Về đền Mõ xem vật cầu mưa

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Về Kiến Thụy những ngày này, đứng trên núi Đối, phóng tầm mắt hưởng thụ không gian khoáng đạt đến mênh mông của vựng sông Đa, khoan thai giữa non nước thanh bình, mà thấy lòng cứ rạo rực muốn tưng tưng nhảy lên theo nhịp trống hội.

    [​IMG]
    Không gian lễ hội ở đền Mõ (Ngũ Phúc, Kiến Thụy)

    Miền đất có nhiều phong tục cổ

    Cách trung tâm thành phố chừng 15 km về phía Đông Nam, huyện Kiến Thụy có tư thế của một chàng trai miền cửa biển, mộc mạc mà phóng khoáng. Mô tả về con người vùng đất thuần nông này, anh bạn tôi ở Phòng văn hóa huyện đọc câu vè: “Trai tài đánh cạm đùi đen kít-Gái đảm việc nhà rốn mọc rêu”. Hỏi ra anh giải nghĩa: “Người Kiến Thụy lam lũ, vùng đất cửa biển sâu trũng, trai gái lúc nào cũng làm việc nước (nghĩa đen) nên đùi bám cáu, rốn bám rêu…”.

    Có lẽ chính vì nét giản dị ấy, mà người Kiến Thụy mới gìn giữ được cho mình những phong tục truyền thống độc đáo ít nơi nào sánh được. Anh bạn tôi điểm qua: “Chỉ riêng xã Tân Trào có 4 làng thì từng ấy làng có hội, vật cầu “củ chuối” ở Kim Sơn; chạy đá, rước lợn ông bồ ở Kỳ Sơn, rước cá sủ ở Ngọc Tỉnh, rước cá mối ở Đa Ngư. Rồi xã Đại Hợp có đua thuyền-đi kheo, Thuận Thiên có hội minh thề, Thụy Hương có hội chùa Trà Phương, Đông Phương có hội thả diều…”. Kể đến đây, anh hào hứng: “Dịp này có hội đền Mõ, nhà báo đừng quên về nhé!”

    [​IMG]
    Không gian lễ hội ở đền Mõ (Ngũ Phúc, Kiến Thụy)

    Theo phả tích, Kiến Thụy xưa thuộc bộ Thang Tuyền thời Hùng Vương. Đến năm 1469 vua Lê Thánh Tông cắt đất lập huyện Nghi Dương (gồm đất của huyện Kiến Thụy, 3 quận Kiến An, Dương Kinh và Đồ Sơn ngày nay). Năm 1837, vua Minh Mạng lập phủ Kiến Thụy gồm 3 huyện Nghi Dương, An Lão và An Dương. Thời Pháp thuộc, Kiến Thụy thuộc tỉnh Kiến An, những năm sau này Kiến Thụy lúc thì “se duyên” cùng An lão thành huyện An Thụy, rồi ẩn mình một thời trong huyện Đồ Sơn, đến năm 1988 lại tách thành Kiến Thụy. Năm 2008, một lần nữa huyện lại được chia tách thành Dương Kinh và Kiến Thụy bây giờ.

    Là vùng đất cổ, nên Kiến Thụy lưu giữ được nhiều lễ hội dân gian cũng là điều dễ hiểu. Trong đó hội đền Mõ ở xã Ngũ Phúc được coi là một trong những lễ hội nổi bật nhất của huyện. Đây là xã nằm ở cuối của huyện, giáp với các xã An Thái và An Thọ của huyện An Lão, cách huyện Tiên Lãng một chuyến đò qua sông Văn Úc. Trước năm 1945 Ngũ Phúc là trung tâm của tổng Nghi Dương (trùng với tên huyện cũ) gồm cả các xã Kiến Quốc và Du Lễ ngày nay. Hiện tại Ngũ Phúc có khoảng 6.500 nhân khẩu thì có tới 155 dòng họ, quây quần đầm ấm trong 5 thôn: Nghi Dương, Mai Dương, Xuân Chiếng, Xuân Đông và Xuân Đoài.

