Qủa báo xảy ra những nhiều người chưa biết nguyên nhân là do đâu, việc xác định nghiệp báo này còn phải tìm hiểu nguyên nhân tạo ra nghiệp báo nữa Hỏi: Nhân duyên nghiệp báo xảy ra đến với mình là do đời trước hay đời này gây tạo? Đáp: Căn cứ theo tinh thần của luật nhân quả và nghiệp báo, những gì đang có trong đời sống hiện tại của chúng ta là do hạt giống đã được gieo từ nhiều đời kiếp trước, không phải chỉ mới tạo ra ở trong đời này. Ví dụ, hầu hết tất cả mọi người đều mong muốn có được những điều tốt đẹp luôn đến với mình như vui vẻ, giàu có, xinh đẹp, thành công, may mắn,… tuy nhiên không phải cứ muốn là liền được. Có khi cầu mong mãi mà không được gì, nhưng cũng có khi chẳng có tâm mong cầu mà phước báo tự đến. Như vậy, điều đó đã cho thấy tất cả mọi sự thành, bại, được, mất ở trong đời hiện tại đều là kết quả mà chúng ta đã cố tình hoặc vô tình gieo trồng ở trong đời quá khứ. Nếu lúc trước, chúng ta gieo hạt giống của cây chanh xuống đất, thì hiện nay thu hoạch được quả chanh chua. Ngược lại, khi xưa đã gieo trồng hạt giống cây xoài, thì bây giờ thu hoạch được những quả xoài ngọt. QUẢ BÁO Trên thực tế, hiện có rất nhiều người vẫn còn thắc mắc và không thể giải thích sâu xa về vấn đề đạo lý nhân quả, bởi vì họ chỉ nhìn nhân quả trên phương diện một đời, mà không biết rằng mọi sự vật hiện tượng ở trên đời đều có tương quan mật thiết với nhau trong suốt ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Người có tánh tình xấu xa và làm nhiều việc ác, nhưng luôn giàu có và gặp nhiều điều may mắn. Trái lại, những người hiền lành và làm việc thiện, nhưng mãi nghèo khó và gặp nhiều tại họa. Chính vì thế, mà có một số người do không hiểu biết tường tận đã phát sinh nghi ngờ về tính thiết thực của luật nhân quả và nghiệp báo đến mức bất mãn, không còn muốn tu học nữa. Chỉ thấy được nhân quả trước mắt, mà không thấy được dòng chảy liên tục của nhân quả ba đời là một sự thấy biết nghiêng lệch và thiển cận. Giống như một người đi làm việc trong suốt mười năm và đã để dành được số tiền lớn trong ngân hàng. Tới năm thứ mười một, người này không còn làm việc nữa, tuy hoang phí tiền của vào những cuộc ăn chơi, nhưng trong tủ vẫn còn rất nhiều tiền. Người khác nhìn thấy như vậy, liền thắc mắc rằng tại sao anh ta không làm việc mà vẫn có nhiều tiền để tiêu xài phung phí? Họ không thể nhìn thấy được sự tích lũy tiền bạc của anh ta trong suốt mười năm về trước. Ngược lại, một người khác cũng làm việc suốt mười năm. Chẳng những anh ta làm một việc, mà còn tìm được hai, ba công việc khác để làm thêm và kiếm được rất nhiều tiền. Tuy nhiên, làm được đồng tiền nào là anh đem tiêu xài hết, không cần tiết kiệm dành dụm, đến nỗi phải mắc nợ. Đến năm thứ mười một, thấy được sự nguy hại của tiêu xài phung phí, cho nên anh ta đã nỗ lực hết mình làm việc để bù đắp cho những năm qua. Tuy làm việc quần quật, vất vả khó nhọc quanh năm suốt tháng, nhưng kinh tế gia đình luôn eo hẹp, đời sống vẫn mãi khó khăn và nợ nần càng thêm chồng chất. Người khác nhìn thấy sẽ cho rằng nhân quả không có công bằng và sinh tâm bất mãn. Họ không thể thấy được sự khổ hiện tại của anh chàng kia là do sự tiêu xài quá mức ở thời gian trước đó và việc tích lũy tiền bạc chỉ mới ở mức khởi đầu. Cũng vậy, sự tu hành và phước báo cũng phải được huân tập, tích góp từ lâu xa mà ngày nay mới được thọ hưởng, chẳng phải vô duyên vô cớ và cũng chẳng thể chỉ mới làm mà liền được. Có những người từ nhiều đời về trước đã từng tu tập hạnh bố thí, cúng dường,… do đó khi sinh ra trong đời này, tuy không có tu tập và cũng không có làm một việc thiện lành, nhưng họ vẫn được hưởng sung sướng an nhàn từ những phước báo đã tích lũy trong đời trước. Tuy nhiên, dù có phước báo nhiều như cát bụi, nhưng “nhàn rỗi ngồi không ăn mãi thì núi cũng phải lở”, tiêu xài đến một ngày nào đó cũng hết phước và khi đó phải chịu cảnh khổ sở. Chính vì điều này, mọi người nên biết tiếc phước, không nên hưởng hết thành quả đã tạo, vì hưởng hết ắt sẽ bần cùng. Quá khứ tạo nhân, hiện tại gặt quả. Hiện tại gây