Mỗi năm, trên cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó có hơn 7.000 lễ hội dân gian. Trung bình mỗi ngày có hơn 20 lễ hội, theo tính toán mỗi ngày có hàng vạn người đi chơi. Lãng phí quá lớn về nguồn lực lao động. Trật tự cho lễ hội, không thể muộn hơn! Động Hương Tích, chùa Hương. Ảnh: internet Có những lễ hội kéo dài cả tháng, có những ngày hàng vạn người tham gia như hội chùa Hương, hội Yên Tử, hội Đền Hùng, hội Đền Trần (miền Bắc), hội Bà Chúa Xứ (miền Nam)... Lễ hội ở Việt Nam tập trung chủ yếu vào mùa Xuân và một ít vào mùa Thu, do vậy cha ông ta từ ngàn xưa có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Lễ hội tập trung vào mùa Xuân là do ảnh hưởng của dư âm ngày Tết Cổ truyền và giao thời nông vụ, mùa màng cấy hái, gieo trồng đã xong, tiết Xuân đẹp, cây cối đâm chồi nảy lộc. Nhưng truyền thống du Xuân phát triển có xu hướng đáng ngại, bởi một đất nước có quá nhiều lễ hội với số lượng người tham gia quá lớn lại diễn ra trong nhiều ngày. Lãng phí thời gian, tiền bạc, sức khỏe của nhiều người và theo đó nảy sinh thêm nhiều tệ nạn mê tín, rượu chè, cờ bạc và tai nạn giao thông... Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam lại được liệt vào hạng cuối của các nước trong khu vực (theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Châu Á - Thái Bình Dương). Đây là điều đáng buồn và cần có một hồi chuông báo động không thể muộn hơn! Vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch giao các cơ quan dưới Bộ phối hợp kiểm tra, rà soát, nghiên cứu lễ hội, nguồn gốc lễ hội. Từ kết quả trên sẽ tiến hành tham mưu cho Bộ tổ chức hội thảo lấy ý kiến từ quần chúng nhân dân đến các chuyên gia nhằm đánh giá hiệu quả của lễ hội, ảnh hưởng từ lễ hội đến cộng đồng, tiến tới loại bỏ những yếu tố truyền thống không còn phù hợp với cuộc sống đương đại. Mục tiêu cần đạt được là hoạt động lễ hội văn minh nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện chúng ta vẫn duy trì, phục hồi một số hoạt động trong lễ hội chứa niềm tin, hành vi mù quáng, thái quá như chém lợn giữa sân đình, đốt nhiều vàng mã… là kéo lùi lịch sử. Làm sống lại nét văn hóa truyền thống nhưng phải phù hợp với văn minh của nhân loại; loại bỏ tư tưởng bảo thủ, duy trì sự hiếu kỳ lạc hậu, man rợ để thu hút khách tham quan, trục lợi thương mại trên lễ hội. Về giải pháp, qua hội thảo có được đề xuất quy hoạch lễ hội theo hướng giữ lại tính thiêng, nét đẹp văn hóa của lễ hội; quy mô, thời gian tổ chức lễ hội, chẳng hạn cứ 5 năm tổ chức một lần hội lớn, các năm khác tổ chức bình thường. Đặc biệt xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về hoạt động của lễ hội, dựa trên kết quả đánh giá của từng hoạt động lễ hội từng năm ở từng địa phương để có thêm tiêu chí đánh giá hoạt động toàn diện của địa phương đó. Có như thế lễ hội vừa gìn giữ được nét đẹp truyền thống lại không bị mang tiếng xa hoa, mù quáng. Thế Lữ