Chùa Huyền Không

Thảo luận trong 'Đền chùa Huế'

Tags: Add Tags
  1. VoThuong

    VoThuong Member

    Chùa Huyền Không

    [​IMG]
    Chùa Huyền Không, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

    Địa Điểm: Chùa tọa lạc tại thôn Nham Biều, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

    Trụ Trì: Tỳ khưu Pháp Tông.

    Điện Thoại: 054. 3550 138 – 0913 457 006

    Chùa Huyền Không hay còn được gọi là chùa Huyền Không 1. Sở dĩ có tên như vậy để phân biệt chùa Huyền Không và chùa Huyền Không Sơn Thượng (vẫn thường gọi là Huyền Không 2). Rất nhiều người đến Huế, khi tìm đến chùa Huyền Không Sơn Thượng vẫn thường nhầm lẫn với ngôi chùa Huyền Không nằm ở vùng ngoại ô Kim Long.

    [​IMG]
    Sân chùa trước Chánh điện

    Đây là một ngôi chùa nhỏ, nổi tiếng nhờ những vườn hoa, cây cảnh và thơ. chùa Huyền Không là ngôi chùa thuộc Phật giáo Theravāda Việt Nam (còn gọi là Phật giáo Nguyên Thủy - Phật giáo Nam Tông) - chỉ thờ duy nhất tượng Đức Phật Thích Ca.

    Lịch Sử: Chùa vốn là hậu thân của chùa Huyền Không ở Lăng Cô, Phú Lộc, bên chân đèo Hải Vân được Thượng tọa Giới Đức dời về đây vào năm 1978. Đến năm 1989, thượng tọa Giới Đức lại tiếp tục tiến vào khai phá núi Hòn Vượn xây dựng nên chùa Huyền Không Sơn Thượng trên diện tích 50ha, chùa Huyền Không được giao lại cho Thượng Tọa Pháp Tông trụ trì.

    [​IMG]
    Cổng vào chùa Huyền Không

    Được xây dựng năm 1978, Chùa Huyền Không không bề thế, cổ kính như nhiều ngôi chùa khác ở Huế.

    Kiến Trúc: Chùa được xây bằng vật liệu hiện đại là bê tông cốt thép, thế nhưng vẫn mang dáng dấp cổ kính, hài hoà với đường nét chung của cố đô. Sân chùa lát gạch, rộng, thoáng mát. Chánh điện trang trí đơn giản, thanh tịnh và trong sáng. Phật tử vào lễ Phật trong khung cảnh đó sẽ cảm thấy tâm hồn mình thảnh thơi, lắng dịu.

    [​IMG]
    Chánh điện chùa Huyền Không duy nhất thờ tượng Đức Phật Thích Ca

    Chùa Huyền Không được kiến tạo theo mô thức nhà vườn, thú chơi cây cảnh, hòn giả sơn, ao nước thả súng hồng, vườn hoa trước nhà mang đậm chất Huế. Chùa Huyền Không có ba khu vườn có tính chủ đạo cho cảnh trí chung là Thanh tâm viên, Phương thảo địa và Hứa nhất thiên.

    [​IMG]
    Hàm Nguyệt Trì bên trong Thanh Tâm Viên

    Thanh Tâm viên là một khu vườn với những đồi cỏ lúp xúp có năm ba gốc dương liễu cổ kính, xương xẩu, tàn lá xanh rì, dăm bảy cụm lạc thạch là những lối mòn quanh co lát đá. Một mái lương đình ngói đỏ thấp thoáng sau mấy gốc hoa sứ lão trượng, cội thiên tuế tuổi tác gần thế kỷ. Trong Thanh Tâm viên có hồ nước hình chữ S được đặt tên là Hàm Nguyệt trì (hồ ngậm trăng), dưới hồ thả hoa súng và cá cảnh – ven hồ là những bụi cây cành lá mềm mại đong đưa soi bóng. Đầu hồ có chiếc cầu tre nhỏ gọi là Giải trần kiều (Rũ sạch bụi trần), tạo cảm giác thoải mái khi ung dung nhẹ bước qua cầu để vào nghỉ mát ở Y Thảo Đình bên kia hồ, là nơi để các tăng sĩ hoặc các du khách đề thơ, họ viết bằng mực tàu, giấy đỏ, bút lông đỏ làm sống lại một thú chơi tao nhã.

    [​IMG]
    Giải Trần Kiều

    Bên phải Phật điện là một kiến trúc thu hút sự chú ý của khách thập phương là Yên Hà Các, với lối kiến trúc mang phong cách xứ phù tang với những đường nét kiến trúc uyển chuyển, nhẹ nhàng. Nơi đây những giỏ phong lan luôn được chăm sóc và thay đổi mỗi ngày hoa nở, được chọn trong 500 giỏ phong lan quý nuôi trồng ở vườn dưới sân chùa. Phía sau chùa là vườn Phương Thảo địa, nơi trưng bày và nuôi dưỡng phong lan.

    [​IMG]
    Yên Hà Các với lối kiến trúc mang phong cách xứ phù tang

    Khu vườn cảnh Hứa Nhất Thiên nối tiếp Yên Hà Các là nơi trưng bày các chậu bonsai. Cạnh đó là giàn phong lan với hơn 500 giò lan nhiều chủng loại. Phía cuối khu vườn là nơi trưng bày hơn 100 chậu non bộ đan xen nhiều phong cách khác nhau như nghệ thuật Bonsai Nhật Bản hay kiểu Bonki (chậu đá) rất gần gũi với thú chơi non bộ của người Việt, nghệ thuật Saike (cây đá) thể hiện với hình thức một cây cổ thụ nhỏ bé sống trên viên đá cầu kỳ.

    [​IMG]

    Mặt vườn Thanh Tâm và vườn Hứa Nhất Thiên được phủ một thảm cỏ xanh mướt bốn mùa. Lối đi trong vườn được ghép bằng những phiến đá nhỏ. Ngoài cầu, ao, thảo am, trong vườn còn có khe suối quanh co, “róc rách” chảy quanh những khóm trúc cây tùng, những cụm giả sơn những hòn non bộ.

    Chùa Huyền Không không chỉ là nơi cầu nguyện lễ phật của phật tử cũng như du khách trong và ngoài nước mà còn điểm tham quan du lịch lý thú. Đến với nơi đây, có cảm giác như lạc bước vào chốn bồng lai tiên cảnh, tâm hồn trở nên nhẹ nhàng thanh thoát.
     
    Last edited: 27/3/14

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người