Con người sinh ra không có ai là hoàn mỹ. Ai cũng có trong người tham, sân, si... và một trong số tính cách xấu ấy là sự ghen tỵ. Lòng ghen tỵ là cảm xúc tự nhiên như đang yêu hay tìm kiếm ai đó hấp dẫn. Trong một số thời điểm, ghen tỵ là không thể tránh khỏi, nhưng nó không bao giờ được trở thành nỗi ám ảnh. Tất cả chúng ta cảm thấy ghen tỵ những lúc này hay những lúc khác. Chỉ cần nó qua đi và nó không dằn vặt bạn, bạn không phải lo lắng gì. Tuy nhiên, nếu để ghen tỵ trở thành bản tính thì thực sự đáng lo ngại vô cùng. Tật ghen tỵ là một tính xấu, như con rắn luồn vào, bóp nghẹt trái tim con người. Lòng ghen tỵ, biểu hiện ở việc so tính thiệt hơn và thấy khó chịu khi người khác hơn mình. Con người chúng ta hay mắc phải tính này và có thể cảm thấy khó chịu với người khác trên nhiều phương diện khác nhau như tài năng, sắc đẹp, danh vọng, địa vị, tiền bạc, tình cảm thậm chí là ganh tỵ nhau cả về con cái. Chẳng hạn, một người thấy người khác thông minh, giỏi giang và thành đạt thì tỏ ra vô cùng tức tối và ghen ghét dù những gì họ đạt được không ảnh hưởng gì đến mình. Lại có người vì thấy người bạn gái đẹp hơn mình, hạnh phúc hơn mình trong khi nhan sắc mình có hạn thì lại sanh tâm đố kỵ. Nhiều người khi lập gia đình, có con cái lại hay so sánh con cái của mình với con cái của bạn bè hoặc hàng xóm và sanh tâm bực tức nếu con họ hơn con mình…. Thậm chí, người có tâm ganh tỵ còn ghen ghét, đố kỵ với ngay cả với hạnh phúc, thành công của những người thân trong gia đình như anh, chị, em, con cháu của mình. Biểu hiện của lòng ghen tỵ thấp nhất là khẩu nghiệp, nói điều sai quấy về người khác. Nặng hơn là biến thành oán khí, sân hận, hành động gây tổn hại tới người khác. Sự ghen tỵ có thể khiến bản thân bạn luôn mệt mỏi, bất bình, không một phút nào an yên. Ghen tỵ với người khác không bao giờ có thể giúp bạn tôt lên mà chỉ làm tổn hại tới chính bạn mà thôi. Lòng ghen tỵ khiến bạn ngày càng sân si Để buông bỏ lòng ghen tỵ, Phật dạy 7 điều quý giá bạn cần ghi nhớ dưới đây: 1. Nhận thức tâm ghen tỵ là nguy hại, nhất định không làm theo. 2. Quý trọng bản thân, tự hào vì những gì mình đã đạt được và đang cố gắng để đạt được. Mỗi người có một phúc báo riêng, chỉ có tự mình chân chính làm nên mới là bền vững nhất. 3. Tập thói quen tùy hỉ công đức, học cách khen ngợi người khác, công nhận thành tựu của người khác. 4. Đừng đắm chìm trong thế giới của những so sánh, hãy cố gắng làm công việc của mình thật tốt. 5. Chúc mừng cho chính thành công của chính mình. 6. Đam mê cuộc sống của chính bản thân, đừng lấy cuộc sống người khác ra làm tấm gương. 7. Quan trọng nhất là giữ tâm thanh tịnh, một lòng hướng Phật, từ bi hỉ xả thì lòng ghen tự khắc không còn. Phong Linh (TH)/Theo Khỏe & Đẹp