Vô ngã..!

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Thiền sư Hakuin là một Tăng sĩ được cư dân quanh vùng ca tụng và kính trọng như một ông Phật sống.
    Gần tịnh thất của sư có một thiếu nữ rất đẹp. Một hôm, cha mẹ mỹ nhân chợt khám phá con mình có mang.

    [​IMG]
    Qua biết bao là phiền phức, mỹ nhân thú thật rằng: Thiền sư chính là người tình vụng trộm của mình. Bao nhiêu danh thơm tiếng tốt của sư đều đổ xuống bùn nhơ cả. Bà mẹ dẫn cô gái đến gặp thiền sư. Đáp lại trận mưa ngôn ngữ thịnh nộ của khách. Sư chỉ mở mắt hỏi: Vậy sao?
    Khi đứa bé chào đời, nó được bà ngoại mang đến tịnh thất với những lời sỉ vả cay đắng kèm theo. Từ dạo đó cư dân thường thấy thiền sư đi trì bình với một đứa bé trên tay.
    Sư nuôi nấng đứa trẻ rất tử tế…chú bé lớn lên rất bụ bẫm…chú tập bò, đứng và đi lẫm đẫm quanh chiếc thiền sàng của Sư. Chỉ khi nào đứa bé ngủ sau, sư mới đi tọa thiền được.
    Hơn một năm sau, mỹ nhân thú thực rằng: Cha chú bé không phải là thiền sư Hakuin.
    Sau bao nhiều lời sám hối dài dòng và phiền toái. Thiền sư trao đứa bé lại cho bà ngoại chú, cũng với hai tiếng: “Vậy sao?”.
    Ngôi tịnh thất im lìm trở lại, vắng bặt tiếng u ơ của trẻ thơ và thiền sư đi trì bình chỉ vỏn vẹn cái bình bát.
    Cư dân lại ca tụng và kính trọng sư như một ông Phật sống.

    Hiểu Thêm Về BẢN NGÃ..!
    Chúng sinh đau khổ trôi lăn mãi trong sinh tử luân hồi chỉ vì có Cái Ta. Bởi vì nếu không có Ta thì ai sinh? Ai già? Ai bệnh? Ai chết? Ai đau khổ? Ai sung sướng? Ai tham, sân, si? Vì có Cái Ta nên mới sinh ra đủ thứ chuyện.Nào là phải lo cho Ta ăn, uống, ngủ và nghỉ. Lo cho Ta sống yên vui, nhà cao cửa rộng, công ăn việc làm vững chắc. Khi có đầy đủ tiền bạc rồi thì lo kiếm cho Ta những thứ Ta ưa thích,ăn chơi hưởng thụ. Lo tìm cho Ta 1 người yêu,1 mái ấm gia đình cho Ta.Giàu có dư giả hơn thì cho Ta danh vọng, quyền thế và chức tước. Khi Cái Ta đau ốm thì phải lo thuốc men cho nó kẻo nó chết. Cái Ta trong đạo Phật gọi là Ngã, triết học gọi là Bản Ngã, còn những cái của Ta thì gọi là Ngã Sở.
    Sống ở đời ai cũng muốn sung sướng hạnh phúc, nhưng sao trên trái đất này cứ mãi có chiến tranh, giết chóc, hận thù, khổ đau, lo âu và buồn giận? Ai cũng muốn có hạnh phúc nhưng chỉ tìm hạnh phúc cho cái Ngã của mình và quên đi hạnh phúc của những cái Ngã khác.Ta chỉ muốn cái bụng của Ta no,còn bụng của người khác đói thì ráng chịu.
    Ta muốn thân xác ta được ở nhà cao cửa rộng,còn thân người khác ngủ đầu đường xó chợ thì mặc kệ. Ta muốn quốc gia của Ta giàu có hùng mạnh,còn những quốc gia khác nghèo đói thì chuyện đó Ta không cần biết. Vì có Cái Ta như vậy nên con người ngày nay đánh mất đi đạo đức chỉ biết lo cho cuộc sống của riêng mình, còn người khác đau ốm nghèo đói thì mặc kệ.
    Cái Ta nào cũng lo cho tự Ngã của nó nên mới sinh ra ích kĩ,dành giựt, đấu tranh, tham nhũng và hơn thua.
    Khi Cái Ta được thắng lợi thì nó vui. Khi Cái Ta bị thua thiệt, mất mát thì nó buồn giận và thù ghét. Có ai lỡ xúc phạm đến Cái Ta thì Ta nổi giận, bực tức. Có ai khen ngợi hay nịnh hót,thuận ý của Ta thì Ta vui mừng khoái chí. Có ai đụng đến những cái của Ta như vợ con, tài sản thì Ta tức giận,thù ghét. Khi những cái của Ta bị mất mát thì Ta đau khổ và tìm mọi cách bảo vệ, giữ gìn chúng.
    TA LÀ AI?
    -Có người cho Ta là Nguyễn Văn A, Trần Văn B...v.v.. Nhưng đó chỉ là những tên họ,danh tánh do cha mẹ đặt ra để gọi thôi.
    -Có người cho Ta là bác sĩ, kỹ sư,giáo sư, tiến sĩ...v.v Nhưng đó chỉ là những bằng cấp trên thế gian thôi.
    -Có người cho Ta là tổng thống,thủ tướng,bộ trưởng, tỉnh trưởng,...v.v... Nhưng đó chỉ là những chức vụ trong chính trị thôi.
    -Có người cho Ta là tỷ phú, triệu phú, giám đốc, chủ hãng,nhân viên hay cu li...v..v... Nhưng đó chỉ là những địa vị hay công việc trong xã hội thôi.
    -Có người cho Ta là người thông minh, trí thức, đẹp trai đẹp gái, hiền lành hoặc ngu dốt, xấu xí, lù khù.v.v... Nhưng đó chỉ là đức tính hay năng khiếu của 1 con người thôi.
    -Có người cho Ta là người dễ vui, dễ buồn, dễ giận, dễ thương, dễ lo, dễ ghét, rộng rãi, keo kiệt hay bần tiện...v..v... Nhưng đó chỉ là những tình cảm hay tính tình của 1 con người thôi.
