PGS Nguyễn Văn Huy: ‘Nên trả hội làng về cho làng’

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Hội làng ngày xưa chỉ có người dân trong làng tham gia, để phục vụ nhu cầu văn hóa, tâm linh của chính họ. Việc mở rộng quy mô lên cấp vùng, tỉnh khiến hội làng bị ‘quá tải’, dễ dẫn đến những lộn xộn - PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, phân tích.

    [​IMG]
    PGS Nguyễn Văn Huy: “Hội làng thì nên để ở cấp độ làng, kể cả hội được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia hay đại diện của nhân loại“.

    Là nhà nghiên cứu dân tộc học, ông đánh giá thế nào về con số gần 8.000 lễ hội mỗi năm (khoảng 22 lễ hội mỗi ngày) trên cả nước?

    - Ở đây phải phân biệt rạch ròi khái niệm hội làng mang tính truyền thống (hội Gióng, hội đền Và, hội Đăm…) với lễ hội mang tính hiện đại như lễ hội cà phê, lễ hội hoa ban… Xưa kia làng nào cũng có hội gắn với vị thần thành hoàng của làng mình, các bà thì đi hội chùa. Do chiến tranh tàn phá, chúng ta bị đứt đoạn văn hóa. Đã có 30-40 năm người dân không được phép tổ chức lễ hội. Từ năm 1986-1990, các hội làng (nay là thôn) mới dần dần được phục dựng.

    Cho đến bây giờ, hội làng vẫn thực sự là nhu cầu của đời sống tinh thần, văn hóa, tín ngưỡng phục vụ người dân địa phương; là thành tố quan trọng bậc nhất của đời sống văn hóa cơ sở. Hội làng là tài sản quý giá đất nước cần gìn giữ và phát huy. Vì vậy theo tôi, con số về hội làng nhiều hay ít không quan trọng.

    Càng đi tôi càng thấy đời sống văn hóa của người dân nông thôn còn rất nghèo. Họ thiếu các thiết chế, phương tiện để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, vui chơi, thể thao của mình. Do đó, hội làng xuân thu nhị kỳ mới diễn ra, trở nên rất quan trọng, để cộng đồng thực hành tâm linh, vui chơi, giao tiếp với nhau.

    Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, nhiều nơi đã đầu tư xây trung tâm văn hóa, nhà văn hóa xã, thôn, nhà rông… nhưng thường là quạnh hiu, thi thoảng mới có người mở cửa, bởi nó không đáp ứng được nhu cầu văn hóa của họ. Hội làng mới quan trọng và đáp ứng được thiết thực hơn nhu cầu của người dân.

    Thôn/làng nào cũng có nhu cầu tổ chức hội thờ thành hoàng của mình. Vậy theo tôi, hãy giúp cho những làng/thôn ấy, qua hội làng của mình mà nâng cao đời sống văn hóa, thỏa mãn nhu cầu tâm linh, củng cố sự gắn kết cộng đồng. Không nên có tư duy thấy số lượng khổng lồ mà giảm bớt các hội làng mà thậm chí nếu nơi nào chưa khôi phục được rất nên giúp họ khôi phục hội cùng với cơ sở vật chất của nó là đình làng (thôn).

    Thực tế hiện nay nhiều địa phương muốn phục dựng lễ hội, mở rộng quy mô hội của làng/xã mình lên cấp tỉnh/vùng, thậm chí quốc gia, ông lý giải thế nào về việc này?


    - Cách phục dựng ngày nay nhiều khi từ văn hóa làng xã, người ta cứ muốn đẩy hội lên cao, to để khuếch trương du lịch, vừa là hình thức kinh doanh, vừa giáo dục truyền thống. Tuy nhiên, hội của làng/thôn vốn được xây dựng chỉ đủ sức chứa đựng cho cư dân của làng ấy, giờ đẩy lên cấp vùng, liên xã thì sao chứa nổi. Như hội vùng Lim, hội đền Trần, đền Sóc mở rộng hết bãi xe này, đến bãi xe nọ vẫn không chứa xuể cho du khách thập phương.

    Tôi mong muốn hội làng thì nên để ở cấp độ làng/thôn, thỏa mãn nhu cầu của người dân làng ấy, kể cả những hội được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia hay đại diện của nhân loại. Nên trả lại hội làng về đúng tính chất để giữ gìn được bản sắc. Việc mở rộng hội phục vụ du lịch cần cân nhắc kỹ lưỡng, phát triển cho phù hợp.

