Chỉ có trí tuệ và lòng từ bi mới có thể mang lại hạnh phúc cho mình và cho nhiều người. Phép lạ trong cổ tích Trong những câu chuyện cổ tích Việt Nam thường xuất hiện hình ảnh một cụ già nhân từ, râu tóc bạc phơ, tay cầm phất trần, gọi là “ông Bụt”. Ông Bụt thường cứu giúp những người hiền lành đang gặp khó khăn, hoạn nạn. Cây phất trần của ông có thể hóa ra nhiều phép lạ để ban thưởng người tốt và trừng trị kẻ xấu ác. Ngày xưa người ta cho ông Bụt là ông tiên, nhưng sau này mới biết ông Bụt là Phật. Từ “Bụt” có nguồn gốc tiếng Phạn là Buddha (Bút-đa, Bụt-đa). Vì đạo Phật có mặt ở nước ta từ đầu Tây lịch, nên từ “Bụt” cũng có rất sớm. Phép lạ không chỉ có trong chuyện cổ tích mà phép lạ còn có trong cuộc đời thật... Truyện cổ tích phương Tây thì có hình ảnh cô tiên, tay không cầm phất trần mà cầm chiếc đũa thần, chiếc đũa đó có thể làm phép giống như cây phất trần của ông Bụt. Cô tiên cũng thường xuất hiện để giúp đỡ những người hiền lương nhân hậu. Truyện cổ tích dù của phương Đông hay phương Tây đều có chung một mô-típ là khuyến khích con người sống tốt, đề cao cái thiện, phê phán cái xấu ác, những người lương thiện luôn được mọi người yêu mến và giúp đỡ. Trẻ em thường được cha mẹ khuyên đọc truyện cổ tích, không chỉ để trí tưởng tượng phiêu bồng, mà để học được điều hay, được định hướng sống tốt. Phép lạ trong cuộc đời thật Rằm tháng Mười tôi cùng con gái đi chùa. Tôi dắt con đến trước tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm đảnh lễ. Sau khi lạy xong, con tôi hỏi: “Bồ-tát có nhiều phép lạ lắm phải không ba? Con xem phim Tây du ký thấy Bồ-tát thường dùng phép lạ giúp Tôn Ngộ Không hàng phục yêu quái”. Tôi mỉm cười nhìn con gật đầu: “Ừ, Bồ-tát có nhiều phép lạ lắm”. Con tôi lại nói: “Bồ-tát cũng giống như ông Bụt trong truyện cổ tích, thường hay giúp người hoạn nạn”. Nhìn dòng người đông đúc đến chùa lễ Phật, tôi thầm nghĩ: Không chỉ ông Bụt trong chuyện cổ tích, không chỉ Bồ-tát trong truyện Tây du mới có phép lạ, mà còn có những người bình thường bằng xương bằng thịt cũng có phép lạ. Phép lạ không chỉ có trong chuyện cổ tích mà phép lạ còn có trong cuộc đời thật. Nhớ lại những khóa tu thường kỳ được tổ chức cho mấy nghìn người, có khóa tu cho người già, có khóa tu cho người trẻ. Hàng năm các chương trình hành hương chiêm bái thánh tích, thăm viếng và cúng dường các tự viện, đã giúp cho rất nhiều chùa, nhiều đạo tràng có điều kiện tu học tốt. Các hoạt động từ thiện đã cứu giúp biết bao đồng bào nghèo, bệnh hoạn, tật nguyền và những nơi xảy ra thiên tai bão lụt. Ngoài ra, còn có các chương trình hoằng pháp, đưa Phật pháp vào đời bằng các phương tiện sách báo, băng đĩa, mạng internet, các chương trình văn nghệ… Đó đều là những phép lạ. Nếu không phải là phép lạ thì sao có thể hoàn thành những việc to tát và khó làm như thế. Không phải là phép lạ thì làm sao người bình thường có thể đảm đương được nhiều việc như thế? Phép lạ mầu nhiệm nhất chính là mang lại sự bình an và hạnh phúc cho con người. Chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc, chuyển hóa người xấu thành người tốt, người lương thiện, sống có ích mới chính là phép lạ đáng giá. Còn những phép lạ chỉ làm thỏa mãn tính hiếu kỳ, tạo sự tò mò cho người khác thì chẳng có giá trị và ý nghĩa gì. Phép lạ làm cho đời sống con người và cuộc đời tốt đẹp hơn mới thật đáng quý. Đức Phật dạy chỉ có trí tuệ và lòng từ bi mới có thể mang lại hạnh phúc cho mình và cho nhiều người. Giáo dục, giúp cho người khác phát triển lòng từ bi và trí tuệ chính là phép lạ được Đức Phật khuyến khích sử dụng, còn gọi là giáo hóa thần thông. Ngày nay chư vị Tăng Ni cũng noi gương Đức Phật, cũng dùng trí tuệ và lòng từ bi để làm phép lạ, đem lại an lạc, hạnh phúc cho mọi người. Nhờ có trí tuệ và lòng từ bi mà các vị ấy làm được những chuyện khó làm, khiến cho mọi người cảm phục. Tôi tự nhủ, đến khi con gái đủ hiểu, tôi sẽ nói cho nó biết thế nào là phép lạ của lòng từ bi và trí tuệ, và ai cũng có thể làm phép lạ nếu người đó có lòng bi trí tròn đầy. Theo Giác Ngộ Online