Nhân quả báo ứng là quy luật nghiêm minh; dù chỉ là một lời nói, hành vi nhỏ, đều có nhân quả ở trong đó. Ví dụ của Phật Đà dưới đây khiến chúng ta thật dễ hiểu và thấm thía. Ảnh minh họa Một ngày nọ, khi Phật Đà ở trong Tinh Xá giữa rừng trúc, có một Bà La Môn (người tu theo Bà La Môn giáo) vẻ mặt hùng hổ xông vào. Bởi vì những người trong gia tộc của vị Bà La Môn này đều theo Phật Đà xuất gia, vì thế đã khiến anh ta vô cùng tức giận. Anh ta hùng hổ, độc mồm độc miệng hướng về phía Phật Đà mà chửi bới xối xả. Phật Đà im lặng nghe những lời chửi bới hết sức vô lý của người này xong, đợi cho đến khi ông ta trầm tĩnh lại, Phật Đà mới hỏi: “Bà La Môn à! Nhà ngươi có khi nào đột nhiên có khách không!”. Bà La Môn vẫn tức tối, đáp: “Đương nhiên là có, hà tất chi phải hỏi!”. Phật Đà điềm tĩnh hỏi tiếp: “Vậy có khi nào người làm cơm tiếp đãi họ không?”. Bà La Môn tỏ vẻ khinh thường, trả lời: “Đương nhiên là có”. Phật Đà lại hỏi tiếp: “Giả sử lúc đó, vị khách từ chối không ăn, vậy thì những món ăn này thuộc về ai?”. Bà La Môn trả lời: “Nếu khách không ăn, thì tất nhiên là tôi phải ăn rồi”. Phật Đà nhìn Bà La Môn với ánh mắt từ bi, rồi nói: “Bà La Môn à, hôm nay người đứng trước mặt ta, nói những lời rất xấu tệ, nhưng ta lại không nhận chúng. Những lời nhục mạ này cũng giống như món ăn kia, nếu ta không nhận, thì chẳng phải ngươi sẽ phải nhận hết hay sao?”. Sau đó, Phật Đà nói câu kệ: “Người căm giận mình, mình căm giận lại là chuyện không nên. Người khác căm giận mình, mình không căm giận họ, chính là đã đạt được hai thành công: Dùng chính niệm tự trấn tĩnh, chính là chiến thắng chính mình, cũng là chiến thắng người khác”. Bà La Môn này, sau đó đã theo Phật đà xuất gia, về sau đã đạt quả vị La Hán. Lê Hiếu, dịch từ bannedbook.org - Tinh Hoa