Tôi muốn hạnh phúc

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    "Đời người thì có hạn nhưng cái tôi muốn lại không cùng, lấy cái có hạn mà theo cái không cùng thì không bao giờ đạt được"

    [​IMG]
    Một người đàn ông đến chùa, rất thích chơi với các chú tiểu. Một hôm ông ngồi tâm sự: “Chú ở chùa vậy là an lạc lắm đó, tôi muốn hạnh phúc như chú mà đâu có được.”
    Chú tiểu tuy nhỏ nhưng thỉnh thoảng được nghe sư phụ dạy đôi điều về chân lý cuộc sống, liền nói đùa: “Bác vừa nói gì, cháu không nghe. Hay bác viết ra giấy đi cháu đọc xem sao.”
    Ông ta lấy giấy ghi: “Tôi Muốn Hạnh Phúc.”
    Chú tiểu nhìn qua, liền lấy bút xóa chữ ‘Tôi’ đi, rồi nói: “Bác hãy bỏ cái Tôi đi, thì xong mà.”
    Người đàn ông cầm tờ giấy lên, nói thật to như sợ chú tiểu không nghe: “Vậy còn ba chữ Muốn Hạnh Phúc.”
    Lần này chú tiểu lấy bút xóa đi chữ ‘Muốn’, rồi nói: “Bác bớt đi ham muốn, thì sẽ có ‘Hạnh Phúc’ ngay mà.”
    Cuộc sống, có nhiều người ôm ấp cố giữ bản ngã, tức cái Tôi quá lớn. Bình thường thì không sao, mang thêm trong người một chức danh, ánh mắt nhìn người sẽ khác hẳn. Tôi như thế này, Tôi phải xứng tầm với địa vị ấy… để cung phụng cho cái Tôi, họ muốn được kính nể, muốn được sang trọng, muốn nhà cao cửa rộng, áo quần đẳng cấp…
    Bảo vệ cái Tôi, cung phụng cho lòng tham muốn… bất chấp cho mọi lý lẽ, miễn sao đạt được điều mong muốn. Nhưng tham muốn là một cái túi không đáy, càng ham muốn càng đuổi theo bắt lấy thì càng chơi vơi. Bởi xưa nay có một lại muốn mười, có mười muốn trăm, có trăm muốn ngàn… gắng chạy theo, không điểm dừng, và kết cục đau khổ vì mãi chưa biết rằng bản thân ta như thế nào là đủ.

    Trong cuộc sống, chính vì cái tôi mà người ta rơi vào vòng quẩn quanh của sai lầm, dẫn đến phiền não và đau khổ. Vì chấp ngã, coi cái “tôi” là thật mà sinh ra ích kỷ, đố kỵ và tham lam. Người ta xem bản ngã là trung tâm của vũ trụ, muốn thu hút mọi sự quan tâm, tình yêu, may mắn, danh lợi, và cũng từ đó mà sinh ra đau khổ. Vì chấp ngã, vì cái tôi quá cao nên chỉ biết đến bản thân mình, không quan tâm đến mọi người xung quanh, chỉ coi mình là quan trọng. Đôi khi, người ta quên mất một điều rằng chỉ khi yêu thương được cho đi, hạnh phúc ấy mới được nhân lên và quay trở về. Người ta chỉ nhận mà quên mất cho đi. Vì quá coi trọng bản thân, người ta đau khổ khi thấy người khác giỏi giang hơn mình, nhận được những ưu ái hơn mình.
    Ngay cả trong tình yêu đôi lứa cũng vậy, nhiều khi, đó chỉ là một dạng tình yêu bản thân mình mà mình ngỡ là đang yêu người khác. Nếu không phải chỉ vì yêu bản thân, người ta đã không đau khổ khi người mình thương không để ý đến mình, không làm theo lời mình, không dành cho mình những gì tốt đẹp nhất mà có khi lại dành cho người khác.
    Thật đáng sợ khi hầu hết mỗi người đều cho nỗi đau đó là tất nhiên mà không biết hóa giải nó bằng cách bỏ đi cái tôi của mình. Nếu như ai cũng yêu thương một cách vô tư, không vụ lợi toan tính, không mong được đáp trả, như những người mẹ yêu những đứa con của mình vô điều kiện, vui mừng khi thấy người mình yêu thương được hạnh phúc, được vui vẻ, khỏe mạnh và hoan hỷ ủng hộ người ta đi theo con đường đã chọn thì bản thân đã không đau khổ.
    Xã hội hiện đại, người ta thường cổ xúy sống cho chính mình, làm những gì mình thích, tự do thể hiện bản thân. Nếu không biết nương vào các giá trị đạo đức thì dễ dẫn đến những hệ quả khó lường. Nếu như ai cũng chỉ lo sống cho mình với những điều mình thích, không còn nghĩ về cái chung thì nhân loại sẽ đi về đâu?
    Thời xưa, người ta chỉ mặc một loại trang phục giống nhau như áo nâu, áo dài, áo bà ba, vẻ ngoài không phải là thứ để người ta đua tranh, người ta không quẩn quanh trong những cuộc đua hào nhoáng vô nghĩa và đánh mất giá trị cuộc sống, quên đi sự cao thượng của tâm hồn và lòng hảo tâm. Trong chiến tranh, bao nhiêu người đã quên mình ra trận để bảo vệ cho quê hương, đất nước? Bao nhiêu người vợ, người mẹ tiễn chồng, tiễn con ra trận mà không dám mong ngày người thân quay trở về? Những người hy sinh bản thân, quên mình cống hiến cho dân tộc, làm việc công ích, hành động thiện nguyện giúp người khác mà chưa bao giờ phiền lòng vì những thiệt thòi hay mất mát cho bản thân. Họ có hạnh phúc với những gì mình đã làm hay không? Câu trả lời đã quá rõ ràng, hạnh phúc chỉ tồn tại khi chỉ biết cho đi mà không mong nhận lại.
    Những tham muốn cũng làm cho người ta đau khổ. Tham vọng và mưu cầu làm người ta lao tâm khổ tứ, chạy theo những điều không có thực. Tham muốn này nối tiếp tham muốn kia, muốn cái này rồi lại đòi thêm cái khác, chẳng bao giờ thấy đủ. Lúc nào cũng thấy thiếu thốn và khổ đau vì không đạt được những gì mình muốn hay không được như người khác. Đáng sợ hơn, đôi khi người ta nhầm lẫn cái người khác muốn là cái mình muốn để lao theo giành giật, nhưng cuối cùng vẫn cảm thấy mình không hạnh phúc khi thiếu tình cảm, thiếu niềm vui, thiếu bạn bè, thiếu người thân và vô vàn những cái thiếu trong nỗi cô đơn đau khổ, chẳng bao giờ dừng. Có những người vì ham muốn, tham lam, đã đánh mất đi tất cả trong đó có cả tự trọng, lòng tự tôn và đánh mất cả tương lai trong chốn lao tù hay bị đày đọa trong kiếp luân hồi, chịu sự trừng phạt của nhân quả.
    Vậy đâu là chân hạnh phúc? Làm sao để hạnh phúc? Câu trả lời đơn giản vẫn là hướng về vô ngã và buông bỏ ham muốn, nhưng mấy người làm được? Người ta vẫn đau khổ mưu cầu “Tôi muốn hạnh phúc” mà không biết chỉ cần bỏ cái tôi, bỏ ham muốn thì hạnh phúc liền có mặt.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người