    Đền Mõ tuy thuộc thôn Nghi Dương, nhưng tiếng tăm đã vượt qua ranh giới để trở thành địa chỉ đáng đến không riêng cho huyện Kiến Thụy. Đền đến nay vẫn còn giữ 11 bản sắc phong qua các triều đại phong kiến, nhưng dấu tích cổ nhất có lẽ chính là cây gạo được truyền tụng trồng cách đây hơn 700 năm, đã được vinh danh là cây di sản Việt Nam, cứ độ tháng Ba về lại bừng bừng sắc đỏ.

    Khát nước, dân làng rước thánh ra “phơi”

    Đền Mõ là một công trình kiến trúc cổ, thờ công chúa Thiên Thụy nhà Trần, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1991. Truyền rằng, năm Quí Mùi (1283) công chúa xin xuất gia tu hành, được vua cha Trần Thánh Tông cho phép, bà đến vùng Nghi Dương thấy thế đất bồi ven sông nổi lên trù phú, bèn chiêu mộ dân đến khai hoang lập ấp, dựng ở đây một ngôi chùa.

    Là người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, bà dạy cho dân điều hay lẽ phải, khi có việc gì thường lấy mõ báo hiệu để tụ tập, nên dân làng tôn xưng là “Bà chúa mõ”. Cũng theo truyền thuyết, rằng một hôm trời hạn hán, có bọn mục đồng vào chùa xin nước, bà nói: “các cháu thử cùng nhau thi vật xem được thua thế nào, ta sẽ cho nước uống…”.

    [​IMG]
    Vật cầu đảo ở đền Mõ

    Bọn trẻ vâng lời, vờn tay đấu vật, bà cả mừng ban phép, nghiệm thay trời đổ mưa xuống, mát mẻ chan hoà khắp vùng, nhân đó đổi tên chùa là Đồng Mục. Ngày mồng 3 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), công chúa tịch tại chùa Đồng Mục, được đưa về chùa Tư Phúc ở kinh sư lập tháp an táng. Vua Trần Anh Tông ra sắc phong là Trần Triều A Nương Thiên Thụy Quỳnh Trân công chúa, ban cấp 300 quan tiền cho các xã quanh vùng rước sắc về Nghi Dương lập đền thờ.

    Còn dân làng Nghi Dương xưng tụng bà là Thiên thánh, danh tôn đền thờ “bà chúa mõ” thường được gọi tắt là đền Mõ. Trải qua các triều đại, vua chúa đều có sắc phong cho bà, mỗi mùa xuân về vào dịp khánh hạ, quan dân trong vùng đều vâng sắc chỉ, đến đây tế lễ, lập đàn cầu đảo. Cũng là tín tâm cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, một lệ tục của văn hóa lúa nước, nhưng lễ cầu đảo gắn với tích bà chúa Mõ lại mang màu sắc độc đáo đến lạ lùng.

    Rằng cứ khi trời hạn hán, dân chúng lại khiêng long đình bát biểu và bài vị của thần thánh, từ trong đền ra trường đảo phơi giữa thanh thiên bạch nhật. Có người cho rằng, đây cũng chính là tâm nguyện của bà trước khi về cõi Phật, để thần thánh thấu hiểu được nỗi khổ ải của dân chúng, mà xót lòng đoái thương chăng?

    Lệ tục cầu đảo năm nào cũng bắt đầu vào ngày đầu tiên của lễ hội đền Mõ, tức ngày 12-2 âm lịch, sau khi rước bài vị “thánh bà” ra, các cháu trai “đồng tử” tuổi không quá 14, đóng khố để trần, diễn lại tích “mục đồng xin nước” ngày xưa. Là người nhiều lần chứng kiến lễ này, tôi nghe những người dân ở đây quả quyết rằng: Chẳng biết ngẫu nhiên hay bởi “thánh thiêng”? Nhưng năm nào cũng vậy, cứ vật cầu đảo xong có thể ngay trong ngày, hoặc muộn là ngày một ngày hai, là y như rằng trời đổ mưa xuống, dù trước đó không hề có điềm báo nào…
    Gia Lê
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người