Tâm thanh tịnh là tâm không vọng tưởng, quả đúng là như vậy. Thế nhưng nếu tâm hết vọng tưởng thì chúng ta còn niệm Phật để làm gì? Ở đây chúng ta phải biết rằng, đức Phật khi nói đến “tâm thanh tịnh” tức là nhằm khai thị chơn tâm Phật tánh nơi mỗi chúng ta, chứ không phải nói về cái tâm vọng tưởng chấp trước điên đảo sanh diệt của chúng ta. Chúng ta đã quy hướng về Phật pháp, đã chọn pháp môn niệm Phật để hành trì, chúng ta đã củng cố niềm tin và cảnh sách nhau về lý vô thường để cùng nhau tinh tấn. Vấn đề còn lại của chúng ta là công phu niệm Phật như thế nào để thân tâm chúng ta cùng với danh hiệu Phật hồ nhập làm một, không hai không khác? Có thể nói đây quả thật là một vấn đề nan giải. Trong suy nghĩ của mỗi Phật tử chúng ta, đức Phật là đấng tối thượng tối tôn, trang nghiêm, thanh tịnh … Do vậy khi lễ Phật hay niệm Phật, chúng ta luôn sợ thân tâm mình còn ô uế, còn tạp niệm, chưa thanh tịnh nên không dám hoặc chưa dám niệm Phật. Mỗi khi nghe ai đó khuyên niệm Phật, trong lòng chúng ta thì rất muốn, nhưng tâm ý chúng ta lại e ngại vì cho rằng mình chưa thanh tịnh. Đây là trạng thái tâm lý do kính ngưỡng Phật pháp mà sanh dè dặt, nên rất dễ nhận được sự cảm thông. Cũng suy nghĩ như vậy, có người còn cho rằng, khi đến một nơi chốn trang nghiêm thiêng liêng thanh tịnh, lẽ nào ta lại mang đồ ô uế đến. Hơn nữa cứ mỗi lần có dịp đến chùa tụng kinh lạy Phât, chúng ta luôn được nghe nhắc nhở: “Lên chánh điện thân tâm phải thanh tịnh” hoặc “Phải dùng cái tâm thanh tịnh để đến với Phật, để niệm Phật” Ôi ! Cái tâm thanh tịnh ra sao mà đi chùa lạy Phật cũng khó khăn quá vậy? Nhưng tâm thanh tịnh là gì? Phải chăng là cái tâm “không được” vọng tưởng? Tâm thanh tịnh là tâm không vọng tưởng, quả đúng là như vậy. Thế nhưng nếu tâm hết vọng tưởng thì chúng ta còn niệm Phật để làm gì? Ở đây chúng ta phải biết rằng, đức Phật khi nói đến “tâm thanh tịnh” tức là nhằm khai thị chơn tâm Phật tánh nơi mỗi chúng ta, chứ không phải nói về cái tâm vọng tưởng chấp trước điên đảo sanh diệt của chúng ta. Do vậy, khi chúng ta phát tâm niệm Phật, tức là chúng ta đã phát khởi nguồn sống tâm linh từ chơn tâm Phật tánh của chúng ta rồi. Vì chỉ có tâm Phật, tánh Phật, mới có thể phát động cái tâm muốn niệm Phật, còn tâm vọng tưởng tà vạy thì xu hướng ngũ dục chứ làm gì có khả năng phát khởi cái tâm nguyện niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc. Khi nhận ra điều này, thì vấn đề còn lại chỉ là gạn đục khơi trong mà thôi. Và chuyên cần niệm Phật đến “nhất tâm bất loạn” là phương cách thù thắng nhất để chúng ta có thể nhận ra tự tánh Di Đà của chính mình. Đức Phật dạy chúng ta: “Chúng sanh đều có Phật tánh” và “ Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”, trong Nho gia cũng có câu: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”. Tuy nhiên do một niệm vô minh bất giác chúng ta phải chịu trôi lăn vô lượng kiếp trong vòng sanh tử luân hồi. Từ việc chấp chặt vào cái tâm điên đảo vọng tưởng đó cho là cái tâm chân thật của chúng ta, nên đã sinh ra tự ti, mặc cảm, kể cả tự cao tự đại … đến khi quày đầu nhìn lại mới thấy mình quả là phàm phu, bất thiện nhiều hơn là đức hạnh thiện lành; bất an, phiền não ám chướng nhiều hơn là thanh tịnh, sáng suốt. Hiện nay chúng ta dùng câu Phật hiệu, với lòng tin và chí nguyện sâu dày, chúng ta tha thiết chuyên cần niệm Phật, nhằm loại bỏ sự cấu bẩn trong tâm để dần dần chúng ta trở về bản tánh thiện lành và chân như Phật tánh của mình. Chúng ta niệm Phật để cái vốn thiện trỗi dậy và thăng hoa, để Phật tánh vốn thường hằng ngày một thêm sáng tỏ. Dĩ nhiên khi đó, tâm vọng tưởng điên đảo sẽ không còn đất sống và theo dòng thời gian nó cũng sẽ tan dần theo từng câu niệm Phật của chúng ta. Thích Thiện Phụng, Trích từ sách Chân Thật Niệm Phật Cực Lạc Hiện Tiền