nhân, tương lai hưởng quả tốt. Muốn biết nhân quá khứ, Hãy nhìn quả hiện tại. Nhân gieo trong hiện tại, Chính là quả tương lai. Vì hiểu nhân quả thông suốt cả ba đời, cho nên chúng ta không còn oán trời trách đất hay hận đời theo sự hiểu biết cạn cợt, ngắn ngủi ở trước mắt để sinh ra nhiều bất mãn, chán nản mà lìa tu bỏ đạo. Người hiểu đạo thì phải có được cái nhìn thấu suốt trước và sau như vậy. Hơn nữa, nhân quả tuy có xa gần sai biệt khác nhau, nhưng những gì đã gây tạo thì dù trải qua muôn đời vạn kiếp vẫn không mất. Có khi gieo nhân đời này, nhưng đến đời sau hoặc nhiều đời về sau nữa mới nhận lãnh quả báo. Có khi gây nhân đời này, nhưng hưởng quả ở ngay trong đời này, thậm chí là chỉ trong khoảnh khắc. Ví dụ, vì một lý do nào đó, chúng ta la mắng một người khác thì lập tức họ cự cãi trở lại, thậm chí là dùng đến chân tay. Đó là nhân quả hiện đời. Ngày xưa, khi đức Phật còn tại thế, có một ông già biết tin đức Phật không bao lâu nữa sẽ nhập Niết-bàn, vì vậy ông đã đi đến để cầu xin được xuất gia tu hành. Tôn giả Xá-lợi-phất dùng thần thông trí huệ quán xét căn duyên, thì thấy ông lão này trong tám muôn kiếp không có trồng được một chút căn lành nhỏ nào, vì thế ngài đã từ chối không cho ông lão xuất gia. Nghe được tiếng khóc lóc, van xin của ông lão, đức Phật từ trong hương thất bước ra và chấp thuận cho ông xuất gia. Khi nghe tôn giả Xá-lợi-phất thắc mắc về việc ông lão trong tám muôn kiếp không có một chút căn lành mà được xuất gia, đức Phật đã giải thích: “Các vị Thanh văn, A-la-hán tuy đã chứng quả Thánh và có thần thông, nhưng vì quả vị còn giới hạn cho nên cái thấy cũng chỉ trong giới hạn trong tám muôn kiếp trở lại. Quá tám muôn kiếp về trước, ông lão này có trồng được một căn lành. Trong kiếp đó, tiền thân ông lão là một người tiều phu đốn củi. Giữa rừng, ông chạm trán với một con cọp, ông vội leo lên cây để trốn thoát khỏi bị cọp ăn thịt. Con cọp gầm rống và từ dưới đất nhảy chồm lên cây cố vồ chụp con mồi. Trong lúc quá sự hãi, người tiều phu đã buột miệng kêu lên hai tiếng: “Mô Phật”. Con cọp nghe được lời ấy, liền cụp đuôi bỏ đi và người tiều phu thoát nạn. Tiếng niệm Phật đó chính là căn lành đã theo ông lão cho đến đời này và khi ấy đã chín muồi, vì vậy ông được đức Thê Tôn cho phép xuất gia. Sau khi xuất gia, dưới sự giáo hóa tài tình, thiện xảo và khéo léo của đức Phật, chỉ trong một thời gian ngắn quyết tâm, nỗ lực tu hành, ông đã đạt được quả vị A-la-hán. Đó là nhân quả nhiều đời để minh chứng cho niềm tin và nhân quả không mất dù có trải qua thời gian rất dài. Trong kinh nói: “Giả sử trong trăm ngàn kiếp việc đã làm không mất. Khi nhân duyên hội tụ quả báo phải tự mang”. Đức Phật nói: “Khởi nghĩ chính là nghiệp”, suy nghĩ tạo thành nghiệp của ý. Lần đầu tiên, chúng ta gặp một người nào đó mà trong tâm cảm thấy chán ghét, thì tuy không nói ra, nhưng họ cũng có thể biết qua cái nhìn thiếu thiện cảm. Những ý niệm xấu đó sẽ tồn tại và được nuôi dưỡng trong ý nghĩ, tư tưởng của mình cho đến một ngày nào đó thì thể hiện ra ngoài bằng lời nói, hành động. Đó là mới nói về phần thô, còn xét đến sự vi tế, thì khi trong tâm niệm của chúng ta chất chứa điều bất thiện, tự nó sẽ tỏa ra một từ trường xấu, dù che dấu rất kỹ nhưng người nhạy cảm vẫn cảm nhận được rõ ràng. Vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần phải cẩn thận dè dặt trong từng lời nói, hành động cử chỉ và ý niệm, bởi vì tất cả đều có nhân quả rõ ràng. “Nhân quả như bóng theo hình, như vang theo tiếng”, nếu gieo nhân lành sẽ gặt quả lành, còn gieo nhân ác sẽ lãnh quả ác. Cuộc sống của chúng ta như thế nào hoặc giàu hoặc nghèo, hoặc vui hoặc buồn, khỏe mạnh hay ốm đau… đều là do tự thân của mình quyết định. Vì vậy mỗi người phải biết cách tu tập thân, miệng và ý của mình để trong mọi việc làm hay suy nghĩ đều có kiểm soát, chọn lựa. Cố gắng gieo trồng những nhân tốt lành để về sau gặt hái được những hoa trái thật ngon đẹp và cũng lấy đó làm lợi ích cho mọi người xung quanh, xứng đáng người hiểu nguyên lý nhân quả của đạo Phật. Thích Minh Thành