    Khi được hỏi Ta là ai? hoặc Ta là gì? đa số người đời đều đồng hóa Cái Ta vào danh tánh, bằng cấp, chức vụ, địa vị, đức tính hoặc tình cảm nhưng những thứ đó không phải là Ta mà chỉ là những cái vỏ khoác bên ngoài thôi.. Vậy thì Ta là ai?
    Thật ra Ta chẳng là ai cả, ta chỉ là 1 con người nhỏ bé trên thế gian này đang bị vô minh che lấp đấy thôi.Con người Ta gồm có 2 phần là Thân và Tâm.Thân là phần vật chất có hình tướng. Còn Tâm là phần vô hình có khả năng hiểu biết, suy nghĩ,nhớ tưởng, tính toán, lo âu, yêu ghét và điều khiển thân thể đi đứng, nói năng, hành động..v..v... Sự liên hệ giữa Thân và Tâm cũng giống như máy và điện. Một cái máy mà không có điện thì máy đó vô dụng. Điện là 1 năng lực vô hình nhưng rất cần thiết để làm cho máy chạy. Thân thể con người cũng vậy, nếu không có Tâm bên trong điều khiển thì nó sẽ trở thành 1 xác chết. Tâm cũng giống như điện, tuy vô hình nhưng rất cần thiết cho sự sống.
    Cái Ta thành hình là do Thân và Tâm kết hợp lại với nhau. Nhưng trong đời sống hằng ngày, nhiều khi Cái Ta xuất hiện độc lập như chỉ là Thân hoặc chỉ là Tâm mà thôi. Thí dụ, sáng ngủ dậy soi gương thấy mặt mình đẹp, bạn sẽ nói "Hôm nay Ta đẹp quá". Khi nói như vậy tức là cho Ta là cái mặt (thuộc thân thể). Hoặc khi bị người khác nói xấu mình, bạn cảm thấy tức giận và nói "Tôi tức lắm". Nói như vậy tức là cho Ta chính là Tâm, bởi vì cái thân đâu có biết tức! Do đó ta có 3 phương trình sau:
    1.Ta = Tâm
    2.Ta = Thân
    3.Ta = Thân + Tâm
    KHỔ ĐAU
    Sống ở đời ai cũng muốn sung sướng hạnh phúc,không ai muốn khổ bao giờ. Nhưng khổ nỗi, ai nấy đều chấp cứng vào "Cái Ta" và những cái "Của Ta" nên mới sinh ra đủ loại phiền não khổ đau. Nhưng khổ là ai khổ? Cái bàn, cái ghế khổ? hay nhà cửa, xe cộ khổ? Đó chính là Cái Ta khổ chứ không phải những thứ trên khổ. Ta sinh, già, bệnh và chết. Ta phải sinh tử luân hồi. Ta phiền não. Vì có Ta nên mới có khổ.
    1.Khổ Thân:
    -Vì Ta là Thân và Ta có thân nên phải làm ăn sinh sống,tranh dành bon chen với đời để nuôi cho Thân sống còn, đây còn gọi là "Sinh Khổ".
    -Vì Ta là Thân và Ta có Thân nên phải chịu già yếu,thân thể hao mòn, trí óc lu mờ, nói trước quên sau, tóc bạc răng long,ăn uống khó khăn, đi đứng không vững, tự lo Thân không xong, nhiều khi làm khổ con cháu và người thân. Đây gọi là "Lão Khổ".
    -Làm ăn sinh sống tuy phải cực nhọc,thức khuya dậy sớm,chân lấm tay bùn,đổ mồ hôi sôi nước mắt nhưng kiếm được chút tiền là có thể xoa dịu nỗi khổ. Thân xác già yếu tuy cũng khổ, nhưng chưa đến nỗi khiến ta phải rên siết đau đớn khi Thân bị bệnh. Hành hạ Thân xác làm cho nó khổ sở không gì hơn là cái đau, bất luận là đau gì, từ đau lặt vặt như đau răng, nhức đầu,đau bụng đến các bệnh nan y như lao, ung thư, AIDS...v.v. đều làm cho Ta đau đớn, rên siết, khó chịu vô cùng. Thân là 1 ổ bệnh,không bệnh nặng thì bệnh nhẹ, bây giờ chưa bệnh thì mai này sẽ bệnh. Vì Ta là Thân và Ta có Thân nên ta phải chịu sự đau đớn của bệnh, đó gọi là "Bệnh Khổ".
    -Bản chất của Thân là vô thường,luôn biến đổi từng giây phút để đi đến tàn hoại. Suốt cuộc đời Ta làm đủ mọi thứ,đủ mọi cách để nuôi cho cái Thân sống,nhưng cuối cùng nó cũng tan rã ngoài ý muốn của Ta. Thân còn sống thì Ta sống, dù sống khổ cũng ráng sống, dù già nua lụm cụm, đi đứng không vững nhưng sống thêm được năm nào hay năm đó. Dù phải sống khổ, sống già, sống bệnh cũng còn hơn chết. Vì chết là mất hết tất cả những gì Ta đang có.Đây là cái khổ của sự chết "Tử Khổ".
    Bốn cái khổ trên đều là khổ của Thân. Mà Thân chỉ là tứ đại: đất, nước, gió, lửa hợp thành. Những chất cứng như xương, da, thịt, móng tay...v..v.. thuộc về đất. Những chất lỏng như máu,mủ, đờm, dãi, nước tiểu,..v.v... thuộc về nước. Những thứ lưu động như hơi thở thuộc về gió. Hơi ấm trong cơ thể thuộc về lửa. Khi 4 thứ này hợp lại thì gọi là sinh, xung khắc nhau thì gọi là bệnh, sắp sửa rời nhau thì gọi là già,tan rã thì gọi là chết. Việc tứ đại trãi qua "Thành, Trụ, Hoại, Không".
    2.Khổ Tâm:
    Ta không những là Thân mà còn là Tâm nữa,cho nên khi Tâm khổ thì Ta cũng khổ. Những cái khổ của Tâm hay của Ta đều bắt nguồn từ sự ưa và ghét.
    -Khi cái Ta ưa, thích, yêu thương người hay vật nào mà phải chia li thì gọi là "Ái Biệt Ly Khổ".
    -Khi cái Ta thù, ghét, tức, giận người nào mà cứ phải gặp mặt,tiếp xúc, gần gũi, sống chung thì gọi là "Oán Tắng Hội Khổ".
