Duy trì những lễ hội đầy rẫy hành vi bạo lực, sặc mùi kim tiền thì chẳng khác nào đang giết dần di sản văn hóa của dân tộc. Lễ hội nào mà có trò “cướp, giết” thì sẽ không thể kiểm soát được do tâm lý đám đông dễ làm lây lan hành vi vô văn hóa. Mùa lễ hội năm nay mới bắt đầu mà đã khiến cho xã hội phải đồng loạt lên tiếng vì những hành vi phản cảm đang diễn ra ngày càng phổ biến và mức độ ngày càng trầm trọng. Bản chất của lễ hội là tốt đẹp Quốc gia nào, dân tộc nào cũng có những lễ hội truyền thống. Đó là di sản văn hóa chứa đựng giá trị tinh túy và luôn được gạn lọc những gì không còn phù hợp với thời đại mới. Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ thường diễn ra ở những nơi trang nghiêm như trong hoặc trước cửa đình, đền, chùa... Tham gia và điều hành phần lễ là các bậc cao niên có uy tín trong cộng đồng, được cộng đồng kính trọng và tuân thủ sự điều hành trong lễ hội. Ý nghĩa của lễ là để giao tiếp với thần linh thông qua các nghi thức tín ngưỡng thể hiện nguyện vọng hay ký ức của một cộng đồng. Lễ hiến tế là một phần quan trọng của lễ hội, sau lễ hiến tế là một bữa ăn chung cả làng, như là sự sẻ chia những gì thần linh ban tặng. Cảnh cướp lộc phản cảm ở đền Trần (Nam Định) trong ngày phát ấn Phần hội diễn ra ở một “không gian mở” rộng lớn hơn, cho toàn thể cộng đồng và người ngoài cộng đồng có thể tham gia, “vui như hội” vì đây là không gian, thời gian nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí của con người thông qua các trò chơi dân gian thể hiện sự khéo léo, khỏe mạnh; cũng có những trò mang tính chất “phá luật” như “linh tinh tình phộc” (tắt đèn thì trai gái “tự do”)… Nhìn chung, lễ hội xưa mang đậm dấu ấn của nông nghiệp trồng lúa với cộng đồng cư dân “làng” hẹp về không gian và nhỏ về quy mô. Thông tin về các lễ hội xưa cũng hạn hẹp do truyền thông kiểu “truyền miệng”, chỉ có một vài lễ hội nổi tiếng khắp vùng như hội Gióng, hội Lim… Lễ hội có những mặt tích cực như bảo lưu các giá trị truyền thống của làng, nhắc nhở ý thức về cội nguồn, tưởng nhớ tổ tiên dân tộc, anh hùng dân tộc… Các trò chơi, trò vui trong hội thể hiện ý thức về đồng loại, cố kết con người vào cộng đồng, thể hiện ý thức về mỹ tục và thể hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật, thể thao của từng cá nhân, của cộng đồng. Tâm thức trong lễ hội xưa thể hiện tinh thần “dân chủ làng xã”, qua dịp lễ hội, mọi người gần gũi nhau hơn. Lễ hội thường vào thời gian “nông nhàn” con người được nghỉ ngơi. Đây là dịp con người nhìn lại và giải tỏa những phiền muộn, lo âu, bày tỏ với thần linh những mong muốn về cuộc sống tốt đẹp hơn. Những trò “cướp lộc” trong lễ hội phản ánh rõ một nhận thức là rất ít người có được sự “may mắn” từ thần linh ban cho, còn lại những ai không có được may mắn ấy thì càng cố gắng làm ăn. Vì vậy những hành vi trong lễ hội thời xưa là mang tính biểu trưng của văn hóa. “Bản sắc” phải đi đôi với “tiên tiến” Ngày nay, lễ hội có phạm vi không gian rộng hơn nhiều, càng rộng hơn về phạm vi ảnh hưởng vì phương tiện truyền thông hiện đại “ngay và luôn”. Gọi là “hội làng” nhưng phần lớn là người từ nơi khác đến tham gia, không phải ai cũng hiểu ý nghĩa và những hành vi mang tính tượng trưng của lễ hội xưa. Cũng cần phải nói đến tâm lý thực dụng, thậm chí có phần tham lam, của nhiều người dự lễ hội. Biết rằng “lộc” không đáng gì nhưng kém “miếng giữa làng” thì khó chịu, “sự may mắn” bị đánh đồng với “cái lợi” cho cá nhân nên quyết cướp giật cho bằng được, không được thì xô xát, chửi mắng, đánh nhau. Do đó, lễ hội nào mà có trò “cướp, giết” thì sẽ không thể kiểm soát được do tâm lý đám đông dễ làm lây lan hành vi vô văn hóa. Do quy mô lễ hội lớn hơn nên mục đích ý nghĩa của lễ hội không còn thuần túy tinh thần như trước. Dễ nhận thấy nhất là sự thương mại hóa lễ hội khá phổ biến. Để phục vụ mục đích thương mại, nhiều lễ hội biến dạng về hình thức và cả nội dung, do đó tính nhân văn của lễ hội ngày càng biến mất. Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, “chủ nghĩa nhân bản hiện đại đã tiến những bước dài trong ứng xử với tự nhiên, xã hội, cá nhân và cộng đồng. Các hành vi bạo lực bị lên án, các hành vi lệch lạc bị chỉ ra và ngăn cấm... Do đó, việc duy trì bản sắc văn hóa cũng cần được đặt trong khuôn khổ thế giới là một cộng đồng liên đới, có trách nhiệm chung, vừa duy trì sự đa dạng vừa đạt được sự đồng thuận theo các chuẩn mực quốc tế. Sự tuân thủ các chuẩn mực quốc tế phải được coi là trình độ đạt đến hay chưa đạt đến văn minh. Như thế, sự duy trì tục hiến sinh phải được đặt trong bối cảnh đó”. Duy trì các lễ hội truyền thống và những hoạt động trong lễ hội cũng phải đặt trong bối cảnh một xã hội đang “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến” bên cạnh việc gìn giữ “bản sắc văn hóa dân tộc”. Nếu cứ duy trì những lễ hội đầy rẫy hành vi bạo lực tham lam thì chính chúng ta đang “giết chết” di sản văn hóa. Di sản văn hóa sẽ không còn giá trị nếu không vun đắp tính nhân văn của cộng đồng và lòng nhân ái, trắc ẩn của mỗi con người.