Phim trường cổ trang Yên Tử, điểm đến đang trở thành hiện thực

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    [​IMG]
    Tọa đàm lấy ý kiến của các học giả, nhà nghiên cứu tại khu phim trường cổ trang Yên Tử.

    Mùa hội xuân năm nay, Yên Tử có nhiều chuyện mới, nhưng đáng chú ý nhất là bộ phim truyện lịch sử Phật hoàng Trần Nhân Tông - Con đường thiên lý sắp chính thức khởi quay sau nhiều năm chuẩn bị. Bộ phim sẽ thực hiện trên một phim trường cổ trang đầu tiên và lớn nhất nước được xây dựng dưới chân non thiêng hùng vĩ ở tỉnh Quảng Ninh, đồng thời cũng là một điểm đến du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn.

    Ðiệp trùng gian nan

    Bộ phim Phật hoàng Trần Nhân Tông- Con đường thiên lý (hay còn gọi phim Phật hoàng Trần Nhân Tông) được đạo diễn, NSƯT Văn Lượng - Giám đốc Xưởng phim Ðài PT-TH Hải Phòng cùng cộng sự phối hợp Công ty CP Việt Nam Tinh Hoa (Hà Nội) ấp ủ, chuẩn bị suốt hơn năm năm nay. Trần Nhân Tông là vị vua đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Người đã từ bỏ ngai vàng lên Yên Tử tu hành sau khi lãnh đạo quân dân Ðại Việt hai lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông vào thế kỷ 13 và sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - tông phái Phật giáo mang đậm bản sắc Việt Nam.

    Ðể chuẩn bị thực hiện bộ phim về vị vua Anh hùng, đoàn làm phim đã trải qua bao gian nan trên "con đường thiên lý", xử lý một khối lượng công việc đồ sộ với nguồn kinh phí lớn từ sự chung sức của các nhà đầu tư. Theo NSƯT Văn Lượng, làm phim cổ trang ở ta thì khó khăn không thể kể hết. Cũng bởi vậy, đây là dòng phim yếu nhất, ít tác phẩm nhất, vì không được đầu tư bài bản và đặc biệt là không có phim trường chuyên nghiệp. Nhưng cái khó lớn hơn cả là phải đối mặt lối tư duy thiếu hiểu biết của không ít người khi đòi hỏi phải sao chép, mô phỏng, bê nguyên lịch sử vào phim. Trong khi người làm nghề ai cũng hiểu, phim truyện là một môn nghệ thuật phóng tác, đầy sáng tạo mới mong có sự hấp dẫn, tạo cảm xúc đẹp cho người xem không chỉ trong nước và phổ biến ra quốc tế. Ðạo diễn cho rằng, phim lịch sử phải tựa vững vào các sự kiện, tư liệu lịch sử, nhưng không phải áp đặt khô cứng, máy móc mà cần có sự sáng tạo, phóng tác hợp lý để hỗ trợ cho việc truyền tải thông điệp trong phim, đồng thời tạo sự hấp dẫn cho khán giả.

    Quá trình xây dựng kịch bản phim Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng là một chặng đường dài nhiều gập ghềnh. Ðoàn phim đã khảo nghiệm qua 11 ê-kíp viết kịch bản mới chọn ra được nhóm sáng tạo đầu tiên cho phim, thực hiện hàng chục chuyến khảo sát, nghiên cứu thực tế. Viết xong cũng phải chỉnh sửa nhiều lần từ các nhà nghiên cứu sử học đến những nhà văn, nhà biên kịch, nghiên cứu ngôn ngữ tâm huyết với phim cổ trang. Sau hơn một năm ròng rã, kịch bản 45 tập phim đã hoàn thành.

    Ðể hỗ trợ cho việc viết kịch bản và làm tư liệu tham khảo cho các nhà chế tác trang phục, đạo cụ cho phim, Công ty CP Việt Nam Tinh Hoa đã mua bản quyền hàng loạt bộ tiểu thuyết lịch sử như Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Phúc Hải, thương thảo để được sử dụng tác phẩm Người Thăng Long của nhà văn Hà Ân, 11 bộ tiểu thuyết lịch sử của bác sĩ, nhà văn Trần Ðại Sỹ... cùng nhiều tác phẩm liên quan thời đại nhà Trần. Từ trong sử liệu, các trang phục, đạo cụ cho phim qua bàn tay họa sĩ vẽ thật tỉ mỉ rồi chuyển cho các nhà chế tác tài hoa. Hàng nghìn đồ gốm sứ độc bản hết sức tinh xảo mang dáng nét triều Trần của nghệ nhân Hà Nội, Bát Tràng, Phù Lãng, hàng trăm đồ gỗ, vật dụng trong cung vua, phủ chúa từ ngai vàng, bàn ghế, long sàng, sập, tủ..., hàng chục bộ giáp trụ đánh trận được phục dựng và chế tác riêng cho phim. Rất nhiều đạo cụ là vũ khí như cung nỏ, máy bắn đá, gươm đao... được làm với chất liệu thật, sắc nét đến từng chi tiết. Riêng về trang phục diễn viên trong phim, có sự tham gia của các nhà nghiên cứu sử học và thiết kế hàng đầu Việt Nam để tạo ra những bộ trang phục cho vua, hoàng hậu, tướng lĩnh, quân lính, thường dân... đúng với thời kỳ đó như mô tả qua sử sách và trên các di tích nghệ thuật thời nhà Trần. Sau đó, đoàn làm phim còn tổ chức trình diễn, thăm dò dư luận ở hàng loạt tỉnh, thành phố về đạo cụ và phục trang cho phim để lấy ý kiến đóng góp.

