Nhiều cặp vợ chồng nuôi con thấy con hay bị ốm vặt, không nghe lời, hay quậy phá cho rằng, con sinh vào giờ kỵ, ngày phạm và phải bán khoán con vào chùa để được thần linh che chở, bảo vệ. Thế nhưng, liệu bán khoán cầu tự con vào chùa rồi, con có “dễ nuôi” hơn không là điều mà rất nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng. Bán khoán con lên chùa là một tín ngưỡng dân gian. Đây là một hình thức gửi gắm về mặt tâm linh. Từ xưa đến nay, nhiều gia đình quan niệm, khi sinh con ra, đứa trẻ hay đau yếu, khóc lóc không phải là do bị bệnh từ thân hoặc những đứa trẻ sinh vào giờ kỵ, ngày phạm (tức ngày mùng 1, 5, 8, 15, 23, 24, 28 và ngày 30 Âm lịch). Đó là những ngày kỵ theo quan niệm dân gian, người dân không nên ra ngoài đường, để tránh sự quở trách của “quan đi tuần”?! Những đứa trẻ sinh vào ngày đó được xem là phạm vào ngày kỵ nên rất khó nuôi, hay ốm đau. Thế nên, nhiều gia đình mong muốn được nương nhờ vào Phật pháp, vào Thánh, vào sức mạnh của một đấng tối cao che chở cho con cái của họ. Cũng bởi thế mà tín ngưỡng bán khoán diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước. Bà Trần Thị Nương (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cháu nội bà vừa làm lễ đầy tháng nhưng ngày nào cũng quấy khóc, không chịu ăn. Thấy cháu như vậy, bà Nương mất ăn, mất ngủ, thậm chí lên chùa thắp hương cầu an. Tuy nhiên, nhiều người đã khuyên bà nên bán khoán cháu lên chùa cho dễ nuôi. Nhân ngày Rằm tháng Giêng vừa rồi, bà Nương đã sắm lễ đến chùa Vẽ (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) làm lễ bán khoán cho cháu với mong muốn cháu ăn ngon ngủ yên, dễ nuôi. Bà Nương cho hay, trước khi kết hôn, con trai bà đã đi xem hợp tuổi, hợp mệnh với con dâu. Đứa cháu gái cũng thuộc cung “tam hợp” với bố mẹ. Tuy nhiên, cũng vì có người mách nhỏ “tam hợp có thể biến tam tai” nên khi thấy cháu quấy khóc, bà Nương trở nên lo lắng, bất an. “Tôi hy vọng, bán khoán cháu lên chùa để các ngài nâng đỡ. Bố mẹ cháu làm ăn cũng được thuận lợi hơn”, bà Nương chia sẻ. Bà Nương cho biết, có hai hình thức bán khoán con lên chùa: Bán khoán đến hết năm 12 tuổi, “chuộc” con ra, hoặc là bán khoán trọn đời. Gia đình nào muốn bán khoán con, có thể lên bất kỳ ngôi chùa nào, hoặc chọn chùa ở gần nhà, hỏi sư thầy về mặt thủ tục và thời gian thực hiện. Khi đã bán khoán con, bố mẹ cũng không nhất thiết là đi chùa đều đặn hàng tháng. Quan trọng nhất, bố mẹ và con nên làm nhiều việc thiện, giúp đỡ mọi người. Nếu có thời gian rỗi, vào ngày mùng Một hay ngày 15 hàng tháng, tính theo lịch âm, hoặc bất cứ khi nào có thời gian rảnh, các bố mẹ có thể lên chùa vãn cảnh cầu an cho cả gia đình. Ảnh minh họa Tuy nhiên, bán khoán con lên chùa có dễ nuôi hay không, đến nay chưa được xác nhận một cách chính xác và cụ thể. Đây là vấn đề thuộc về tâm lý của mỗi gia đình. Thậm chí, nhiều người còn lo ngại lợi bất cập hại, bán khoán con lên chùa, sau này lớn lên, con sẽ gặp lận đận trong tình duyên và hôn nhân? Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, chị Nguyễn Thu Linh (Vĩnh Hồ, Hà Nội) cho biết, cậu con trai của chị khá nghịch. Hồi nhỏ, khi thấy con hay ốm đau, người lúc nào cũng xanh lét như tàu lá chuối, chị đã đưa con đi khám hết bệnh viện Nhi Trung ương đến viện Dinh dưỡng Quốc gia để cải thiện thể trạng. Thế nhưng, con chị vẫn thường xuyên đau ốm, còi cọc. Mãi đến khi con được 5 tuổi, chị đi xem “thầy” và được khuyên nên bán khoán con vào cửa Đức Ông ở chùa để ngài che chở. Tuy nhiên, theo “thầy” thì chị chỉ cần bán con đến hết 12 tuổi và “chuộc” con về. Theo lịch hẹn, đến Rằm tháng Hai âm lịch, chị sẽ đến chùa làm lễ “chuộc” con. Theo chị Linh, thủ tục bán khoán cho con rất đơn giản. Chỉ cần