    -Khi cái Ta mong cầu, khao khát, hy vọng 1 người nào đó mà bị thất bại, không toại nguyện, nhiều khi tuyệt vọng đưa đến tự tử, đây gọi là "Cầu Bất Đắc Khổ".
    Ngoài ra trong đời hàng này ai nấy cũng có những niềm đau nỗi khổ chung đó là "Tình Khổ" như khổ vì tình, khổ vì gia đình, vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em và bạn bè. Tất cả chúng ta ai ai cũng đều muốn thương và được thương. Đúng ra tình thương là cái đem lại hạnh phúc và khiến cuộc đời đáng sống,nhưng khổ 1 điều là tình thương trên thế gian được xây dựng trên nền tảng của cái Ta. Và cái Ta chỉ biết thương những gì đem lại lợi ích cho nó, vì vậy tình thương của cái Ta là sự ích kỉ, ái ngã.
    Cái Ta rất sợ cô đơn,cho nên ai nấy đều mơ ước có 1 mái ấm gia đình, vợ chồng con cái thương yêu nhau.Nhưng khổ thay, cái gọi là "Mái Ấm Gia Đình" lại thường là nơi oan gia hội tụ, gặp lại nhau để thanh toán nợ xưa. "Trong vòng luân hồi bất tận, con người gặp lại nhau để vay nợ, trả nợ, nợ của cải, ân oán hay tình cảm.
    Có 1 lần nọ, Ngài Ca Chiên Diên đi khất thực đến trước nhà 1 cô gái, thấy cô ta bồng trên tay đứa bé và đang xé thịt 1 con cá cho nó ăn. Xương cá vứt xuống đất thì con chó gần đó chạy lại ngửi, và bị cô gái đá 1 cái đau điếng chạy mất. Ngài Ca Chiên Diên dùng thần thông nhìn xem nhân duyên tại sao, thì thấy đứa bé trên tay cô kiếp trước là kẻ thù của gia đình cô, con cá mà cô xé thịt cho con ăn chính là cha cô, còn con chó mà cô đá văng chính là mẹ cô tái sinh. Thật không còn cảnh nào trớ trêu hơn, thấy vậy Ngài Ca Chiên Diên không khỏi thương xót và ngậm ngùi cho chúng sinh. vì vô minh không thấy được nhân quả, ân oán xoay vần.
    Con người do vô minh che nên trong lúc trả nợ cũ thì lại vay nợ mới, cứ vay trả, trả vay không bao giờ dứt.Nếu chúng ta muốn trả mà không phải vay thêm thì phải học đạo, khai mở trí huệ, biết đâu là nhân quả, đâu là điều thiện nên làm, đâu là nghiệp ác nên tránh. Vì vậy chúng ta phải nương vào lời Pháp dạy mà tu để chuyển nghiệp.

    ĐẶC TÍNH CỦA NGÃ
    Khi cái Ngã xuất hiện,nó mang theo những đặc tính như sau:tham dục, sân hận, si mê, kiêu mạn, ganh tị...v..v... Những đặc tính này còn được gọi là phiền não.
    -Tham Dục : Luôn ham muốn thú vui xác thịt,chạy theo ngũ trần (Sắc, thanh, hương, vị, xúc) để thỏa mãn giác quan. Khi Ta thấy cái gì vừa ý như sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, lợi dưỡng thì ưa thích,luyến ái, muốn chiếm hữu nó đó gọi là "Tham". Lòng tham không có đáy, cho nên tham cho Ta chưa đủ còn tham luôn cho bà con quyến thuộc của Ta. Cũng vì tham mà làm cho Ta ăn không ngon,ngủ không yên, đầu óc lúc nào cũng phải lo nghĩ và tính toán. Nhiều người đi tu rồi vẫn để lòng tham ngự trị dưới hình thức vi tế hơn như thích có chùa đẹp, tượng lớn, nhiều đệ tử, thích nổi danh, ham địa vị chức sắc trong giáo hội. Tham có nhiều hình thái: ưa, thích, yêu, thương, ham, muốn, thèm, khát. Khởi đầu là ưa rồi từ từ tới thích. Nếu đối tượng là người thì đưa tới yêu, thương. Nếu đối tượng là đồ vật thì ham, muốn. Khi ham, muốn nhiều thì trở thành thèm. Thèm quá thì thành khát, tức là không có thì không chịu được. Khát là cực điểm của tham.
    -Sân Hận: Khi tham hoặc ham muốn cái gì mà không được như ý thì Ta tức tối, nổi giận, la hét, mắng chửi đó gọi là "Sân". Khi lửa sân khởi lên quá mức thì Ta có thể ra tay đấm đá, hoặc dùng khí giới để sát hại những kẻ đã làm trái ý Ta. Đánh người, giết người cho hả cơn giận, nhưng sau đó thì phải vào tù hoặc bị xử tử hình. Đó là chưa kể sau khi chết sẽ bị đọa xuống địa ngục, bị quỷ sứ tra tấn hành hạ đau đớn gấp trăm ngàn lần. Bởi thế trong các phiền não, sân hận, nóng giận là tai hại nhất Vì có thể đưa đến tội ác như đánh người hoặc giết người. Một niệm sân khởi lên có thể đốt cháy cả trăm ngàn rừng công đức. Cùng họ với sân còn có: bực, tức, giận, hờn, oán, ghét và thù. Khởi đầu của sân là bực. Bực mà không giải tỏa được thì sinh ra tức, Tức quá thì hóa giận. Giận xong mà không hết hẳn còn âm ỉ thì gọi là hờn,hờn hoài mà không nguôi thì đâm ra ghét và oán. Oán lâu ngày thì sẽ thành thù. Thù là cực điểm của sân.
    -Si Mê: Cái Ta loanh quanh suốt ngày chỉ sống với sự ưa ghét, ưa người này, ghét người kia, thích vật này, ghét việc nọ. Không biết đạo đức, nhân quả, không biết suy xét điều hay lẽ phải,chỉ thích chạy theo âm thanh, sắc tướng, mùi vị, cảm xúc. Mặc tình để cho tham lam, sân hận lôi kéo đây gọi là "Si"(hay u mê). Đến khi gặp được thiện tri thức chỉ cho nhân quả, đạo lí, điều hay lẽ phải thì lại không nghe, đây gọi là đại si, tức là người không thể cứu độ được.
