nắm muối đó, nếu ta đem bỏ vào một hồ nước lớn, tuy có nắm muối bỏ vào, nhưng nước trong hồ quá nhiều, do đó chúng ta có thể dùng xài bình thường. --Nhà Phật dụ nắm muối là nghiệp xấu ác, còn nước là nghiệp thiện lành và khả năng tu tập của mỗi người. Tuy trong nhà Phật có nói rằng, gieo nhân nào gặt quả nấy, nhưng nhân quả do hành động của mình tạo ra từ thân, miệng, ý thì cũng từ chính mình ta có thể thay đổi, chuyển hóa được. Cũng như trước kia, lúc còn nhỏ, quý vị chưa biết hút thuốc, uống rượu, cờ bạc… đến khi lớn lên, hòa vào đời sống cộng đồng, quý vị thấy người ta làm điều đó, rồi quý vị bắt chước một vài lần nếu ai chịu tiếp tục huân tập một thời gian thì quý vị cũng biết hút thuốc, biết uống rượu, biết cờ bạc như ai vậy. Khi chúng ta biết rõ đây là những tập nghiệp xấu thì từ đó ta ý thức biết được sự tác hại của nó, quý vị tự từ bỏ chứ không phải ai ép ta bỏ được. Nếu như chúng ta không tự ý thức, không chịu từ bỏ thì dù cho đức Phật có hiện tiền cũng không thể nào giúp cho ta bỏ được. Nắm muối bỏ vào ly nước, Phật dụ cho nhân nào quả nấy để ám chỉ cho hạng người buông trôi theo số phận, chẳng chịu cố gắng làm lại cuộc đời vì nghĩ rằng số tôi như thế mà chấp nhận sống trong đau khổ lầm mê. Nắm muối bỏ vào bình nước lớn là dụ cho người đã cố gắng bỏ những thói hư tật xấu, nhưng chưa bỏ được hoàn toàn, nếu kiên trì bền bỉ thì sẽ chuyển hóa được nghiệp tập xấu ác. Hạng người thứ ba là hạng người hoàn toàn chuyển nghiệp xấu ác do biết tu thân, tu giới và tu tâm niệm rộng lớn cho nên đức Phật dụ cho nắm muối bỏ vào một hồ nước lớn. Thích Đạt Ma Phổ Giác