Xuất ngoại hành hương đầu năm: Tỉnh táo để không thành 'mồi ngon'

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Hành hương đầu năm là nét đẹp tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, du khách nên tỉnh táo để không thành "mồi ngon" của những kẻ "buôn thần, bán thánh".

    Sau Tết Nguyên đán, nhiều người chọn đi lễ hay gọi là hành hương với hy vọng cầu an, làm ăn thuận lợi... Đây được xem là một nét tâm linh đẹp của người Việt. Tuy nhiên, nét đẹp này đang bị biến tướng. Để có một chuyến hành hương tốt đẹp, du khách nên tỉnh táo, đừng trở thành mồi ngon của những kẻ buôn thần, bán thánh.

    Xuất ngoại thỏa nguyện tâm linh

    Ngay từ đầu năm, nhiều người đã đến các công ty du lịch đăng ký tour du lịch hành hương. So với các năm trước, năm nay, số lượng người đăng ký tăng đột biến. Trong đó, các tour hành hương xa như Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ, Nepal... chiếm ưu thế.

    [​IMG]
    Nhiều người chọn nước ngoài làm nơi hành hương đầu năm.
    Anh Mai Văn An (quận 1, TP.HCM) cho biết, mọi năm, cha mẹ anh chọn miền Tây để hành hương. Để thay đổi địa điểm, năm ngoái, cha mẹ anh ra miền Bắc. Năm 2014, do làm ăn được, anh quyết định tặng cha mẹ một chuyến hành hương sang Thái Lan để thay đổi không khí.

    Trong khi đó, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa (quận 7) lại chọn Myanmar làm điểm đến. Vợ chồng chị đọc khá nhiều sách về đức Phật. Trong đó, nhiều câu chuyện nhắc đến các ngôi chùa nổi tiếng ở đất nước này. Vì việc buôn bán đầu năm chưa sôi động trở lại nên chị quyết định bỏ ra một tuần vừa đi du lịch vừa cầu mua may bán đắt trong năm mới.

    Bên cạnh đó, một số du khách làm nghề buôn bán lại cho rằng, cứ đến hẹn lại lên, mọi người tìm về các ngôi chùa, đền... nổi tiếng ở trong nước để cầu xin. Do số lượng người đến cầu xin quá đông nên các “ngài” không thể chứng giám hết. Để thể hiện tấm lòng của mình, họ quyết định tìm đến nước bạn để cầu khấn!?

    Đại diện nhiều công ty du lịch cho hay, quốc gia có lượng du khách đăng ký khá đông là Ấn Độ bởi đất nước này được xem là khởi nguồn của đạo Phật. Ngoài ra, Ấn Độ còn có rất nhiều công trình kiến trúc đẹp mắt. Nhiều công ty tổ chức hành hương Ấn Độ từ 5 đến 12 ngày với mức giá khởi điểm hơn 16 triệu đồng/khách.

    Một tour du lịch khác khá hấp dẫn là đến thủ phủ Lhasa của Tây Tạng. Đây là khu vực có cảnh rất đẹp, sương mù, tuyết phủ quanh năm, có nhiều ngôi chùa với kiểu dáng lạ, cổ kính. Tuy nhiên, đại diện công ty Fiditour nhấn mạnh, mặc dù là tour hấp dẫn nhưng đây là khu vực có thời tiết khắc nghiệt, chuyến đi hơn một tuần nên đòi hỏi hành khách phải có sức khỏe.

    Một hướng dẫn viên (xin được giấu tên) cho biết, nhiều du khách khi chọn các tour hành hương ở nước ngoài với suy nghĩ lệch lạc. Họ cho rằng, khi ra nước ngoài, đi xa để thắp hương thì sẽ được các “ngài” chứng giám lòng thành. Điều này là không chính xác.

    Tránh bị “chặt chém” khi hành hương trong nước

    Chăm chú xem các tour du lịch hành hương tại công ty Fiditour, chị Trương Thị Dịu (tiểu thương, quận 1, TP.HCM) chia sẻ, do làm ăn, buôn bán nên năm nào gia đình cũng hành hương về chùa Bà Chúa Xứ (huyện Châu Đốc, An Giang) để cầu buôn may bán đắt. Mấy năm trước, gia đình tổ chức tự đi và thường bị chặt chém khi thuê nhà trọ, ăn uống... Năm ngoái, mẹ chị bị ngộ độc thực phẩm trong khi đi hành hương vì ăn phải đồ thiếu vệ sinh. Lo sợ, năm nay, chị tìm đến các công ty du lịch để tham khảo giá và hành trình.