    Tư duy muốn xem xét giảm số lượng hội, hoặc tăng quy mô một số lễ hội lên cấp vùng, quốc gia, theo tôi là không nên vì nó làm mất bản sắc hội làng. Con người và xã hội thường không thể thiếu được việc gửi gắm niền tin vào các vị thần linh. Đặc biệt không phủ nhận rằng xã hội ngày nay có những vấn đề làm người ta mất niềm tin và họ càng phải mong mỏi đi tìm một sự linh thiêng nào đó. Nhiều khi ta phải hiểu nhu cầu về mặt tâm linh của con người và thỏa mãn cho họ.

    Vậy hội làng ngày xưa được tổ chức như thế nào, người dân tham gia với tâm thế ra sao?

    - Tôi không được tham dự các hội làng ngày xưa nhưng các tài liệu về hội hè đình đám khi xưa được miêu tả diễn ra rất trang nghiêm, có phân bổ trách nhiệm, quy định vị trí chỗ ngồi rõ ràng cho mọi người theo vai vế trong làng. Ngày trước trọng nam nên chỉ đàn ông mới được vào trong đình còn phụ nữ thì tham gia các hội chùa.

    Hội làng do người dân trong làng tổ chức, phục vụ cho chính họ và người dân có niềm tin lớn với đức Thánh của làng mình. Họ tham gia vào ngày hội với tâm thế rất tôn nghiêm, ứng xử chuẩn mực.

    Những ngày đầu xuân vừa rồi, tôi tham gia một số hội làng đúng nghĩa như hội đền Và (Sơn Tây, Hà Nội), hội hát Xoan kết nghĩa giao lưu giữa phường xoan ở thành phố Việt Trì với thị trấn Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ)… thấy thanh bình, hay lắm. 10 cán bộ của Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản chúng tôi được cử đi khảo sát các hội làng ở Hà Nội đều báo cáo về các hội làng được tổ chức văn hóa, nghiêm túc, người dân tham gia gửi gắm một niềm tin trong sáng vào đức thánh của mình. Mọi người đều hồ hởi dự hội, không có chuyện đánh nhau, cướp giật… Tôi nghĩ đó là cảnh sắc phổ biển ở các hội làng/thôn ngày nay.

    Không ít hội làng những năm vừa qua đã xảy ra hiện tượng tiêu cực như: đánh nhau vì tranh cướp lộc, lợi dụng lễ hội đông người để trộm cắp hoặc kinh doanh trái phép… Ông đánh giá thế nào về các mặt trái của lễ hội truyền thống?

    Ở đây chúng ta phải phân biệt giữa những người dân làng xã ấy với những du khách tham gia lễ hội. Người dân họ đến với hội làng mình, luôn với niềm tin, sự hiểu biết và hành xử chuẩn mực. Một số du khách đến, chỉ vì tò mò, một số vì mục đích khác.

    Tình trạng tranh cướp, đánh nhau trong lễ hội không phải là phổ biến. Theo tôi, đừng vì một vài điểm xấu ở một số nơi mà làm lu mờ vẻ đẹp của đa phần hội làng. Cũng đừng đổ cho lễ hội dã man hay bạo lực mà phải nhìn thẳng vào nguyên do của các lộn xộn nằm ở công tác tổ chức. Đánh nhau không phải là phong tục mà do khâu tổ chức kém.

    Một vài năm trước tôi tham gia hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) và tận mắt chứng kiến những lộn xộn ở đó. Chính những người được giao nhiệm vụ bảo vệ lễ vật lại là người bạo lực, hung hãn, đằng đằng sát khí nhất. Họ cứ hung hăng giơ côn, vung gậy rồi hét lên, đẩy toàn bộ đám đông chú ý vào đó và bị lây tinh thần sát khí từ người bảo vệ lễ vật.

    Ban tổ chức do đó phải giáo dục, tập huấn lại những người này. Phải đưa ra các nguyên tắc, đặc biệt không được cho đội bảo vệ đánh người, nếu vi phạm năm sau không được tham gia nữa. Hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) mấy năm trước có đánh nhau đến trọng thương. Nay người dân làng ấy thay vì phát thước cho những người bảo vệ hội, đã phát kiếm nhựa không gây sát thương và không cho quyền đánh người nữa. Công an cũng phải vào can ngăn các vụ lộn xộn.

    Đánh nhau, lộn xộn… trong lễ hội là câu chuyện của đạo đức và quan trọng nhất là có biện pháp giáo dục từ gia đình, nhà trường. Khi trưởng thành họ phải là những con người có đầy đủ bản lĩnh, biết ứng xử đúng trong xã hội. Một điểm nữa là phải thượng tôn pháp luật để người dân biết kìm mình lại không vượt qua các quy phạm văn hóa, đạo đức.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người