Nói đến lễ hội là nói đến nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của xã hội, nơi con người được giao tiếp với thần linh trong một mối cộng cảm thiêng liêng. Bên cạnh đó, việc đi lễ cầu an, xin lộc đầu năm là nét đẹp văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Việt từ ngàn đời trước. Thế nhưng giờ đây, những nét đẹp đó đang dần bị mai một... Ngất xỉu ở "phiên chợ cầu may" Từ đầu năm đến nay, cứ mỗi lễ hội mở ra là lại có thêm rất nhiều những chuyện chướng tai, gai mắt. Một biển người chen lấn nhau ở hội cướp phết Bàn Giản (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đã khiến hàng loạt xe máy bị giẫm bẹp, hư hỏng. Từng đoàn người chen nhau leo đến đỉnh non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh), nơi có chùa Đồng rồi dùng tiền lẻ cọ xát vào thân chùa, thả luôn tiền xuống đó tạo thành một bãi rác phản cảm. Ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), tiền lẻ được giắt đầy tay tượng Phật, tượng La Hán, rồi người hành hương vo tiền ném qua khe cửa hậu cung. Còn đi chùa Hương, dòng suối Yến trong xanh biến thành dòng suối rác, rác trôi bồng bềnh khắp nơi, thịt thú rừng treo lủng lẳng... Bản thân lễ hội và những danh thắng kia chả có tội tình gì, điều đáng nói ở đây là rất nhiều người đặt chân đến những chốn linh thiêng ấy mà mang quá nhiều vụ lợi, toan tính trong lòng. Từ những du khách đem lối sống, cách hành xử xô bồ lên chốn cửa thiền, đến những người hành nghề kinh doanh lễ lạt, tâm linh, quyết "buôn thần bán thánh" để kiếm tiền bằng mọi giá. Đó là chưa nói đến tình trạng chặt chém, chen lấn, xô đẩy, thậm chí cướp giật nơi cửa Phật. Hình ảnh xấu xí ấy đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người. Mùa lễ hội 2015 cũng chỉ mới bắt đầu nhưng những hình ảnh chen lấn, xô đẩy, thậm chí đánh nhau để “cướp” lễ đã xuất hiện ở không ít nơi. Hình ảnh dòng người chật cứng trên con đường vào các địa điểm diễn ra lễ hội mà các phương tiện truyền thông đăng tải khiến không ít người ngao ngán, rùng mình. Ví như cảnh hàng ngàn người dân đã đổ về chợ Viềng (xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) vào ngày 25/2/2015 (tức mồng 7 Tết) vừa qua gây nên tình trạng bát nháo, lộn xộn kéo dài. Ngay từ chiều 25/2/2015, trên các ngả đường gần khu vực chợ Viềng đã chật cứng các phương tiện qua lại. Hàng ngàn người chen lấn, xô đẩy, giành giật nhau từng bước chân, từng sải tay những mong "mua" được cái "may", "bán" được cái "rủi", cầu sao cho được cái phúc lộc, hanh thông, thăng tiến trong nghề nghiệp. Đoàn người dường như bất tận đó nối dài đến vài km từ đền thờ chầu bà Đệ Tứ Khâm Sai đến đoạn gần chùa Tiên Hương. Ai nấy đều tâm niệm rằng, bằng mọi giá phải mua cho được một vài chậu cảnh, hay cố xóc được tấm thẻ, xin được tờ giấy sớ bằng bàn tay có vài chữ vuông tròn mới toại nguyện. Trên đường di chuyển từ Phủ Dầy ra chợ Viềng, một người phụ nữ tên Hiền, quê ở Ninh Bình, đã bị ngất xỉu vì chen lấn. Người dân đã phải đưa chị lên nóc ôtô cấp cứu. Còn bà Nguyệt, chủ một cửa hàng đồ gỗ trên TP. Hòa Bình lặn lội về chợ Viềng từ hôm mồng 6 âm lịch. Rút kinh nghiệm từ những lần đi trước, năm nay bà Nguyệt đội lễ đi từ lúc 18 giờ. Thế nhưng, tuổi già sức yếu, suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, bà