TỪ, BI, HỶ, XẢ..!

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    TỪ BI
    Cảnh đời đau khổ không phải tự nhiên, không phải do ai chủ định, chính do lòng ác độc chúng sinh gây nên và chỉ có lòng Từ bi mới phá tan được. Hành vi man trá tàn bạo cũng chính do ác tâm gây ra và chỉ có lòng Từ bi mới trừ diệt được. Vậy nên trên con đường tu học, trong sự xây dựng hạnh phúc cho mình cần có tâm Từ bi hướng dẫn chỉ đạo. Một lòng Từ bi trong sạch, bình đẳng, rộng rãi, sáng suốt, thiết thực và dũng cảm.
    Lòng Từ bi trong sạch nghĩa là không vẩn đục một chút mưu lợi ẩn ý, tiềm tàng một dục vọng man trá gì.
    Lòng Từ bi bình đẳng, rộng rãi, không phân chia thân sơ, quí tiện, nghèo giàu, không hạn cuộc trong gia đình, xứ sở, phương trời...
    Lòng Từ bi, sáng suốt, hướng mọi đau khổ đến chân trời giải thoát, ứng dụng pháp thí khai sáng cho chúng sinh mê muội.
    Lòng Từ bi thiết thực dũng cảm, nhẫn những sự khó nhẫn, thí những điều khó thí, luôn luôn thương nghĩ đến chúng sinh, trừ khổ đem vui cho chúng sinh.
    Phật là gương sáng của hạnh Từ bi. Con người (Phật tử) là người phải cố gắng thực hành lòng Từ bi đó.
    Có tâm đi giúp người thì tốt nhất không nên mong đợi được đền đáp dù việc tốt đó là lớn hay nhỏ. Đừng để lợi ích của cá nhân hay tập thể vượt quá lợi ích của cộng đồng. Đôi khi bị cuốn theo những cám dỗ, những thứ mới mẻ của cuộc sống mà ta lại quên đi mất những điều quan trọng nhất và xuất phát điểm là từ đâu.
    Hãy cố gắng làm tốt từng việc một, chậm rãi từng bước phát triển, làm từ những việc bé nhỏ nhất rồi tăng lên những việc lớn dần. Việc nhỏ chưa làm tốt thì làm sao làm được việc lớn?
    Không cần phân biệt dù là xây chùa, xây trường, phát quà cho người nghèo hay chỉ đơn thuần đưa một người cao tuổi qua đường, giúp một chú chó bị thương, những việc xuất phát điểm từ lòng thương, đó đều là từ thiện, là việc tốt nên làm để tu Bi tâm.
    [​IMG]
    Hỉ Xả
    "Khi cả thế giới Quay lưng lại với bạn, xin đừng oán hận mà Quay lưng đi, bởi Oán hận chẳng thể hoá giải điều gì, và Quay lưng đi thì khoảng cách lại càng xa hơn ...
    Hãy bước tới mà Ôm cả thế giới, chỉ có Tình thương mới hoá giải được Thù hận. Thì khoảng cách sẽ không còn nữa, nó không là yếu đuối hay bạt nhược. Nó là sự Cảm thông vô hạn.."
    Sống trên đấu trường nhân loại, trong cõi đời trần tục nhiễm ô, nếu ai cố ôm chặt lòng thù hận chấp nê thì không sao tránh khỏi cảnh lầm than đau khổ. Muốn thoát khổ được vui, con người phải gỡ bỏ những mối dây oán hận, tẩy sạch những vết nhơ ô nhiễm trong cõi lòng mình cho được nhẹ nhàng trong sạch. Phương pháp gỡ bỏ và tẩy trừ ấy là đức hỉ xả.
    Hỉ xả là vui vẻ tha thứ những lỗi lầm mà người đã phạm đến ta, cũng như vui vẻ bỏ tất cả danh vọng, tài sắc cho đến thân mạng của ta, nếu thấy cần và lợi ích cho chúng sanh. Có tha thứ, lòng ta mới thênh thang, tim ta mới hòa nhịp cùng tim của mọi người, có xả bỏ, tâm ta mới thanh thoát và an tịnh.