    -Ngã Mạn: Lúc nào cũng thích so sánh mình với người khác, rồi tự cho mình là hay, giỏi, tốt hơn kẻ khác đó gọi là "Mạn".Ỷ mình có tiền của, giàu sang, bằng cấp, địa vị mà kiêu căng tự đắc, khinh chê kẻ nghèo, hỗn láo với người đức hạnh, chà đạp người dưới, lấn át người trên.Vì ngã mạn nên không nghe lời phải, không chịu học hỏi thêm,càng làm nhiều điều sai quấy, phước lành tổn giảm và tội lỗi càng tăng. Luận Đại Tỳ Bà Sa và Câu Xá nêu ra 7 loại mạn:
    1.Mạn: Có tâm khinh thường đối với những người thua mình về học thức,địa vị, gia tài. Thực tế thì họ có thua mình thật, nhưng chỉ thua trên 1 khía cạnh nhỏ nên không phải vì thế mà mình có quyền lên mặt, khinh dễ họ.
    2.Quá mạn: Đối với người có học thức,tài sản,địa vị bằng mình thì lại cho là mình hơn người đó.
    3.Mạn quá mạn: Đối với người thực sự hơn mình, mà mình cứ cho là mình hơn họ.
    4.Ngã mạn: Nhận lầm năm uẩn là Ngã, dựa vào Ngã mà khởi mạn. Cho tất cả mọi người không bằng mình, cái gì của mình lúc nào cũng tốt và đẹp hơn của người khác.
    5.Tăng thượng mạn: Chưa chứng đạo mà tuyên bố là mình đã chứng. Có những người vi tế, ngoài miệng tuy không chính thức tuyên bố là mình chứng,nhưng nói úp nói mở khiến người khác lầm tưởng là mình đã chứng quả này quả nọ, đây cụng thuộc loại Tăng thượng mạn.
    6.Ty liệt mạn: Đối với người, mình thua nhiều mà cho là thua ít hoặc không thua gì hết.
    7.Tà mạn: Mình không có đức độ, từ bi, hiểu biết mà tưởng mình hay; tự xưng là mình có đức độ, từ bi và hiểu biết. Thí dụ như xưng mình là Vô thượng sư, đạo sư, thánh sư, chân sư..v..v...
    Nói tóm lại mạn là luôn luôn so sánh, so đo xem mình hơn hay thua kẻ khác,nếu thấy mình thực sự hơn thì thích thú khoe khoang,nếu thua thì không nhận là mình thua mà cứ gân cổ lên nói mình bằng hoặc hơn.Những hình thức ngã mạn rất nhiều và vi tế,người tu chúng ta cần phải đề cao cảnh giác. Nhiều người vào chùa đi tu còn mang theo cái ngã nên muốn được thầy thương yêu,ưu đãi,để ý tới mình. Nếu thầy chú ý và khen người khác thì ta buồn. Đây là 1 việc mâu thuẫn, đi tu mà chỉ thích người khác khen tặng Ta là người đạo đức, từ bi, trí tuệ. Nếu cảm thấy cần được khen thì ai cần? Phải chăng do cái ngã của Ta cần? Vì cái ngã nó rất cần được khen tặng và chú ý đến.
    -Ganh Tị: Khi gặp người thua kém thì Ta khinh thường,nhưng khi gặp người thực sự tài giỏi, giàu sang hơn Ta thì Ta lại ganh ghét, tức tối,tìm mọi cách nói xấu, chê bai,chỉ trích,mạ nhục, tạo nhiều khẩu nghiệp. Khi gặp việc gì dính díu đến tiền bạc,của cải, tài sản thì Ta nghi ngờ hết mọi người, nghi anh em, bạn bè và thân quyến..v..v.. Sợ họ dành lợi của Ta rồi âm mưu bày ra nhiều thủ đoạn hại người.
    Trong sự chấp ngã,bám víu vào cái Ta và của Ta thì sự bám víu vào cái thân là nặng nhất,thâm sâu nhất. Cái Ta ban đầu chỉ là 1 vọng niệm của tâm,nhưng khi thành hình rồi thì nó cần 1 nền tảng vật chất để dựa vào đó mà hiện hữu. Nền tảng này chính là cái thân.Bám víu vào thân cho đó là Ta, là của Ta rồi nâng niu, chăm sóc cho nó đây gọi là"Thân Kiến". Khi ăn thì tìm món ngon vật lạ cho Ta ăn như: thịt chó, thịt mèo, óc khỉ, mật gấu, cháo rắn, rượu whisky..v..v.. Cũng từ miếng ăn mà ngày nay trên thế giới sinh ra nhiều bệnh quái lạ như bò điên, cúm gà..v..v.. Mặc thì kiếm quần áo tốt đẹp, có hiệu nổi tiếng để cho Ta mặc. Ở thì phải xây nhà cao cửa lớn,sang trọng và quý phái cho Ta ở. Xe thì phải mua Xe đời mới cho Ta đi. Đồ dùng thì phải mua sắm đủ thứ tiện nghi hiện đại cho Ta dùng.
    Vợ chồng nói thương yêu nhau nhưng thật ra ai cũng thương thân mình trước hết. Khi người yêu lỡ quên hoặc không để ý lo cho Ta nữa thì Ta cảm thấy buồn bực, khó chịu. Như vậy có phải Ta thương cái thân của Ta nhất trên đời không.?
    Bám vào cái thân cho là Ta, nhưng cái thân này đâu có sống hoài.Trước sau gì nó cũng phải chết và tan rã. Vậy sau khi chết số phận của Ta ra sao? Ta sẽ đi về đâu?
    Vì không biết luật nhân quả nên đa số đều rơi vào 2 thành kiến cực đoan là: Chết rồi thì Ta mất hẳn,hoặc chết rồi thì Ta còn hoài. Đây gọi là "Biên Kiến" tức là cái thấy nghiên về 1 bên.