    “Các tour hành hương về chùa Bà Chúa Xứ có giá từ 1 triệu đến 2 triệu đồng, tuy hơi cao so với việc tự tổ chức, nhưng cả gia đình không phải lo lắng chỗ ăn, chỗ ngủ, lại có thể ghé nhiều nơi”, chị nói.

    Đại diện nhiều công ty du lịch tại TP.HCM cho biết, năm nay, số lượng khách đăng ký du lịch hành hương tăng từ 15% đến 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều du khách chọn tour hành hương từ Rằm tháng Giêng đến giữa tháng Hai.

    Trong đó, nhiều người đăng ký đến các địa điểm hành hương quen thuộc như chùa chùa Bà Chúa Xứ (An Giang), chùa núi Bà Đen (Tây Ninh), chùa Bà (Bình Dương) hoặc thập tự tại Bà Rịa – Vũng Tàu, thập tự tại Đà Lạt... Ngoài ra, số lượng hành khách đăng ký tour hành hương ra miền Bắc đến chùa Bái Đính, Yên Tử, chùa Hương... cũng tăng đột biến.

    Bên cạnh đó, nhiều đoàn lại chọn cách tự tổ chức hành hương. Theo ghi nhận, đa số tiểu thương tại các chợ An Đông, chợ Tân Bình, chợ Kim Biên... tự sử dụng xe cá nhân, hoặc thuê xe cùng đi. Bà Sử Thị Kim Thoa, Phó Ban quản lý chợ An Đông cho hay, mặc dù mồng 10 Tết chợ đã khai trương nhưng đến nay số lượng tiểu thương đến chợ vẫn còn khá ít. Thời gian này, các tiểu thương đang hành hương ở Châu Đốc, Tây Ninh hoặc thập tự tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.

    Bà Trần Bảo Thu (công ty du lịch Fiditour) tư vấn, du khách hành hương thường đi bộ, leo núi nên tuyệt đối tránh giày cao gót, dép không có quai hậu vì có thể gặp nguy hiểm. Du khách nên mang theo giày mềm, đế thấp, tránh mang giày mới sẽ gây rộp, đau chân. Thời gian này thời tiết bắt đầu nóng nên du khách nên mặc trang phục co giãn, thấm hút mồ hôi.

    Do đi hành hương nên cần chú ý đến trang phục phù hợp với thuần phong mỹ tục. Trước khi vào tham quan, thắp nhang, viếng chùa,... du khách không nên quá tham, mang nhiều hành lý, tư trang có giá trị. Tốt nhất, du khách nên gửi hành lý ở khách sạn hoặc trên xe để tránh mất mát, làm con mồi cho những kẻ móc túi.

    Bà Trần Thị Hoàng Linh (công ty Lieng Bang Travelink) chia sẻ, đối với những du khách ở miền Nam ra miền Bắc hành hương cần chú ý đến các dịch vụ đặc thù, lạ lẫm bởi vùng miền. Ví dụ, khi đi vào chùa Hương, cần sử dụng ghe thuyền. Số lượng du khách đông, việc mua vé đi thuyền vào chùa có khi mất cả tiếng đồng hồ nhưng vẫn cần đăng ký thuyền từ đơn vị quản lý, không nên thuê thuyền thông qua cò vì dễ bị hét giá cao ngất ngưởng.

    Không chỉ thế, mâm lễ ở miền Bắc cũng đa dạng hơn so với ở miền Nam. Du khách nên tìm hiểu thông tin, lễ vật cần mua bao nhiêu món, mỗi món bao nhiêu tiền, bao gồm phí vận chuyển từ chân núi lên đến điện thờ và nghi lễ hay chưa. Nếu quên hỏi giá thì hành khách có thể bị “chém” khá nặng đối với các món lẻ.

    Nếu sử dụng dịch vụ gánh đồ, mang vác hàng hóa thuê để leo núi, chỉ nên chọn những người có thẻ hành nghề, được ban quản lý di tích cấp phép để tránh tình trạng phải trả số tiền lớn hay mất cắp. “Cần lưu ý, du khách không nên chiều theo sự bày vẽ của người kinh doanh và tốt nhất chỉ cần mua một bó hương để lạy Phật”, bà Linh chia sẻ.

    Khuyến cáo

    Trong khi đó, đại diện công ty Saigon tourist cho biết, nhiều điểm hành hương bày bán các loại thân, rễ, lá các loài cây lạ và được quảng cáo như thần dược. Thậm chí, một số người nhà của người bán trà trộn, giả vờ là du khách thần thánh hóa công dụng. Mặc dù công dụng thực các món hàng này không biết như thế nào, nhưng chúng được nâng giá lên đến vài triệu đồng. “Du khách không nên tin vào lời quảng cáo của người bán, chỉ nên mua những thứ mình biết chính xác”, người này cảnh báo.
    Thiên Di​
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người