    Cuộc đời đen tối và sầu khổ nhất là cuộc đời của kẻ hay cau có, oán thù. Vì kẻ hay cau có thì trên gương mặt luôn luôn hiện đầy những nét nhăn gay gắt, đôi mi chau lại lộ vẻ khó khăn. Kẻ còn ôm nặng khối hận thù thì lửa hận thù thiêu đốt cả tim gan và buồng phổi của họ. Còn gì khổ đau hơn khi tim gan bị thiêu đốt. Còn gì xấu xí bằng khi gương mặt nhăn nhó, héo sầu. Sống trên đời này, nếu ta gặp điều trái ý liền mang lòng thù hận, thì chắc đời ta sẽ thấy toàn thù hận và oán hờn. Như Tý dùng lời thô bỉ mắng Thân, Thân cố trả thù phải dùng lời bỉ ổi hơn, ban đầu còn trả thù nhau bằng miệng, kế trả thù bằng tay chân và sau cùng phải trả thù nhau bằng dao, búa. Khi sơ khởi chỉ là mối thù riêng của cá nhân, rồi lan dần đến mối thù chung của gia đình, của thân tộc. Cứ thế, oán thù chập chùng thêm mãi biết bao giờ dứt. Đức Phật dạy: “Lấy oán trả oán, oán mãi chất chồng; lấy ân trả oán, oán liền tiêu diệt.” Người trong lòng mãi ôm ấp hận thù thì lúc nào cũng tưởng chừng chung quanh đều là kẻ thù muốn hại mình, vì vậy họ sống những ngày đầy lo sợ. Chỉ có ai biết lấy ân trả oán mới mong dứt sạch được hận thù. Như người Đình Trưởng nước Lương trả thù người cào dưa mình bằng cách ra công tưới dưa cho người, nhờ đó mà hận thù dứt sạch.
    Còn gì vui sướng hơn, kẻ có tâm lượng bao dung sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm cho người. Khi nào trong lòng ta không còn một mảy may thắc mắc, không còn một chút bợn hận thù, đó là lúc ta hoàn toàn an lạc. Người mà lòng được thanh thoát nhẹ nhàng thì gương mặt vui tươi, lời nói thanh nhã, cử chỉ thư thái, toàn thân hiện ra một phong độ khả ái khả kính. Con người ấy có mấy khi phải buồn khổ, vì thế nên họ trẻ mãi, sống dai. Sách có câu: “Thù ghét là sâu mọt đục khoét người ta, làm cho người ta chóng xấu, chóng già, chóng chết; yêu thương và tha thứ là suối nước cam lồ tưới vào lòng người, làm cho người tươi đẹp, trẻ dai và sống mãi.”
    Danh vọng, tài sắc... ở đời là những cạm bẫy chực hại người, nhưng vì nó có công năng hấp dẫn quyến rũ khiến người phải mê mẩn say sưa để rồi chịu khổ, cũng như miếng mồi vì có mùi thơm hấp dẫn, con lươn phải lao đầu vào hom trúm. Phần đông người đời ngỡ rằng đuổi bắt tài sắc, danh vọng... là hạnh phúc, chớ đâu ngờ càng đuổi bắt nó càng chuốc khổ về mình. Đây, một chàng thanh niên ủ dột ngồi dưới lùm cổ thọ, phải chăng chàng đã trật chân trên nấc thang danh vọng? Kia, một thiếu nữ sầu bi đứng dựa mé sông sâu, phải chăng vì tình duyên ngang trái? Tóm lại, bởi đắm nhiễm sắc, tài, danh vọng... người đời phải luống chịu đau khổ.
    Dứt bỏ những tham nhiễm là điều không phải dễ, mà dứt bỏ một cách vui vẻ lại càng khó hơn. Nếu ai mắt thấy sắc đẹp, tai nghe tiếng hay... mà lòng không ái nhiễm, ấy là bậc siêu nhân. Ngài Phù Dung thiền sư nói: “... ngộ thanh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa, kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết...” nghĩa là: “... nghe tiếng hay, nhìn sắc đẹp như hoa trồng trên đá, thấy tài lợi danh vọng như bụi rơi vào mắt...” Con người được như vậy mới hẳn là tự tại an vui. Chúng ta nhìn qua tượng đức Di-lặc sẽ thấy năm đứa nhỏ móc tai, chọc mắt... Ngài, mà trên gương mặt Ngài vẫn nở một nụ cười tự tại. Hình dáng ấy để tượng trưng cho người đã hỉ xả ngũ trần toàn vẹn. Đức Di-lặc không cười sao đặng, vì ngoại cảnh còn gì quyến rũ được Ngài, tâm Ngài lúc nào cũng an nhiên thì quyết định trên gương mặt hẳn luôn luôn hoan hỉ.