    Chuyện đạo cụ, phục trang đã là một kỳ công, việc tuyển lựa, tạo dựng đội ngũ diễn viên còn khó khăn hơn nhiều. Theo đạo diễn Nguyễn Ngọc Thùy- Trợ lý Dự án phim của Công ty CP Việt Nam Tinh Hoa, phim cổ trang đòi hỏi số lượng diễn viên đông đảo, chất lượng cao. Mục tiêu đặt ra là phải chủ động được nguồn diễn viên. Vì thế, bên cạnh việc chọn diễn viên từ các đoàn nghệ thuật gần Hải Phòng, đoàn thực hiện phim Phật hoàng Trần Nhân Tông còn mở lớp đào tạo diễn viên. Hơn ba trăm học viên đã được bồi dưỡng về diễn xuất và kiến thức về công nghệ làm phim, đặc biệt là kỹ năng phục vụ cho phim cổ trang như: múa, vẽ, võ thuật, trà đạo, thư pháp, thêu...

    Hiện thực hóa "giấc mơ"

    Từ trước đến nay, các nhà làm phim cổ trang Việt Nam đều phải thuê, mượn bối cảnh bên ngoài, từ đền, chùa đến các khu du lịch... Ðiều này khiến nhà làm phim bị phụ thuộc, chưa kể đến việc không gian bối cảnh chật, hẹp hạn chế diễn xuất của diễn viên cũng như khó khăn khi phải vận chuyển đạo cụ đi và đến trường quay. Ở vị trí tổng đạo diễn, với sự cẩn trọng và cầu toàn, NSƯT Văn Lượng khao khát một trường quay cổ trang chuyên nghiệp. Trước hàng loạt khó khăn về mặt bằng, tài chính..., điều đó gần như là chuyện không tưởng, thế nhưng, với nhiều cơ duyên kỳ lạ, giấc mơ ấy đang trở thành sự thực.

    Sau khi lăn lộn khảo sát khắp các vùng trên cả nước, ê-kíp làm phim đã tìm ra địa điểm thích hợp để dựng phim trường ngay tại vùng núi thiêng Yên Tử (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), nơi đức vua Trần Nhân Tông về tu hành và lập nên Thiền phái Trúc Lâm. Ðó là một thung lũng trải dài, không gian trong lành giữa xanh thẳm rừng nguyên sinh Yên Tử, đêm ngày chim hót líu lo, suối chảy róc rách hòa ca cùng gió núi. Nơi đây, trường quay cổ trang sẽ không bị những dấu ấn của cuộc sống hiện đại như nhà bê-tông, cột điện... chen vào.

    Dự án Trường Quay phim cổ trang Việt Nam rộng 14,6 ha đặt tại xã Thượng Yên Công, được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TP Uông Bí hết sức ủng hộ. Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn đồng thuận, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định phê duyệt vào tháng 6-2014. Ý tưởng chính của trường quay là tái tạo không gian văn hóa của người Việt xưa với những cảnh quan mô phỏng đời sống sinh hoạt và văn hóa bản địa, khu hoàng thành, nhà ở quan lại, khu phố thị, làng xã...

    Theo ý tưởng của những người làm phim, sau khi hoàn thành bộ phim Phật hoàng Trần Nhân Tông, khu vực trường quay phim cổ trang Yên Tử được dành để phục vụ làm nhiều bộ phim cổ trang khác, đồng thời sẽ trở thành một Công viên Văn hóa - Lịch sử, một khu du lịch chuyên đề dành cho du khách trong nước và ngoài nước tìm hiểu văn hóa Việt Nam.

    NSND Ðặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Ðiện ảnh Việt Nam khẳng định: Với dự án này, chúng ta có nhiều hy vọng về một sự phát triển mới của dòng phim cổ trang Việt Nam, góp phần tạo cơ sở hạ tầng cho dòng phim lịch sử và tạo nên một phong cách làm phim cổ trang hướng tới chuyên nghiệp.
    HÂN MINH
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người