    Trên đây là cái thấy về thân sau khi chết. Nhưng trong lúc sống thì sao? Cái Ta cũng biết suy nghĩ, bàn cải, lý luận, có ý kiến này ý kiến nọ. Khi gặp như vậy thì Ta luôn luôn cho ý kiến của mình là đúng hơn hết, còn ý kiến của người khác đều sai lầm. Nếu như ý kiến của Ta sai trật, cổ hủ, lỗi thời, vô lý có ai chỉ bày thì Ta nổi giận, gân cổ lên cãi, nhất quyết cho mình đúng đó gọi là "Kiến Thủ".
    Vì vô minh, chấp ngã, chấp pháp, tham lam, ái dục nên Ta không tin đạo đức, không tin nhân quả, chấp thường, chấp đoạn và chấp vào tất cả các quan niêm ở trên thì gọi là "Tà Kiến".
    Ngoài Các phiền não căn bản kể trên, cái ngã còn có nhưng đặc tính khoe khoang, kiêu mạn, muốn hơn kẻ khác. Ngay cả đối với những người "tu" lâu năm,siêng tụng kinh, ngồi thiền, làm công quả, xây chùa lớn, làm Phật sự..v..v.. Cũng bị cái ngã lừa bịp và lấy hết công đức khi trong tâm nghĩ rằng:
    -Ta là người tu khá vì Ta thuộc nhiều kinh,và tụng kinh hay nhất.
    -Ta là người nữ giới trong sạch nhất,còn những người khác đều phá giới.
    -Ta là người làm nhiều công quả trên chùa.
    -Ta cúng dường nhiều,nên chùa và thầy phải biết ơn và ghi danh Ta vào bảng công đức hay sổ vàng.
    -Ta là người xây chùa lớn nhất vùng này.
    -Chùa của Ta đẹp nhất, tượng Phật của Ta lớn nhất.
    -Ta làm Phật sự nhiều, nên ai nấy đều biết danh Ta.
    -Thầy của Ta giỏi nhất,nổi tiếng nhất.
    -Pháp môn của Ta hay nhất.
    -Ta là 1 nhân vật quan trọng trong đạo,trong chùa.Lỡ ai vô ý xúc phạm quyền lợi,danh dự của Ta, xem thường Ta,chê bai thầy của Ta,pháp môn của Ta thì Ta nổi sân, si, ái, ố và ăn thua đủ với họ.
    -Ta ngồi thiền lâu hơn mọi người và không hề nhúc nhích, cử động.
    -Ta là người đặc biệt nên được thầy cô truyền riêng pháp môn bí mật.
    Nói tóm lại, mỗi khi khoe khoang, tức giận, khinh thường hay kiêu mạn thì nên biết đó là cái ngã đang biểu lộ.
    Và Cái Tôi Theo Đạo Thiên Chúa..!
    Tôi nhớ một câu chuyện trong Phúc Âm, có người đến hỏi: Nếu ai đó tát vào má con thì sao?
    Chúa Giêsu đã trả lời: Con hãy đưa luôn má còn lại cho người ta tát. Và nếu có ai xin con cái áo khoác bên ngoài, con cũng hãy cởi luôn cái áo khoác bên trong mà cho.
    Thường chúng ta chỉ đến với Thượng Đế khi bị đau khổ, mất mát, muốn mà chưa được... Và khi chúng ta bị ức hiếp bị bắt nạt, chúng ta mong là luật công bằng, luật nhân quả được thực thi. Nhưng Thượng Đế luôn im lặng. Ngài dạy: Hãy tha thứ, hãy cho đi nhiều hơn. Bởi chỉ những người yếu đuối, thiếu thốn, bị bỏ rơi ... mới dùng đến bạo lực và đi xin.
    Ngài Đạt Lai Lạt Ma từng nói: Cây lúa nào hạt non hạt lép thì nó đứng thẳng vươn cao. Còn những cây lúa nặng trĩu hạt luôn oằn mình xuống dưới thấp. Cái Tôi của ai nhỏ bé thì tâm lượng người đó mênh mông!
    Và theo ngôn ngữ hình tượng của Chúa Giêsu, cái tôi đích thực chính là cặp mắt sáng: “Con mắt là đèn soi của thân thể. Nếu cặp mắt của anh em lành mạnh, thì toàn thân anh em được sáng. Nếu mắt của anh em không lành mạnh, thì toàn thân bị tăm tối” . Sở dĩ cặp mắt chúng ta không lành mạnh và nhìn không rõ là vì có cái rác vướng trong mắt, nghĩa là cái tôi ích kỷ và nặng xác thịt đã ngăn cản tầm nhìn của ta về chính bản thân cũng như về tha nhân, cả về Thiên Chúa. Khi cái rác đó được lấy đi, khi ta thấy được những hình ảnh giả tạo về bản thân và vượt lên nó, thì lúc ấy, cặp mắt sẽ sáng, cái tôi đích thực dần dần xuất hiện rõ nét.
    Khám phá và nhìn nhận những hình ảnh giả tạo về bản thân mình là một nỗi đau lớn. Fulton Sheen diễn tả hành trình này giống như việc bóc một củ hành. Như củ hành có nhiều lớp, cái tôi đích thực của mỗi người cũng ẩn sâu dưới nhiều lớp vỏ. Cần phải bóc từng lớp, mới thấy được cái lõi. Và khi bóc từng lớp như thế, hơi cay bốc lên làm ta chảy nước mắt. Khi việc biết mình không chỉ đơn thuần là nhìn nhận trên bình diện lý trí, nhưng được nội tâm hóa để thật sự khám phá và nhìn nhận cái tôi đích thực của mình, công việc ấy làm ta chảy nước mắt, nước mắt của đau đớn và xấu hổ, nước mắt của từ bỏ và thập giá.
    Về mặt tâm lý, một nguy cơ khác có thể xuất hiện ở đây là mặc cảm tội lỗi. Khi nhận ra những động lực thầm kín và chẳng đẹp đẽ gì ẩn đằng sau những việc làm có vẻ lớn lao và thánh thiện của mình, việc nhìn nhận ấy có thể làm chúng ta thất vọng về bản thân: Không ngờ tôi tồi tệ đến thế! Người khác sẽ thất vọng về tôi biết bao nhiêu! Phải chăng không bao giờ tôi có thể vươn tới lối sống vị tha và cao đẹp hơn? Không ít người để cho những mặc cảm tội lỗi ám ảnh mình suốt đời, làm tê liệt sự phát triển đích thực trong đời sống tâm lý và tâm linh.