    Tài, sắc, danh vọng... là vật bên ngoài, xả bỏ không lấy gì làm khó, đến như thân mạng là cái mà người phàm phu tuyệt đối mến yêu, muốn xả bỏ nó thì sự khó khăn lại gấp bội phần. Người đời vì trìu mến thân nên đã gây biết bao tội lỗi, ngược lại: Bồ-tát vì chúng sanh bỏ thân mạng dễ dàng hơn người tham lẫn bỏ một vắt cơm.
    * Người đã quên mình vì chúng sanh thì đối với sự khổ vui còn mất của thân mình không đáng kể, như thế là họ đã vượt khỏi cái khổ vì thân. Lão Tử nói: “Ngô hữu đại hoạn vị ngô hữu thân, ngô nhược vô thân hà hoạn chi hữu.” Thật vậy, nếu không còn thấy có riêng mình thì còn hoạn gì làm cho mình khổ. Vui lòng bỏ thân mạng để cứu độ chúng sanh, đó là đức hỉ xả cứu kính.
    Tóm lại hỉ xả những oán thù cho lòng được nhẹ lòng thanh thoát, đó là cái vui của phàm nhân. Hỉ xả những tài, sắc, danh vọng... cho tâm được tự tại, đó là cái vui của bậc giải thoát. Hỉ xả thân mạng để cứu độ chúng sanh, làm cho tất cả chúng sanh được an lạc, đó là cái vui của bậc Giác ngộ. Người quyết tâm dứt khổ tìm vui, phải tu đức hỉ xả theo thứ tự của nó, hỉ xả một phần là chúng ta được vui một bậc. Đến khi nào hỉ xả toàn vẹn rồi là ta được cái vui cứu kính. Như vậy, vui và khổ không phải do ai đem đến hay ban cho, mà chính ta tự tạo lấy.
    TỪ, BI, HỶ, XẢ
    Là “Tứ Vô Lượng Tâm”, tức là “bốn món tâm rộng lớn không lường được” đó là các tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả”. Phật dạy hãy mở rộng bốn tâm này, không hạn chế, cho tất cả các loài hữu tình ở khắp bốn phương. Đây là những đặc tính giúp con người trở nên tốt đẹp, hoàn thiện, là lối sống của bậc thánh. Nếu mỗi người tự cố gắng thực hành “tứ vô lượng tâm”, không phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc..v.v… thì mỗi người sẽ trở thành một công dân lý tưởng trong một thế giới hòa bình, an lạc.
    Đạo Phật thường được gọi là đạo từ bi, đạo cứu khổ. Ở đâu có Đạo Phật, ở đó có tình thương. Phương châm tu tập của Phật Giáo là từ, bi, hỷ, xả. Người Phật tử lấy từ, bi, hỷ, xả làm nền tảng cho sự phát triển thánh hạnh; tâm từ bi được coi là tâm Phật. Trong quá trình truyền giáo, Đạo Phật chưa bao giờ gây chiến tranh hay đổ máu, thông điệp tình thương cứu khổ, giúp đời đã được Ngài tuyên thuyết ngay từ thời kỳ sơ khai thành lập giáo phái. Bốn món tâm rộng lớn không lường được nói trên nếu của Phật và các vị Bồ tát thời được xưng là “Đại từ, Đại bi, Đại hỷ, Đại xả”.
    Tâm “Từ” là khả năng hiến tặng niềm vui cho tha nhân, cho người khác. Tâm “Bi” là khả năng làm vơi đi nỗi khổ đang có mặt. Tâm “Hỷ” là niềm vui, lòng thanh thản do từ bi đem tới. Tâm “Xả” là thư thái nhẹ nhàng, tự do, không kỳ thị. Ngài dạy con người phải tu tập tứ vô lượng tâm này sẽ đạt đến an lạc, hạnh phúc và giải thoát...!
    Nguyện cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sớm hiểu được chân lý Nhân quả và chân lý của lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả luôn tương thân tương ái sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Nguyện được thực hành lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả đó và đi gieo duyên hành thiện đến hết cuộc đời này.
     
    tanduc2512 thích bài này.

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người