Khi gặp chuyện muộn phiền, khó khăn, hay gặp lúc bế tắc, khó xử, người ta thường buột miệng mà nói ra 2 chữ: “Tùy duyên”. Đó là câu cửa miệng của rất nhiều người nhưng hiểu được ý nghĩa thâm sâu của nó lại không phải là chuyện đơn giản. Kỳ thực, tùy duyên vốn không phải chuyện dễ làm. Phải là người có cảnh giới tư tưởng nhất định thì mới thật sự thấu hiểu và làm tốt điều này. Cái gọi là “tùy” ở đây không phải là tùy tiện hay tùy tùng (đi theo) mà chính là: Thuận theo tự nhiên, không oán hận, không nóng nảy, không cưỡng cầu. Vậy thế nào là “duyên”? Vạn sự, vạn vật trên đời này thảy đều liên quan với nhau ở một chữ “duyên”. Bất luận là nhân duyên, cơ duyên, thiện duyên hay ác duyên, đâu đâu cũng có, tồn tại mọi lúc. Nhưng duyên có tụ thì cũng có tan, có đến rồi cũng có rời. Nhưng tùy duyên cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Tận tâm hành thiện, không so đo kết quả, được mất, lấy thái độ tùy duyên mà đối diện với sự đời, đây chính là tùy duyên tích cực, vừa không cưỡng cầu lại có thể nắm giữ được cơ duyên. Trái lại, lấy lý do tùy duyên mà không làm tròn bổn phận, phó thác cho số phận, không mong cầu tiến, vươn lên, trốn tránh việc khó thì chính là một dạng cực đoan. Tùy duyên lúc này trở thành cái cớ để người ta biếng lười, phó mặc. Tùy duyên khác với tùy tiện. Tùy tiện là làm việc qua loa cho xong, được chăng hay chớ, không có nguyên tắc cũng chẳng có lập trường và không chịu trách nhiệm. Một người nọ luôn luôn phiền não vì nhân duyên với vợ không như ý. Nhưng thay vì cố gắng cải biến nhân duyên, anh ta lại nghĩ: “Tùy duyên vậy thôi, có duyên thì ở cùng, không phận thì rời đi“. Đó cũng là thái độ không đúng đắn. Anh ta chưa từng nghĩ xem mình đã hành xử đúng mực chưa hay đang tùy tiện để cho những mâu thuẫn đưa đẩy mình đi rồi gọi đó là “duyên phận”? Trước khi chờ vào duyên phận, hãy biết sống tốt, hãy chủ động làm một người đứng đắn, mẫu mực. Tùy duyên không phải là từ bỏ một cách vô tội vạ và tùy tiện. Tùy duyên là thuận theo nhân duyên, nhìn thấu được chuyện ly hợp của đời người, từ đó có được sự ung dung lạc quan và đứng ngoài được mất. Có trong mình một tâm thái tùy duyên, bạn sẽ nhận ra rằng, bất kể bầu trời là mây đen mù mịt hay là rực rỡ ánh vàng, con đường đời dù là trắc trở, chông gai hay thênh thang muôn lối, thì trong lòng mình luôn có được cảm giác điềm tĩnh và bình yên. Tùy duyên là chớ nên cưỡng cầu nhưng cũng đừng quá buông xuôi, qua loa và cẩu thả. Hãy biết nắm bắt cơ hội, đối nhân xử thế thuận theo nhân duyên, ôm giữ trái tim từ bi, khoan dung và độ lượng. Đó mới chính là tùy duyên thật sự. Tùy duyên là chớ nên cưỡng cầu nhưng cũng đừng quá buông xuôi, qua loa và cẩu thả.Xưa có một lão hòa thượng sống trong ngôi chùa cổ trên núi cao. Một ngày kia có vị khách ghé thăm chùa. Người khách biết lão hòa thượng đã tu hành đắc Đạo, bèn hỏi ông rằng: “Trước khi đắc Đạo, ngài đã làm những gì?”. Lão hòa thượng trả lời: “Ta chẻ củi, gánh nước, nấu cơm”. Người khách hỏi: “Vậy sau khi đắc Đạo thì sao?”. Lão hòa thượng nói: “Ta vẫn chẻ củi, gánh nước, nấu cơm”. Người khách băn khoăn, lại hỏi: “Vậy cái gì gọi là đắc Đạo?”. Lão hòa thượng ôn tồn trả lời: “Trước khi đắc Đạo, lúc chẻ củi thì nghĩ về gánh nước, lúc gánh nước lại nghĩ về nấu cơm, nấu cơm rồi lại lo ngày mai đi chẻ củi, gánh nước. Sau khi đắc Đạo, chẻ củi là chẻ củi, gánh nước là gánh nước, nấu cơm thì là nấu cơm”. Như thế, nguyên do thực sự của mọi đau khổ, bi ai trên đời chính là do người ta không thể buông bỏ tâm phàm, không thể tùy duyên, tùy phận. Lão hòa thượng trước khi đắc Đạo thì chính là người thường mang nặng tâm phàm, làm gì cũng không thể tùy duyên hành sự, làm việc này lại nhớ việc kia, sống ở hôm nay mà tâm lại nghĩ tưởng ngày mai và quá khứ. Như vậy, chỉ khi đối xử với mọi chuyện một cách ung dung, tự tại, tùy duyên, người ta mới tìm được sự thanh thản đích thực trong tâm hồn. Chuyện trên đời vốn chẳng bao giờ luôn thuận buồm, xuôi gió. Trời cao không phải ngày nào cũng quang đãng, tạnh mây. Cầu vồng chỉ xuất hiện sau cơn mưa lớn. Ngày vui, ngày buồn chính là đan xen đến với nhau. Đó chính là sự “tùy duyên” của đất trời, của vũ trụ này. Hiểu được điều ấy thì bạn ắt là thản nhiên đối diện được với đời, gặp chuyện vui cũng không quá phấn khích, ngạo mạn, trước sự buồn cũng chẳng âu sầu, bi thương vậy. Phi Long – Văn Nhược - Theo Đại Kỷ Nguyên