Sơ kết lễ hội đầu năm: Giảm dùng tiền lẻ, gia tăng bạo lực

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Theo Bộ Văn hóa, Thể thao- Du lịch (VHTTDL), tổng kết sơ bộ, lễ hội năm 2015 đã giảm tối đa những tệ nạn như đổi tiền lẻ, chặt chém, bắt chẹt du khách... Tuy nhiên, mặt tiêu cực là xảy ra hiện tượng bạo lực, cướp lộc tại nhiều lễ hội.

    Giảm đổi tiền lẻ, chặt chém

    Ông Phan Đình Tân- Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL cho biết, từ đầu năm 2015, Bộ đã cử 9 đoàn thanh tra thực hiện nhiều đợt kiểm tra tại các lễ hội. Theo đánh giá sơ bộ thì năm nay lễ hội đã giảm tối đa những tệ nạn như đổi tiền lẻ, chặt chém, treo thịt động vật tại nhiều lễ hội. Ngay như lễ hội chùa Hương, nơi vẫn được cho là lộn xộn và tồn tại lắm sự phiền nhiễu cho du khách thì năm nay cũng đã trật tự, đi thuyền không bị lấy giá đắt gửi xe, ăn uống không bị chặt chém như những năm trước. Đặc biệt nhiều địa phương đã nghiêm túc trong khâu kiểm soát và nhận thức của người dân, kể cả các công chức, những người quản lý tại địa phương, đã được nâng lên.

    [​IMG]

    Du khách đã cảm nhận rõ sự thay đổi ở hội chùa Hương năm nay. Ảnh: Thanh Hà
    Chia sẻ về các đợt thanh tra bắt đầu từ tháng Giêng âm lịch, ông Phạm Xuân Phúc- Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL cho biết: “Sau những ngày đi thanh tra và kiểm tra trên 30 lễ hội tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy các ban tổ chức đã làm nghiêm túc. Điều đáng mừng về hoạt động đổi tiền lẻ đã giảm đáng kể, không còn ngang nhiên bày đổi, chỉ còn đổi lén lút. Năm ngoái khi thanh tra đến đền Ông Bảy ở Bảo Hà (Lào Cai) chúng tôi đếm từ ngoài vào trong có 29 điểm đổi tiền lẻ nhưng năm nay giảm hẳn. Hiện tượng rải tiền lẻ còn vẫn còn, nhưng cũng hạn chế nhiều. Ở các di tích cũng bố trí thu gom tiền lẻ kịp thời, trừ trường hợp khai hội quá đông mới để xảy ra các hiện tượng tiền nhét phản cảm”.

    “Theo tôi, chúng ta không nên tuyệt đối hóa lễ hội. Lễ hội dân gian truyền thống ngày xưa chỉ có cộng đồng bản địa hoặc vài ba xã xung quanh. Đến nay lượng khách đến với lễ hội quá đông, không chỉ khách trong nước mà cả khách quốc tế, như đền Trần (Nam Định) hàng chục vạn người, Yên Tử 7-8 vạn người, trong khi không gian lễ hội hạn chế sẽ không tránh khỏi những điều bất cập”- ông Phúc nói thêm.

    Tuy hạn chế được những vấn nạn đổi tiền lẻ, chặt chém du khách thì một hiện tượng khác lại được nảy sinh. Đó là vấn đề về bạo lực trong lễ hội mà theo ông Phan Đình Tân đây được coi hiện tượng biến tướng rất đáng lo ngại. Có thể nói từ tục cướp giò hoa tre tại đền Gióng, cướp phết tại Phú Thọ, cướp lộc tại đền Trần… đã dẫn đến bạo lực gia tăng, đánh nhau tại lễ hội… Chia sẻ về điều này, ông Phạm Xuân Phúc - cho hay, trong các văn bản chỉ đạo lễ hội như Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư, Công điện 229 của Thủ tướng Chính phủ, Văn bản 2702 và Công văn số 09 của Bộ VHTTDL đều có nội dung yêu cầu các ban tổ chức phải đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho nhân dân.

    “Khi lễ hội diễn ra trong không gian chật hẹp, lượng người tham gia đông, Bộ đều lường có khả năng chen lấn, xô đẩy nên có chỉ đạo đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự. Còn ở những lễ hội có phần cướp thì Ban tổ chức lễ hội, chính quyền các địa phương phải lường được nó sẽ diễn ra như thế nào, phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân” - ông Phạm Xuân Phúc nói.

    Cần loại bỏ những lễ hội phản cảm

    Theo đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL, cướp phết Hiền Quan Phú Thọ, cướp lộc hoa tre ở đền Gióng, chém lợn là một phần trong lễ hội, lấy ấn cũng là một phần của lễ khai ấn chứ không phải là toàn bộ diễn trình lễ hội. Tuy nhiên do công tác tổ chức tại nhiều lễ hội chưa tốt nên dẫn đến những hành động kém văn hóa. Nguyên nhân là trong số người đến tham gia, có người có tư tưởng thái quá, quá mê tín nên quyết cướp bằng được, cướp bằng mọi cách dẫn đến có hành động phản cảm.

    Còn với những hình ảnh phản cảm tại lễ hội chém lợn Ném Thượng và lễ cầu trâu tại Phú Thọ, ông Hoàng Tuấn Anh- Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho hay: “Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng là Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Thanh tra Bộ, Viện Văn hóa nghệ thuật tham mưu, đề xuất, lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu về những lễ hội không phù hợp, gây phản cảm. Đồng thời Bộ sẽ rà soát đánh giá lại các lễ hội của các tỉnh/thành thời gian qua. Những truyền thống nào tốt đẹp chúng ta giữ, những hành vi nào phi văn hóa đi ngược lại với nếp sống văn minh thì nên loại bỏ. Bộ sẽ đánh giá lại những lễ hội gây ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, uy tín quốc gia để tham mưu cho Chính phủ hoặc là cấm hẳn, hoặc là giữ lại một phần hay tách riêng, khu biệt những nghi thức hiến sinh, tế lễ trong các lễ hội.

    “Chúng ta vẫn nói Việt Nam yêu chuộng hòa bình, mến khách nhưng đi lễ hội thấy toàn máu me, chặt đầu, chém giết, cướp... như vậy thì làm sao gọi là yêu chuộng hòa bình. Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, không phải tất cả cái gì thuộc về truyền thống cũng còn phù hợp đến bây giờ” - ông Hoàng Tuấn Anh cho biết.

    Chúng ta cần có giải pháp nào đó cho những lễ hội đông người. Ví dụ ở lễ hội Bà chúa Xứ chỉ phát giấy mời dự cho số người hạn định, buổi lễ sẽ diễn ra trật tự. Lễ hội đền Gióng cần khống chế lượng người để tránh cướp bằng mọi giá, cướp bằng được”.
    Ông Phạm Xuân Phúc
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người