gần như đứng chôn chân một chỗ giữa biển người. "Thôi đi cố nốt năm nay, chứ tôi sợ cảnh chen lấn, xô đẩy lắm rồi. May, rủi đâu chả biết, chứ cứ chen lấn thế này có ngày "bẹp ruột"...", bà Nguyệt rầu rĩ. Kinh hoàng cướp "lộc" Diễn ra trước phiên chợ Viềng đúng một ngày, lễ hội đền Gióng (diễn ra từ mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng tại Sóc Sơn, Hà Nội) cũng khiến người ta không khỏi ngao ngán vì vô số những điều "chướng tai gai mắt". Hội Gióng được tổ chức là để tưởng nhớ Thánh Gióng, vị anh hùng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Nghi thức chính tại lễ hội là rước kiệu hoa tre (được kết từ hàng trăm hoa tre bằng cách cắm vào thân một cây chuối cao làm trụ). Đây là một vật mang tính biểu trưng, tượng trưng cho cây gậy tre của Thánh Gióng đánh giặc khi xưa. Năm nay có 8 xã cung tiến lễ vật là voi, ngựa chiến, trầu cau, cỏ voi, ngà voi và đặc biệt là lễ giò hoa tre (gậy Thánh Gióng). Sau khi cung tiến vào đền Thượng, dân làng đưa đồ cúng xuống đền Hạ (đền Trình). Hai lễ vật gồm voi và ngựa chiến sẽ được hoá vào ngày 8 âm lịch. Ngà voi được rước về đền Hạ rồi đến các đình của 8 làng xung quanh. Riêng trầu cau và giò hoa tre thì tán lộc cho du khách. Hỗn loạn vì cướp "lộc" ở lễ hội đền Gióng. Theo quan niệm của người dân địa phương thì trong những "lộc Thánh", giò hoa tre là có giá trị nhất. Bởi nó đem lại may mắn, tài lộc cho gia đình trong cả năm. Chính vì thế, ai cũng cố gắng để kiếm cho mình chút "lộc Thánh" lấy may. Sáng 24/2/2015, tức mồng 6 tháng giêng âm lịch, khi kiệu giò hoa tre vừa vào đền Thượng, hàng chục thanh niên lao đến cướp khiến cảnh hỗn loạn diễn ra trước cửa Đền. Chứng kiến những cảnh tượng hỗn loạn ở lễ hội đền Gióng, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã nói rằng: “Lễ hội là một hình ảnh phản ánh sinh động nhất lối hành xử của rất nhiều người dân trong đời sống bình thường. Thường ngày họ vứt rác tứ tung, chen lấn xô đẩy, tranh cướp lợi lộc thì khi đến với lễ hội, chùa chiền, đương nhiên họ cũng không thể cư xử khác đi được. Có thể hình dung văn hóa đi hội của người Việt hiện nay như là chuẩn bị bước vào một cuộc chiến “một mất một còn” với thần thánh, cộng đồng, thiên nhiên, ai cũng chỉ lo mình bị thiệt thòi, ai cũng muốn xin xỏ, giành giật thật nhiều về mình, chà đạp lên xung quanh”. Chen lấn, hối lộ thánh thần “Trăm năm tích đức tu hành/Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”, cũng vì lẽ đó cùng với mong muốn được tận mắt ngắm nhìn hệ thống chùa, am, tháp, mộ, tượng, bia đá, cây cổ thụ trong khu di tích vô cùng quý giá trên dãy Yên Tử hùng vĩ nằm giữa mây mù và rừng nguyên sinh hoang rậm, nên năm này qua năm khác, cứ từ ngày mồng 10 tháng giêng kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch, có đến hàng ngàn lượt tăng ni, phật tử, con dân đất Việt ùn ùn đổ về đây vãn cảnh, du xuân. Và cũng từ đó, nhiều điều chướng tai gai mắt đã diễn ra ở cái nôi của thiền phái Trúc Lâm. Phần lớn du khách, họ đến Yên Tử với những mong cầu an, cầu phước, cầu lộc đầu năm, mong tìm cho mình chút bình tâm, tĩnh tại nơi cửa chùa. Nhưng vô tình đoàn người đang sầm sập kéo đi kia, đã biến khu di tích thành biển người hỗn loạn, xé nát cái