    Vì thế, cần phân biệt giữa mặc cảm tội lỗi và cảm thức về tội. Giuđa đã để cho mặc cảm tội lỗi hủy hoại đời mình. Một đàng, ông biết mình đã làm sai, “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Ngài phải chết oan” đàng khác, ông tự chôn mình trong tuyệt vọng, “Giuđa ném số bạc vào Đền thờ và ra đi thắt cổ” . Trường hợp thánh Phêrô lại khác. Ông biết mình làm sai nên “ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” . Nhưng ông không giam mình trong tuyệt vọng mà mở lòng ra trong khiêm tốn và cậy trông: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Vẻ đẹp của bí tích Giải Tội là ở đây. Việc cử hành bí tích không chỉ ngưng lại ở chỗ xét mình, cũng không chỉ là xưng thú tội lỗi, nhưng đỉnh điểm là lời tha thứ và giao hòa: “Cha tha tội cho con. Về đi và đừng phạm tội nữa”. Đó là lời giải thoát khỏi những mặc cảm tội lỗi và mở ra cánh cửa hi vọng cho một tương lai mới.
    Chắc chắn hành trình biết mình không phải là dễ dàng, do đó là “con đường không mấy ai đi” (xin mượn lại tên tác phẩm của Scott Peck, The Road Less Traveled). Hành trình ấy chỉ có thể thực hiện tốt đẹp trong tĩnh lặng và cô tịch, bởi lẽ chỉ trong thinh lặng của tâm hồn, chúng ta mới có thể tập trung để thấy rõ những lớp vỏ bọc của cái tôi ích kỷ, nghe được tiếng lòng thầm kín nhất của chính bản thân, và có can đảm sống thật với chính mình, với Thiên Chúa, với tha nhân.

    CHẤP NĂM UẨN LÀ NGÃ
    Khi năm uẩn này kết hợp lại với nhau thì gọi là con người. Bất cứ người nào cũng đều là một hợp thể của năm uẩn, không hơn không kém.Nhưng vì không biết tự mình chỉ là hợp thể của năm uẩn mà lại tưởng mình là ông này, bà kia, tên này, chức nọ..v.v.. .nên mới bắt đầu sinh chuyện, lầm tưởng năm uẩn là ngã, là Ta rồi khư khư bám vào đó. Năm uẩn chỉ là năm uẩn, Sắc chỉ là Sắc, Thọ chỉ là Thọ, Tưởng chỉ là Tưởng,Hành chỉ là Hành,Thức chỉ là Thức thế thôi.Nhưng vì không biết (vô minh) nên đối với Sắc thì cho Sắc là Ta, Ta có thân hình cao, thấp, đẹp, xấu.v.v... Mũi tẹt chỉ là mũi tẹt, nhưng vì chấp cái mũi là Ta nên thấy nó xấu, cần phải đi sửa mũi cao lên. Mắt một mí chỉ là mắt một mí, nhưng vì chấp mắt là Ta nên cần phải đi cắt thành hai mí cho Ta đẹp hơn. Da nhăn chỉ là da nhăn, nhưng vì chấp da là Ta, là của Ta nên phải đi căng da và đánh phấn thoa son cho Ta trẻ lại.Thân lùn, thấp nhỏ chỉ là thân lùn,thấp nhỏ nhưng vì chấp thân là Ta nên phải đi giày cao gót cho Ta cao hơn một chút.
    Không biết cảm Thọ chỉ là cảm Thọ, mà lại chấp cảm Thọ là Ta. Khi có cảm giác dễ chịu, sung sướng thì cho là Ta sướng, nên luôn luôn đi tìm khoái lạc qua sáu giác quan. Mắt thích nhìn sắc đẹp, tai thích nghe lời tâng bốc nịnh hót,mũi thích ngửi mùi nước hoa, dầu thơm, lưỡi thích nếm những món ngon vật lạ,thân thích sự êm ái, nhục dục, ý thức luôn luôn suy nghĩ về cái Ta và những thứ của Ta.Sáu căn luôn hướng ra ngoài, chạy tìm sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) để có cảm giác sung sướng, vì cho rằng Ta sung sướng. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà không vừa ý thì sinh ra cảm giác đau khổ và cho là Ta đau khổ.
    Không biết Tưởng chỉ là Tưởng,mà lại chấp Tưởng là Ta. Nên mắt thấy Sắc thì cho là Ta thấy, tai nghe tiếng thì cho là Ta nghe, mũi ngửi mùi thì cho là Ta ngửi, lưởi nếm vị thì cho là Ta nếm vị, thân xúc chạm thì cho là Ta xúc chạm, ý tưởng tượng thì cho là Ta tưởng tượng.v.v... Không biết Hành chỉ là những tâm tư, suy nghĩ, tính toán mà lại chấp chúng là Ta.Khi có những suy nghĩ xấu khởi lên thì cho Ta là người xấu.Khi lo âu,tính toán khởi lên thì cho Ta là người lo âu, tính toán; Không biết Thức chỉ là sự phân biệt, nhận thức, mà lại chấp Thức là Ta. Khi Thức phân biệt cái này xấu, cái kia tốt thì cho Ta là người thông minh, biết phân biệt phải trái. Khi cho Ta là người thông minh, biết đúng thì đương nhiên phải xem những người khác là ngu si, biết sai.
    Do chấp năm uẩn là Ta cho nên sinh ra tham ái, yêu mến năm uẩn của Ta. Yêu thân hình của Ta, ưa thích những cảm giác khoái lạc của Ta. Thế giới văn minh hiện đại dồn hết sự thông minh ra để chế tạo những sản phẩm thị trường nhằm cung cấp cảm giác khoái lạc cho con người như:phim ảnh, xi nê cho sướng con mắt, đủ loại nhạc kích động cho sướng lỗ tai, đủ mùi nước hoa cho sướng lỗ mũi, đủ loại món ăn cầu kỳ cho sướng cái miệng, đủ loại quần áo, máy móc tiện nghi cho sướng cái thân. Ưa thích những tư tưởng, quan niệm của Ta, nếu ai cùng làn sóng tư tưởng với Ta thì ta ưa thích ngược lại thì ta chán ghét người đó, từ đó sinh ra nhiều đảng phái tranh chấp với nhau.Do chấp năm uẩn là Ta, là của Ta, là cái Ta của ta nên sinh ra Ái. Do yêu thích, ái luyến năm uẩn nên sinh ra Thủ tức là nắm giữ,bám víu những gì liên quan đến năm uẩn. Thí dụ như làm đủ mọi cách cho thân sắc mình đẹp hơn,sống lâu hơn; đi tìm khoái lạc hoặc muốn kéo dài khoái lạc; tranh đấu bảo vệ tư tưởng,quan niệm của mình. Do Thủ nên tạo nghiệp, trong lúc bảo thủ, nắm giữ, bám víu vào năm uẩn con người trở nên ích kỷ,tham lam làm hại kẻ khác. Tạo nghiệp tức là có nghiệp nhân và phải lãnh chịu nghiệp quả, đó gọi là Hữu, nghĩa đen là có, có nghiệp. Do có nghiệp nên phải Sinh trở lại. Vì có sinh ra nên phải Già và Chết.
    Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão tử là năm nhân duyên trong thập nhị nhân duyên. Ở đây chúng ta chưa cần phải nói đến cả 12 nhân duyên,chỉ cần nói đến Ái, Thủ và Hữu. Vì 3 cái này là nguyên nhân hiện tại làm con người đau khổ,tạo nghiệp luân hồi. Muốn chấm dứt luân hồi đức Phật dạy phải đoạn trừ gốc rễ đó là sự chấp ngã. Sự chấp ngã của chúng sinh không là gì khác ngoài sự bám chặt vào năm uẩn cho đó là Ngã (Ta), cho rằng trong năm uẩn có một chủ tể, một ông chủ hay một linh hồn. Bình thường nếu không có vấn đề gì như bệnh hoạn, tai nạn thì ai nấy đều tưởng mình là chủ của năm uẩn. Thí dụ như ngồi lâu mỏi mệt muốn đứng dậy thì Ta đứng lên không có gì khó khăn như vậy là Ta tự tại đối với thân thể. Ta có thể đi, đứng, nằm ngồi hay làm việc theo ý mình nên ta cảm thấy mình là chủ của thân. Khi thân bị đau ốm thì Ta đi bác sĩ hay nhà thương. Như vậy ta cũng thấy mình có chút quyền hành đối với cảm thọ. Đối với Tưởng,ta muốn nghĩ, Tưởng nhớ tới ai thì ta nhớ không ai cấm cản,cho nên ta cũng thấy mình là chủ của Tưởng. Đối với Hành, ta muốn suy nghĩ, tính toán kiểu nào cũng được rất là dễ dàng cho nên ta cho mình là chủ của Hành. Đối với Thức ta muốn hiểu biết phân biệt phải trái ra sao thì ra ai chịu thì chịu, không chịu thì thôi nên ta cũng thấy mình là chủ của Thức. Tất cả chúng sinh đều tưởng mình (Ta) là chủ của năm uẩn, vì Ta muốn sai khiến năm uẩn theo kiểu nào cũng được nó đều làm theo ý của Ta. Vì thế chúng sinh tin chắc Ta (ngã) là chủ của năm uẩn, năm uẩn là Ta, là của Ta.
    Năm uẩn không phải là Ta mà lại chấp là Ta đó là Vô minh,không sáng suốt, không biết sự thật. Do vô minh,không biết nên mới nhận lầm và chấp năm uẩn là ngã. Vô minh cũng chính là nguồn gốc của đau khổ,nhưng nó là nguyên nhân quá khứ. Giáo lý vô ngã và 12 nhân duyên là hai giáo lý nòng cốt của đạo Phật. Đức Phật thành đạo cũng do quán chiếu 12 nhân duyên. Lý 12 nhân duyên bổ sung và đi đôi với lý vô ngã,vì thật ra hai lý này chỉ là một.Con người do duyên sinh nên vô ngã. Con người vô ngã vì do duyên sinh. Lý duyên sinh cho thấy con người không có ngã, mà chỉ là một chuỗi dài 12 nhân duyên trôi chảy bất tận.
    Tóm lại con người vô minh không biết mình chỉ là năm uẩn kết hợp lại. Mỗi khi năm uẩn hoạt động thì lầm chấp đó là Ta,là tôi, Là mình. Chấp Sắc là Ta, Ta là Sắc. Chấp Thọ là Ta, Ta là Thọ. Chấp Tưởng là Ta, Ta là Tưởng...v...v....
    Chúng sinh ngộ nhận,lầm chấp năm uẩn là ngã (là Ta) nên tạo nghiệp khổ đau. Nhưng không những chấp năm uẩn là Ta mà lại còn chấp luôn những thứ khác bên ngoài năm uẩn như nhà cửa, xe cộ, vợ chồng,con cái, tài sản là sở hữu của Ta (Ngã Sở) cho nên vô minh chồng chất lên vô minh, khổ chồng chất lên khổ. Trong các kinh giảng cho hàng Tỳ kheo, đức Phật nhấn mạnh về năm uẩn mà không nói về những thứ khác, bởi vì Tỳ kheo là người đã xả bỏ tất cả sở hữu, bên mình chỉ còn lại ba y và một bình bát. Gánh nặng cuối cùng của họ là năm uẩn.Nhưng đối với hàng phàm phu như chúng ta thì ngã sở rất quan trọng, suốt cuộc đời chỉ lo nghĩ đến ngã sở. Đối với năm uẩn, ta đã không thể ra lệnh cho nó phải theo ý ta thì nói chi đến những thứ khác. Ấy vậy mà đa số đều tưởng bở, tưởng những thứ đó là của ta, và ta có quyền sai khiến điều khiển chúng theo ý ta.