sắm mâm lễ theo lời thầy dặn, còn việc thủ tục, cúng bái sẽ được thầy lo toàn bộ. Chi phí để làm lễ bán khoán khoảng 2 triệu đồng. “Sau khi làm lễ bán khoán, thầy có đưa một tờ giấy màu vàng (kiểu như tờ sớ), trong đó có ghi tên của đứa trẻ đã được “thay tên đổi họ” cho gia đình mang về. Một nguyên tắc bất di bất dịch là gia đình phải mua lễ và phải đặt tờ giấy đó lên bàn thờ gia tiên thắp hương trong vòng 100 ngày. Khi “chuộc” con, gia đình nhất định phải mang theo tờ giấy này”, chị Linh chia sẻ. Cũng theo chị Linh, từ khi bán khoán cho con, đứa trẻ ít ốm đau hơn nhưng người lúc nào cũng xanh xao, gầy guộc. Chị Linh bảo rằng: “Không bán khoán cho con thì không yên tâm. Nhưng bán khoán có khiến con dễ nuôi hơn hay không thì tôi cũng không biết thực hư thế nào”, chị Linh nói. Những đứa trẻ được khoán thêm lý lịch của thần linh Không chỉ những đứa trẻ sinh vào giờ kỵ, ngày phạm thì quan niệm dân gian mới cho rằng, khó nuôi và phải bán khoán. Với nhiều gia đình sinh con muộn mằn, con “cầu tự” cũng có tâm lý sợ khó nuôi nên đã làm lễ bán con vào cửa chùa làm con Thánh, con Phật để nương nhờ và được hộ mệnh. Nếu bán vào cửa Thánh, chẳng hạn, đền thờ Đức Thánh Trần thì đổi họ Trần, nếu bán vào cửa chùa thì gọi là Mầu. Chị Nguyễn Thanh Hà (Đội cấn, Hà Nội) cho biết: “Vợ chồng tôi lấy nhau được 4 năm nhưng không có tin vui. Hễ có ai mách, chữa con hiếm muộn ở đâu là vợ chồng tôi lại tìm đến nhưng kết quả vẫn chỉ là hy vọng. Cho đến khi một “thầy” ở Hưng Yên khuyên tôi, bên cạnh việc chạy chữa nên đi cầu tự ở lầu cô (nếu muốn cầu con gái), lầu cậu (nếu muốn cầu con trai) trong động Hương Tích, chùa Hương thì sẽ được toại nguyện”. Chị Hà kể lại: “Theo lời thầy, để làm lễ cầu tự, tôi đã sắm lễ vật gồm 5 loại quả (mỗi loại 1 trái); 7 thứ bánh, đồ chơi mà trẻ em thường thích (bim bim, kẹo mút, đồ chơi...); 7 đồng tiền dâng lên lầu cậu để khấn bái, xin đài âm dương... Kết quả, sau hơn một năm làm lễ “cầu tự”, vợ chồng tôi đã sinh con đầu lòng, niềm hạnh phúc vô tận và cũng thật kỳ lạ. Nhưng cháu hay quấy khóc và lười ăn, tôi luôn cảm thấy bất an. Để yên tâm, tôi tiếp tục làm lễ “bán” con vào đền và đổi họ Trần cho con”. Trước xu hướng, nhiều gia đình tìm đến các đền chùa để bán con mong thần thánh che chở, Đại đức Thích Bản Quyền - trụ trì chùa Phúc Long (Hải Phòng) cho biết: “Việc bán con chỉ giải quyết về niềm tin tôn giáo. Các thủ tục bán con thường chỉ bằng miệng, bố mẹ thấy con “khó nuôi” thì đưa cháu lên chùa. Tại đây, thầy trụ trì sẽ chọn ngày và lên chánh điện làm lễ. Buổi lễ diễn ra cũng rất nhanh chóng, thầy thắp hương và bạch Phật, sau đó dùng nước sái tịnh và lấy tay xoa đầu cho bé. Sau đó, thầy đặt cho một cái tên (tên này khác với ý nghĩa của pháp danh). Đây chỉ là cái tên của thầy đặt cho để công nhận bé là người của nhà chùa. Sau khi làm lễ xong, bố mẹ bé có thể đưa bé ra về. Việc làm này chỉ nhằm giúp bố mẹ nuôi bé dễ hơn. Việc bán con này phổ biến diễn ra ở các vùng nông thôn, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc”. Cũng theo Đại đức Thích Bản Quyền, có nhiều gia đình bán khoán con cả đời và không chuộc ra. Việc bán con này chỉ là hình thức nói miệng để nương nhờ oai đức của chư Tăng, Thiên thần và sự gia hộ của chư Phật cho đứa trẻ. “Gửi trẻ vào cửa Phật, đặt một cái tên khác để giúp cho bé dễ nuôi chứ có phải đi tu đâu mà ảnh hưởng đến hôn nhân và công danh của bé sau này”, thầy Thích Bản Quyền chia sẻ. Tuy việc làm này hỗ trợ niềm tin nhưng cũng không nên quá lạm dụng. Có những gia đình vì quá tin vào thầy bói, khi nghe phán là cháu khắc với cha mẹ, sinh cháu ra sẽ làm ăn lụi bại hay đoản mệnh... thì tìm cách bán khoán cháu, để chùa nuôi là điều không nên. Theo ĐS&PL