không gian vốn thanh tịnh của vùng đất thiêng. Ngay từ con đường nhỏ nối quốc lộ 18 vào Yên Tử, hàng dài xe khách, xe con chen nhau “bò” từng bước. Hàng quán giăng mắc. Đám xe ôm, người đổi tiền, bán nhang, đồ tế lễ nhốn nháo chào mời. Tuy không còn giữ được nét đẹp thậm hoang sơ bởi sự bào mòn khắc nghiệt của thời gian cũng như tác động dữ dội từ bàn tay con người, nhưng Yên Tử - cái nôi của thiền phái Trúc Lâm, vẫn còn đó lối đá rêu phong dài chừng 6000m chạy len lỏi xuyên qua trùng điệp núi non; vẫn còn đó những mái cong, mái vểnh mang hình rồng, dáng phượng ủ mình trong sương mù bảng lảng… tất cả như chứng tích lịch sử về một thời cực thịnh của Phật giáo Việt Nam. Quẹt tiền lấy may ở chùa Đồng - Yên Tử. Thế nhưng, điều đáng nói là chẳng biết các du khách, con nhang, phật tử am hiểu đến đâu về ngôi chùa này, về ông vua Phật Trần Nhân Tông, về một Dòng thiền Yên Tử, chỉ thấy ai nấy khói nhang nghi ngút, xì xụp khấn vái, đồ tế lễ bầy hầy xôi thịt. Khấn xong, người ta nhồm nhoàm, phồng mang trợn mắt… "thọ lộc Thánh". Xương gà, xôi thịt thừa bứa vứt chơ vơ. Suốt dặm dài con đường từ Giải Oan Cốc lên chùa Đồng, con đường của các bậc chân tu đắc đạo đã đi từ mấy trăm năm trước, giờ đây con cháu họ bày ra cơ man thịt xiên, thịt nướng tỏa khói nồng nàn, nhưng nhức. Mùi hương đó quấn quện vào khói hương trầm bay luẩn quẩn quanh chùa, quanh tượng như trêu ngươi. Màu vàng sậm của xúc xích Đức, xúc xích Tàu loang loáng chốn cửa thiền. Bụng đầy rượu, thịt, người ta lại rủ nhau “xé” rừng xú uế, bỏ mặc những căn phòng vệ sinh trống huơ, trống hoác ở mỗi cửa chùa. Cũng vì cái lý do “đường xa vạn dặm”, dốc đá cheo leo, mà dân buôn ở Yên Tử tha hồ “thổi” giá, chặt chém du khách thập phương. Mỗi lon bia có giá 50 ngàn; trứng nướng, xúc xích mi ni 15-20.000 đồng, mì tôm gà 50-60.000 đồng/bát... dù du khách tiếc tiền, xót của vẫn phải ăn. Vì no cái bụng mới có sức mà leo, mà chen lấn, xô đẩy qua hàng ngàn bậc đá trơn tuồn tuột để lên được chùa Đồng (còn có tên Thiên Trúc Tự) nằm hoang biệt trên cái mỏm đá cao 1068m của đỉnh núi Yên Tử, để “sờ” được, “quẹt” được chút lộc thánh “ban” từ chuông đồng, khánh đồng, tượng đồng vào mớ tiền xanh đỏ. Không những thế, người ta còn thể hiện đủ mọi phương cách để chứng tỏ "lòng thành kính" của mình. Họ thắp hương, rập đầu khấn vái ở mọi nơi, mọi chốn, từ gốc đa đến gốc đề, mỏm đá; người nọ chắp tay vái lưng người kia, mâm đầy đè mâm vơi, tất cả tạo nên một bức tranh văn hóa hỗn loạn, xô bồ. Thấy chưa đủ thành tâm, người ta thay nhau “hối lộ” thần linh, bất kể đâu đâu cài gác được đồng tiền, y rằng ở đó tiền rơi lả tả. Có cô nàng quần chít, áo bó từ đầu đến cổ, son phấn bời bời, còn “bạo gan” trèo lên “hối lộ” tiền vào tai tượng trong tiếng trầm trồ thán phục của đám bạn mắt xanh, mỏ đỏ. Chả biết, đằng sau những mái đầu, tóc tai, quần áo thời trang kia, các cậu ấm, cô chiêu có hiểu biết tí gì về cái nôi của thiền phái Trúc Lâm, hay là họ chỉ đi cho vui thế thôi, như thể trình diễn thời trang trên sân khấu, đi để có chuyện mai mà kể với chúng bạn, ta đây cũng sùng kính như ai?! Chỉ biết rằng, hành động của họ vô tình làm xấu đi một lễ hội với những nét đẹp đã ăn sâu vào đời sống tâm linh của hàng ngàn, hàng vạn đồng bào cả nước.