    Hãy lấy thí dụ về nhà cửa.Nhà cửa là thứ quan trọng rất cần thiết cho đời sống con người, có tiền mua nhà là xem như khá giả, còn không thì phải ở thuê, ở mướn. Cái nhà là vật tương đối vững chắc, khó sụp đổ và còn lên giá với thời gian. Khi mua được nhà thì ta xem mình là chủ căn nhà có thể sửa chữa,trang trí nó theo ý muốn. Do đó nhà là của ta (ngã sở). Nhưng theo kinh Phật vừa nói, nếu cái gì thực sự là ta, là của ta thì ta có thể ra lệnh cho nó phải như thế này hay như thế kia theo ý ta. Bình thường ít ai thấy được sự vô thường của cái nhà, vì nó tương đối sống lâu hơn tuổi thọ con người. Một căn nhà có thể đứng vững một,hai hay ba trăm năm nếu không gặp thiên tai, hỏa hoạn. Ở xứ Mỹ là nước giàu có văn minh nhất thế giới hiện nay,khi mua được một căn nhà, người ta phải trả nợ từ 15 đến 30 năm mới xong và lúc đó mới thực sự là chủ căn nhà, nếu trả chưa xong mà thất nghiệp thì nhà băng (ngân hàng) sẽ đến lấy nhà như thường.Nếu nhà là thực sự của ta thì ta có thể ra lệnh cho nó phải ở với ta hoài hoài chứ? Ngay cả khi trả xong và "thực sự" làm chủ căn nhà, khi gặp thiên tai ta cũng mất nhà như thường. Thiên tai không ngoài bốn thứ là đất, nước, gió, lửa.
    Thí dụ về xe cộ. Khi mua được một chiếc xe hơi nhãn hiệu đời mới, ta rất hãnh diện với bà con lối xóm vì ta có chiếc xe ngon lành.Xe này là của ta, ta là chủ của xe. Nhưng theo kinh, nếu xe thực sự là của ta thì ta có thể ra lệnh cho xe phải theo ý ta chứ. Đối với xe thì có ba điều bất trắc xảy ra là: xe hư, tai nạn và mất cắp. Dù là xe nổi tiếng cách mấy đi nữa, cũng vẫn hư như thường (tuy ít hư hơn xe rẻ tiền). Nếu ta là chủ của nó thì hãy ra lệnh cho nó đừng hư thử xem? Ở Âu Mỹ, lái xe trên xa lộ nếu sơ ý hay bất cẩn một chút là mất mạng như chơi, vì xe chạy rất nhanh, khi đụng thì xe nào cũng bẹp rúm như lò xo.
    Nếu ta là chủ thì hãy nói nó đừng bẹp để ta đừng bị thương hay chết. Nếu ta có tiền mua xe đẹp thì lại càng phải cẩn thận gấp mười lần người đi xe cũ. Phải gắn máy báo động để khỏi bị ăn cắp. Nếu xe thực sự là của ta thì không ai có thể ăn cắp được nó. Ngày nào còn đủ nhân duyên,phước đức thì có xe,xe không hư và không bị tai nạn, mất cắp. Nhưng khi xui (tức là hết phước) thì xe sẽ bị hư, gặp tai nạn hay mất cắp. Do đó ta không phải là chủ của xe, và xe không phải thực sự là của ta.
    Thí dụ về vợ chồng. Khi thương yêu ai thì ta muốn chiếm hữu người đó, cưới người đó về làm của mình. Sau khi làm đám cưới và đeo nhẫn cho nhau, ta tưởng người kia trở thành của ta.Ban đầu tình mới,tình còn đậm đà nên hai bên chiều lòng nhau làm ta có cảm tưởng (hay ảo tưởng) rằng ta muốn gì thì người kia đều nghe theo.Nhưng với thời gian, tình phai dần (vì vô thường) nên ta nói mà người kia không thèm nghe, nhiều khi còn chống lại nữa. Đến lúc này thì ta điên tiết lên, tại sao hồi trước nghe lời ta răm rắp mà bây giờ dám cãi lại ta? Nhiều lúc còn hăm bỏ và ly dị ta nữa!!! Trong kinh nói, ngay cả đối với năm uẩn ta còn không thể kiểm soát ra lệnh cho nó phải như thế này hay thế kia,thì làm sao ta lại có thể ra lệnh cho người khác phải theo ý ta? Mình nói mình chưa được mà lại muốn người khác nghe lời mình,đó có phải là vô minh không? Vì không hiểu vợ hay chồng chỉ là danh nghĩa,quy ước thế gian,ký giao kèo sống chung hòa hợp để xây dựng hạnh phúc chứ không phải là của ta,nên ta rất đau khổ khi người kia trái ý hoặc bỏ ta.Ngày nào hai bên còn thương yêu,hiểu biết,thông cảm lẫn nhau thì còn hạnh phúc. Nhưng ngày nào không còn thương yêu,hiểu biết,thông cảm thì người kia sẽ bỏ ta, dù ta có muốn hay không. Do đó vợ chồng không phải là ngã sở, không phải là của ta.
    Thí dụ về con cái. Chúng ta có thể đồng ý vợ chồng không phải là của ta, vì người kia là người dưng nước lã, nhưng con cái là do ta sinh ra, lý nào lại không phải là của ta? Con cái đúng là do ta sinh ra,lúc còn nhỏ nó phải tùy thuộc vào ta (là bậc cha mẹ) nên ta nói gì, làm gì nó cũng (phải) nghe theo, cho nên ta có cảm tưởng chắc chắn nó là của ta. Nhưng khi lớn lên, nó bắt đầu nghĩ khác, làm khác. Ta muốn nó chăm học thì nó lại thích đi chơi. Ta muốn nó học bác sĩ, kỹ sư thì nó lại đòi học đàn, học múa. Ta muốn nó cưới con nhà đàng hoàng, lịch sự thì nó lại thích những đứa bụi đời. Càng lớn thì nó càng trái ý ta và muốn biệt lập, tự do. Nếu ta làm quá thì nó bỏ nhà đi luôn,nhiều khi còn từ cha mẹ nữa. Theo kinh, nếu con cái thực sự là của ta thì ta có thể ra lệnh cho nó phải như thế này hay như thế kia theo ý ta chứ? Ta không bao giờ có quyền ra lệnh cho ai khác cả, nếu có là chỉ vì họ yếu thế phải lệ thuộc ta,hoặc là ta dùng vũ lực uy hiếp, hăm dọa họ. Khi ta có đủ phước đức nhân duyên thì con cái ra đời để trả nợ,đền đáp công ơn của ta qua sự hiếu thảo, vâng lời. Nếu ta thiếu phước, vì đời trước không tu nhân tích đức làm lành, thì con cái ra đời để đòi nợ, oan gia trái chủ, bất hiếu, làm ta điêu đứng, khổ sở. Do đó con cái không phải là ngã sở, không phải là của ta.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người